Giá phân bón đang tăng phi mã, lên mức cao nhất trong 50 năm qua. Để hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước và giảm bớt khó khăn cho nông dân, các bộ, ngành liên quan đang thực hiện nhiều giải pháp...
Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong tháng qua, giá các loại phân bón đều có mức tăng 1.000 - 1.900 đồng/kg so tháng trước. Hiện giá bán lẻ DAP nội địa dao động quanh mức 22.400 đồng/kg, kali 19.500 đồng/kg, urê 18.200 đồng/kg...
Theo Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Phùng Hà, giá phân bón bắt đầu tăng phi mã từ năm 2020 đến nay và đây cũng là đợt tăng giá mạnh nhất trong vòng 50 năm trở lại đây. Nguyên nhân khiến giá phân bón tăng cao, chủ yếu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cước vận chuyển tăng mạnh; giá dầu, giá khí tự nhiên tăng cao.
"Chóng mặt" vì giá phân bón tăng
Đặc biệt, do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, những cường quốc xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới. Riêng với Nga, từ ngày 10/3, đã dừng hẳn việc xuất khẩu phân bón ra thế giới. Điều này dẫn đến nguồn cung phân bón toàn cầu mất cân đối.
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hằng năm, Việt Nam sử dụng trung bình trên 10 triệu tấn phân bón sản xuất công nghiệp. Dự báo, giá phân bón sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, nhất là với DAP và kali, do nguồn cung phân bón thế giới khó tăng lên, cộng với nguyên liệu đầu vào tăng mạnh.
Dù không thiếu phân bón, nhưng rõ ràng, giá phân bón tăng cao - đã tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất nông nghiệp trong nước. Bởi theo Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi phí phân bón chiếm tới 30 - 50% giá thành sản xuất của ngành này.
Để giảm bớt khó khăn cho nông dân, các bộ, ngành đang thực hiện nhiều giải pháp. Cụ thể, Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thônvừa đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế với mức thuế suất hợp lý.
Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét chính sách thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phân bón urê, DAP, MAP. Trong đó có các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các loại phân bón để đảm bảo nguồn cung trong nước.
Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo đề xuất tăng thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng phân bón từ mức 0% lên 5%. Mục đích nhằm giữ lại nguồn phân bón cho sử dụng trong nước, nhất là trong bối cảnh giá phân bón đang có xu hướng tăng cao. Mặt khác, thời gian qua, nhiều quốc gia hạn chế việc xuất khẩu phân bón để giữ ổn định thị trường nội địa...
Hương Thủy