Xây dựng chuỗi sản xuất cà phê bền vững

09:30 18/04/2025

Để duy trì vị thế và nâng cao giá trị ngành hàng cà phê, cần đặc biệt quan tâm, tập trung vào công tác quản lý chất thải, sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm và áp dụng các phương pháp sản xuất thân thiện với môi trường.

Tiếp cận chuỗi sản xuất bền vững, chất lượng và tăng trưởng xanh đã giúp cà phê Việt Nam khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầu.Tiếp cận chuỗi sản xuất bền vững, chất lượng và tăng trưởng xanh đã giúp cà phê Việt Nam khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầu.

Thách thức trong quản lý chất lượng cà phê

Năm 2024, xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt 1,32 triệu tấn, kim ngạch 5,48 tỷ USD, giảm 18,8% về lượng nhưng tăng 29,11% về giá trị so với năm 2023. Giá xuất khẩu bình quân đạt 4.151 USD/tấn, tăng 56,9% cho thấy giá trị gia tăng của cà phê Việt Nam đang được nâng cao nhờ sản xuất bền vững và chất lượng tốt hơn.

Ngành cà phê Việt Nam, dù có tiềm năng lớn nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển bền vững. Một trong những vấn đề nổi bật là quản lý chất thải từ sản xuất cà phê, bao gồm vỏ quả, bã cà phê, nước thải chế biến, bao bì phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

Theo Cục Trồng trọt và BVTV cho biết hiện nay, việc thu gom và xử lý chất thải còn hạn chế do nhận thức của người dân chưa cao, công nghệ xử lý chưa đồng bộ và thiếu các chính sách hỗ trợ hiệu quả. Những chất thải không được xử lý đúng cách gây ô nhiễm môi trường, suy thoái đất và phát thải khí nhà kính, đặc biệt từ quá trình chế biến và vận chuyển.

Việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV không hợp lý cũng làm mất cân bằng hệ vi sinh vật trong đất, ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng và năng suất cây cà phê.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Lâm Đồng cho biết mỗi năm, nông dân tỉnh này sử dụng hơn 350.000 tấn phân bón, trong đó phân vô cơ chiếm trên 200.000 tấn. Nếu không có biện pháp thu gom và xử lý đúng quy trình, các chất thải từ phân bón và thuốc BVTV sẽ gây tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái.

Để giải quyết những thách thức này, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh rằng việc đảm bảo sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm và xử lý chất thải hiệu quả là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự thay đổi đồng bộ từ chính sách đến hành vi của người sản xuất.

Để thúc đẩy sản xuất cà phê bền vững, nhiều đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Điển hình như trong năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức 12 lớp tập huấn cho 360 học viên tại 4 tỉnh Tây Nguyên, tập trung vào quản lý cỏ dại tiên tiến, canh tác cà phê tốt, vệ sinh sức khỏe và an toàn lao động. Các lớp học này không chỉ nâng cao kỹ năng cho cán bộ khuyến nông và nông dân mà còn củng cố mạng lưới khuyến nông cộng đồng, giúp lan tỏa kiến thức đến các hộ sản xuất.

Những chương trình này đã trang bị cho nông dân kiến thức và kỹ năng thiết yếu để áp dụng quy trình canh tác bền vững, quản lý vật tư nông nghiệp hiệu quả và xử lý chất thải ban đầu tại hộ gia đình. Lực lượng khuyến nông cộng đồng cũng được nâng cao năng lực, đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa cơ quan quản lý và người sản xuất.

Nhân rộng các mô hình sản xuất thân thiện môi trường

Tỉnh Lâm Đồng, với diện tích cà phê khoảng 176.000 ha và sản lượng gần 600.000 tấn/năm, là một trong những địa phương đi đầu trong sản xuất cà phê bền vững. Tỉnh đã phát triển hơn 86.000 ha cà phê đạt các chứng nhận như hữu cơ, VietGAP, 4C, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Ông Nguyễn Hoàng Phúc cho biết, lãnh đạo tỉnh luôn chú trọng sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững thông qua các nghị quyết và chương trình cụ thể, đảm bảo chất lượng sản phẩm cà phê đáp ứng thị trường quốc tế.

Một minh chứng tiêu biểu là Bình Đông Farm tại xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng. Với vùng canh tác 111 ha, trong đó 90 ha trồng cà phê, Bình Đông Farm đã chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang mô hình cà phê chất lượng cao, hướng hữu cơ và thân thiện với môi trường. Farm không sử dụng thuốc trừ cỏ, cân bằng dinh dưỡng giữa phân hữu cơ và vô cơ, đồng thời cải tiến quy trình chế biến để giảm thiểu tác động môi trường.

Theo ông Nguyễn Thanh Lộc, Giám đốc điều hành Bình Đông Farm, vỏ cà phê sau sơ chế được ủ với chế phẩm sinh học trong 3-5 tháng để bón lại cho cây trồng. Nước thải từ quá trình rửa cà phê được xử lý qua 3 hồ lắng kết hợp men vi sinh, sau đó tái sử dụng để tưới cây. Nhờ áp dụng mô hình này, năng suất cà phê tăng từ 3-4 tấn/ha lên 5-6 tấn/ha, chất lượng cải thiện rõ rệt với lượng đường trong trái cao hơn. Sản phẩm của Bình Đông Farm đã xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ, New Zealand và Hàn Quốc, thu hút lượng khách hàng quốc tế ngày càng tăng.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nhấn mạnh rằng việc tiếp cận chuỗi sản xuất bền vững, chất lượng và tăng trưởng xanh đã giúp cà phê Việt Nam khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, ngành cà phê cũng đối mặt với biến động giá cả do các yếu tố quốc tế. Đầu tháng 4/2025, giá cà phê tại Tây Nguyên giảm mạnh từ 132.000 đồng/kg xuống 116.000-118.000 đồng/kg sau thông báo áp thuế đối ứng từ chính quyền Mỹ. Đến ngày 10/4, khi Mỹ hoãn áp thuế 90 ngày, giá cà phê phục hồi lên 119.000 đồng/kg và đạt 132.000 đồng/kg vào ngày 16/4.

Ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia thị trường cà phê, cho rằng sự hạ giá của đồng USD và nhu cầu thu mua xuất khẩu sang Mỹ là nguyên nhân chính khiến giá cà phê tăng trở lại. Tuy nhiên, ông dự báo giá khó đạt mức đỉnh trước đó do nguồn cung từ Brazil và Indonesia tăng, cùng với sự thận trọng của các nhà đầu cơ trước chính sách khó lường của Mỹ.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Trung nhận định, để đạt mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030, ngành cà phê Việt Nam cần tập trung vào các định hướng chiến lược. Thứ nhất, không mở rộng diện tích mà ưu tiên tái canh, cải tạo vườn cà phê già cỗi để nâng năng suất và chất lượng. Thứ hai, đẩy mạnh sản xuất bền vững, áp dụng công nghệ 4.0, chuyển đổi số và phát triển cà phê đặc sản, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản. Thứ ba, xây dựng chuỗi giá trị cà phê chất lượng cao, gắn kết nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp để đa dạng hóa sản phẩm và tăng giá trị gia tăng. Cuối cùng, tăng cường chính sách hỗ trợ quản lý chất thải, sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm và bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển ngành cà phê bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường.

Theo Báo điện tử Chính phủ 

  • Cùng chuyên mục

Phát triển làng nghề truyền thống muối Tuyết Diêm

Ngày 13/4, tại quận Hoàn Kiếm, nhằm giới thiệu tiềm năng, nét đặc sắc của Làng nghề truyền thông muối Tuyết Diêm của Thị xã Sông Cầu, Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố Cổ Hà Nội, Công ty TNHH Du Hành Đại Hữu và Hợp tác xã du lịch nông nghiệp xanh Phú Yên đã tổ chức trưng bày, giao lưu giới thiệu làng nghề truyền thống muối Tuyết Diêm.

Nông nghiệp sạch - 15:06 14/04/2025

Thái Bình: Sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng ước tăng 5,7% trong quý I/2025

Quý I/2025, ngành chăn nuôi tỉnh Thái Bình tiếp tục phát triển ổn định với tổng đàn gia súc, gia cầm tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Nông nghiệp sạch - 20:06 01/04/2025

Việt Nam xuất khẩu nước trái cây sang Pakistan

Tập đoàn siêu thị IMTIAZ - Pakistan vừa nhập khẩu lô nước trái cây đầu tiên từ Việt Nam.

Nông nghiệp sạch - 07:35 06/09/2024

Sầu riêng đông lạnh sẽ góp mặt trong danh sách xuất khẩu tỷ USD trong năm 2025

Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 400-500 triệu USD trong năm 2024 là năm đầu tiên sau khi ký kết nghị định thư và sớm góp mặt trong danh sách mặt hàng nông sản xuất khẩu giá trị tỷ USD trong năm 2025.

Nông nghiệp sạch - 10:07 21/08/2024

Nhãn Hưng Yên vào vụ mùa được giá

Tháng 8 là thời điểm chính vụ của nhãn Hưng Yên, hiện các nhà vườn, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đang tích cực thu hoạch nhãn. Một số giống nhãn đặc sản là nhãn đường phèn, nhãn lồng (nhãn Hương Chi) được đông đảo khách hàng, thương lái đặt mua.

Nông nghiệp sạch - 16:29 05/08/2024

Hà Nội tăng cường công tác kiểm soát an toàn thực phẩm trong và ngoài trường học

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà vừa ký ban hành Kế hoạch số 210/KH-UBND về chuyên đề “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội”

Nông nghiệp sạch - 15:51 19/07/2024

Đưa sản phẩm OCOP vào kênh bán lẻ, chuỗi siêu thị tại Hà Nội

Chiều 2/7, tại Hà Nội đã diễn ra sự kiện xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm OCOP vào các chuỗi bán lẻ, siêu thị tại Hà Nội nhằm mục đích hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp với các chuỗi nông sản lớn, siêu thị, các kênh online…

Nông nghiệp sạch - 09:41 03/07/2024

Nhật Bản và Trung Quốc đua nhau nhập khẩu cua ghẹ Việt Nam

Xuất khẩu cua ghẹ trong tháng 5 tăng gần 92% đạt trên 26 triệu USD, lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cua ghẹ đạt 101 triệu USD, tăng 84%. Trong đó, ghi nhận số liệu tăng mạnh từ hai thị trường Nhật Bản và Trung Quốc.

Nông nghiệp sạch - 11:01 06/06/2024

Những địa phương được cấp gạo dịp giáp hạt năm 2024

Các tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định về việc xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các địa phương dịp giáp hạt năm 2024.

Nông nghiệp sạch - 09:30 31/05/2024

Hoàn thiện pháp lý, tạo môi trường kinh doanh minh bạch cho thương nhân xuất khẩu gạo

Bộ Công Thương sẽ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động xuất khẩu gạo, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và thuận lợi cho thương nhân xuất khẩu gạo.

Nông nghiệp sạch - 09:29 27/05/2024