FLC vừa nhận thêm hai quyết định cưỡng chế thuế của Chi cục Thuế khu vực Đak Đoa - Mang Yang với hơn 189 tỷ đồng, nâng tổng số tiền cưỡng chế thuế tại các địa phương lên tới 1.520 tỷ đồng.
Theo đó, Chi cục Thuế khu vực Đak Đoa - Mang Yang đã ban hành 2 quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về việc quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản/yêu cầu phong toả tài khoản của FLC mở tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) chi nhanh Gia Lai.
FLC nhận thêm 2 quyết định cưỡng chế thuế hơn 189 tỷ đồng.
Lý do bị cưỡng chế là FLC đã nợ tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp quá 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp thuế, hết thời hạn gia hạn nộp thuế. Sổ tiền bị cưỡng chế là hơn 189 triệu đồng.
Trước đó, ngày 28/9, Cục Thuế tỉnh Quảng Bình cũng vừa có quyết định cưỡng chế thuế đối với tập đoàn đa ngành này, với số tiền hơn 457,7 tỷ đồng.
FLC đã nhiều lần bị cơ quan thuế ra quyết định cưỡng chế về thuế. Cụ thể, ngày 18/8, Chi cục Thuế khu vực TP Sầm Sơn - Quảng Xương đã ra quyết định cưỡng chế bằng hình thức phong tỏa tài khoản với tổng số tiền 130,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngày 13/9, FLC cũng nhận được quyết định của Cục thuế Hà Nội về việc điều chỉnh quyết định áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn, số tiền cưỡng chế là gần 325,8 tỷ đồng.
Như vậy, sau quyết định của Chi cục thuế Đak Đoa - Mang Yang nói trên, tính từ tháng 8 đến nay, FLC đã nhận các quyết định cưỡng chế thuế lên tới 1.520 tỷ đồng.
Không chỉ liên tục bị cưỡng chế thuế, thời gian gần đây, nhiều địa phương cũng đã ban hành các quyết định dừng xem xét, thu hồi chủ trương nghiên cứu, khảo sát và chấm dứt hoạt động hàng loạt dự án của FLC như Thanh Hóa, Bình Phước, Kon Tum, Hòa Bình, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Nghệ An, Phú Thọ.
Duy Khánh