Theo lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối ở TP.HCM cho biết, ngay sau ngày điều chỉnh giá 1/3, giá dầu bắt đầu biến động mạnh. Từ nay đến ngày 11/3, nếu giá dầu thô tiếp tục tăng thì giá xăng trong nước sẽ không dừng ở mức tăng 2.100-2.400 đồng/lít.
Trong phiên giao dịch đầu tuần, các hợp đồng dầu thô đều đã tăng hơn 8% vào đầu giờ khi thị trường tiếp tục phản ứng với sự gián đoạn nguồn cung xuất phát từ cuộc xung đột của Nga - Ukraina và khả năng Nga bị cấm dầu và khí đốt tự nhiên.
Cụ thể, dầu WTI tăng 9,48 USD/thùng tương ứng 8,19% lên mức 125,16 USD/thùng; Dầu Brent tăng 10,59 USD/thùng tương ứng 8,97% lên mức 128,70 USD/thùng.
Giá dầu cao nhất từ giữa năm 2008, Brent có thời điểm lên tới 130 USD/thùng. Tiếp đà tăng của tuần trước khi các hợp đồng tương lai đã đóng cửa ở mức chưa từng thấy trong vòng một thập kỷ qua. Dầu Brent tăng 21% và dầu WTI của Mỹ tăng tới 26% trong tuần qua.
Giá xăng có chạm mốc 30.000 đồng/lít
Từ đầu năm 2022, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 5 đợt tính từ mốc 25/12/2021 đến lần tăng giá gần nhất 1/3, làm cho giá xăng RON 95 tăng 3.537 đồng/lít; giá xăng E5 RON 92 tăng 3.521 đồng/lít lên mức 26.830 đồng/lít, mức cao nhất từ trước đến nay.
Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 3/3 tăng hơn 10% so với ngày 1/3 ở mức 130,51 USD/thùng đối với xăng RON 92, xăng RON 95 133,35 USD/thùng...
Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối ở TP.HCM cho biết ngay sau ngày điều chỉnh giá 1/3, giá dầu bắt đầu biến động mạnh. Giá xăng nhập khẩu đã bao gồm chi phí vận chuyển đến ngày 7/3 ở mức 145,88 USD/thùng đối với xăng RON 95 và 142,01 đối với xăng E5 RON 92.
Với mức giá này, dự đoán giá bán xăng trong nước sẽ tăng khoảng 2.100-2.400 đồng/lít, tức sẽ tiến sát mốc 30.000 đồng/lít. Từ nay đến ngày 11/3, nếu giá dầu thô tiếp tục tăng thì giá xăng trong nước sẽ không dừng ở mức tăng 2.100-2.400 đồng/lít.
Trao đổi với báo chí, ông Bùi Xuân Vũ - Phó tổng giám đốc Công ty Nhiên liệu Sài Gòn (SFC) - cũng thừa nhận giá dầu thô thế giới đang tăng chóng mặt, trung bình giá tăng 10 USD/thùng trong khi đó cơ quan điều hành vẫn điều chỉnh theo chu kỳ 10 ngày/lần.
"Chính vì vậy, kỳ điều hành giá tiếp theo vào ngày 11/3, giá xăng sẽ tăng rất mạnh, ở mức hơn 2.000 đồng/lít, còn dầu hơn 1.000 đồng/lít", ông nói.
Nhằm hạ nhiệt giá xăng dầu, bình ổn thị trường, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính tính lại chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức đã áp dụng từ 2014, phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam cũng như các loại thuế trong giá cơ sở, nhất là thuế bảo vệ môi trường.
Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức 1.000 đồng/lít xăng, 500 đồng/lít với dầu, áp dụng từ ngày 1/4 đến hết năm 2022. Song theo nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, mức giảm này là thấp trong bối cảnh giá mặt hàng này tăng quá mạnh như hiện nay. Mức giảm thuế bảo vệ môi trường cần "đủ liều", ít nhất là 50% so với mức thuế hiện nay (tức cần giảm ít nhất 2.000 đồng/lít).
Thành Nam