Doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng thiếu vỏ container đang diễn ra trên thế giới. Bên cạnh đó, giá cước vận chuyển tiếp tục duy trì ở mức cao, phí dịch vụ tại cảng chuẩn bị tăng… trong khi không dễ tăng giá bán với khách hàng.
Cụ thể, từ tháng 10/2020 xuất hiện tình trạng thiếu hụt container rỗng, giai đoạn tháng 12/2020 đến đầu tháng 2/2021 là đỉnh điểm khan hiếm container rỗng khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa phục vụ các dịp lễ tết tăng cao, trong khi lượng container bị ùn ứ lại các cảng lớn ở Mỹ và châu Âu do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tình trạng này khiến giá cước container tăng một cách phi mã từ 600-800 USD/container 40 feet lên mức 7.000 - 8.000 USD/container, thậm chí có thời điểm giá cước đi thị trường Anh lên tới 10.000 USD/container.
Từ đầu tháng 3, các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết tình trạng khan hiếm container rỗng đã bớt căng thẳng và việc đặt container đi các tuyến châu Âu đã dễ dàng hơn. Tuy nhiên, giá cước vẫn không có dấu hiệu giảm.
Ông Võ Thanh Tú, Giám đốc Công ty ONEX Logistics, một đơn vị làm dịch vụ hải quan cho biết, rất nhiều khách hàng của công ty ông rơi vào tình cảnh này. Có doanh nghiệp nhập gạch từ Ấn Độ, cước hồi tháng 9/2020 cho mỗi container là 390 đô la Mỹ, thì ở đợt nhập hàng hồi tháng 2/2021 đã vọt lên 650 đô la Mỹ/container. Đã vậy, đặt chỗ (booking) với hàng tàu cũng mất vài lần, cứ xác nhận lại hủy vì không có container.
Giá cước vận chuyển tăng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đóng thuế nhiều hơn. Bởi lẽ, các loại thuế của hàng nhập khẩu tính theo giá CIF, gồm giá bán cộng phí bảo hiểm quốc tế cộng phí vận chuyển.
Từ đầu tháng Ba, các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết tình trạng khan hiếm container rỗng đã bớt căng thẳng và việc đặt container đi các tuyến châu Âu đã dễ dàng hơn. Tuy nhiên, giá cước vẫn không có dấu hiệu giảm.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T, cho biết giá cước vận chuyển tăng chóng mặt khiến chi phí logistics vốn đã chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản phẩm nay càng đội lên cao.
Xuất khẩu gặp khó vì giá cước cao và thiếu container lạnh
Với mức cước vận tải hiện nay, tổng chi phí logistics chiếm tới 70% giá thành của nông sản xuất khẩu. Đây chính là lý do vì sao nông dân bán nông sản rẻ, người tiêu dùng nước ngoài mua nông sản giá đắt nhưng doanh nghiệp thương mại không lãi bao nhiêu bởi phần lớn chi phí nằm ở khâu vận chuyển.
Đang trong lúc lao đao giữa “muôn trùng vòng vây” chi phí, doanh nghiệp lại nhận thêm một thông tin mới. Đó là từ 1/4, phí dịch vụ tại cảng Cát Lái, cảng xuất và nhập khẩu hàng chính của các doanh nghiệp phía Nam, sẽ tăng thêm từ vài phần trăm đến vài chục phần trăm (tùy loại container hàng khô hoặc lạnh) so với giá hiện hành. Trong đó, mức tăng phí dịch vụ với các loại container hàng lạnh ở mức cao nhất, có thể lên đến 30% so với trước.
Theo tính toán của các doanh nghiệp, với biểu giá mới, mỗi container hàng nhập về, trong trường hợp luồng vàng và phải bốc container chuyển bãi để kiểm hóa, thêm quá thời hạn ở bãi… thì số tiền tăng thêm lên tới 10%. Con số tuyệt đối của từng container có thể không nhiều nhưng nhiều container thì lại là con số không nhỏ.
Chia sẻ về những khó khăn, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết, xuất khẩu gạo của công ty những tháng đầu năm giảm một phần do cước vận tải đường biển tăng quá cao. Vào cao điểm thiếu hụt container rỗng các hãng tàu đã “làm giá” để nâng giá sàn vận chuyển đường biển lên cao gấp nhiều lần so với trước đây.
Mặc dù doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng xuất khẩu tại cảng đi, chi phí vận chuyển do nhà nhập khẩu chi trả nhưng với giá cước quá cao như hiện nay, nhà nhập khẩu phải cân nhắc lùi thời gian nhận hàng hoặc tìm các nguồn cung có quãng đường vận chuyển ngắn hơn để cắt giảm chi phí.
Thiên Trường