Chiều 25/5, tại xã Thanh Thủy, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cùng lãnh đạo tỉnh Hải Dương cắt băng xuất lô vải thiều đầu tiên xuất đi Singapore và Mỹ.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tỉnh Hải Dương cắt băng chuyến trái vải đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Singapore
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, vụ vải năm nay, nhiều doanh nghiệp đã cam kết cùng tỉnh Hải Dương và hàng nghìn hộ dân tiêu thụ vải quả phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam đã ký hợp đồng bao tiêu sản lượng khoảng 1.250 tấn vải tại các vùng trồng vải theo tiêu chuẩn quốc tế đang được tỉnh triển khai, quản lý để xuất khẩu đi Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Canada và bán tại các siêu thị trong nước. Công ty TNHH Sản xuất, thương mại và dịch vụ Rồng Đỏ đăng ký thu mua 150 tấn vải để xuất khẩu đi Mỹ, Úc, EU và Trung Đông…
Theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương bà Lương Thị Kiểm cho biết, ngoài việc giữ vững thị trường Trung Quốc, để vươn tới các thị trường khó tính hơn như Canada, Singapore, Mỹ, Úc, Đài Loan…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đã cùng doanh nghiệp và trên 1.500 hộ dân thực hiện trồng, chăm sóc vải quả theo quy trình Viet Gap, GlobalGAP và khống chế tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật có trong quả chín; thực hiện tốt công nghệ bảo quản sau thu hoạch có thể vận chuyển vải quả nhanh bằng đường không hoặc dài ngày bằng đường biển.
Các đại biểu thăm vùng vải thiều xuất khẩu xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường ghi nhận những năm gần đây, Hải Dương khẩn trương chuyển đổi nhanh việc cơ cấu vùng vải, đủ điều kiện xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới, qua đó nâng cao chất lượng giá trị quả vải thiều truyền thống đất Thanh Hà, Hải Dương.
Bộ trưởng nhấn mạnh, tỉnh cần chỉ đạo người dân thu hoạch nhanh lúa chiêm xuân đã chín, triển khai vụ mùa và vụ đông, bởi vụ đông nhiều vùng người dân của Hải Dương thâm canh tốt, cho giá trị kinh tế cao.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, năm 2020, tổng diện tích vải toàn tỉnh đạt 9.750ha. Trong đó, riêng huyện Thanh Hà: 3.600 ha; thành phố Chí Linh: 3.900 ha. Các địa phương còn lại 2.250 ha. Do năm nay thời tiết thuận lợi, tổng sản lượng quả dự kiến sẽ đạt 45.000 tấn, cao hơn 20.000 tấn so với cùng kỳ 2019.
Sơ chế, đóng gói, bảo quản lạnh vải thiều xuất khẩu tại xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà
Từ đầu vụ đến nay, vải thu hoạch đạt năng suất, sản lượng khá tốt, tiêu thụ rất thuận lợi, giá bán cao. Giá bán đầu vụ khoảng 50 nghìn đồng/kg, tương đương giá của năm 2019. Hiện nay, dù đang giữa vụ vải sớm, giá bán vẫn đạt 32 đến 38 nghìn đồng/kg, cao hơn năm 2019 và trung bình nhiều năm từ khoảng 5.000 đên 10.000đ/kg.
Đối với trà vải thiều chính vụ, hiện nay, vải đang trong giai đoạn đẫy cùi. Thời gian dự kiến thu hoạch từ 5 đến 30-6. Sản lượng dự kiến trà vải thiều chính vụ khoảng 25.000 tấn. Người dân đang tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để đảm bảo năng suất và chất lượng mẫu mã, chất lượng an toàn thực phẩm phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Để quả vải vươn xa đến các thị trường trên thế giới, Hải Dương được Cục Bảo vệ thực vật cử chuyên gia đi rà soát, đánh giá các vùng trồng vải và cấp mã số vùng trồng vải xuất khẩu đi Nhật Bản, Mỹ, Úc, Trung Quốc và cấp chứng nhận cơ sở khử trùng Vải xuất khẩu đi Nhật.
Theo đó, tháng 3 và tháng 4 năm 2020, Cục Bảo vệ thực vật đã thông báo các mã số vùng trồng xuất khẩu đi Nhật bản, Mỹ, Úc 23 mã vùng, trong đó cấp mới 11 mã và rà soát, đánh giá, cấp lại 12 mã (đã cấp từ năm 2015-2016); cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói vải xuất khẩu đi Trung Quốc được 64 vùng trồng và 120 cơ sở đóng gói; cấp chứng nhận cho Công ty CP Hưng Việt tại Hải Dương đủ điều kiện xử lý, xông Methybromide cho quả vải xuất khẩu đi Nhật Bản (đây là một trong 3 cơ sở đầu tiên trong toàn quốc được cấp phép xử lý, xông Methybromide cho quả vải xuất khẩu đi Nhật Bản).
Tuấn Minh
Theo Thuonghieucongluan.com.vn