Bộ Công Thương sẽ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động xuất khẩu gạo, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và thuận lợi cho thương nhân xuất khẩu gạo.
Xuất khẩu gạo có nhiều tín hiệu tích cực
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính đến hết quý I/2024, xuất khẩu gạo tăng 17,6% về lượng, tăng 45,5% về kim ngạch và tăng 23,6% về giá so với quý I/2023, đạt trên 2,18 triệu tấn, tương đương gần 1,43 tỷ USD, giá trung bình 653,9 USD/tấn.
Xuất khẩu gạo quý I tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng. Trong đó, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 46,4% trong tổng lượng và chiếm 45,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước; Indonesia đứng thứ 2, tăng mạnh 199,7% về lượng, tăng 308,8% kim ngạch và tăng 36,4% về giá so với cùng kỳ năm 2023; xuất khẩu gạo sang thị trường Malaysia tăng 28,8% về lượng, tăng 60,6% kim ngạch và tăng 24,7% về giá so với quý I/2023.Ảnh minh họa
Xuất khẩu các chủng loại gạo có giá trị cao, phù hợp với nhu cầu thị trường và ưu thế của Việt Nam ngày càng tăng mạnh như: gạo thơm, gạo ST các loại, gạo trắng cao cấp, gạo japonica.
Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tận dụng tốt cơ hội thị trường từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cơ cấu thị trường dần chuyển dịch tích cực theo hướng đa dạng hóa, bên cạnh các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philippines, hay châu Phi, cũng đã mở rộng sang các thị trường “khó tính” như châu Âu… với giá trị cao tuy khối lượng chưa lớn.
Điều này cho thấy chất lượng gạo của Việt Nam ngày càng gia tăng và đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ các thị trường khó tính. Đồng thời, cho thấy sự chỉ đạo sát sao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành về các giải pháp khơi thông thị trường, lưu thông hàng hóa, việc thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 và quý I/2024 đã đạt được những kết quả tích cực.
Cần có thông tin dự báo thị trường xuất khẩu gạo
Theo các chuyên gia nhận định, thị trường thương mại gạo toàn cầu năm 2024 vẫn phải đối mặt với những thách thức như: nguồn cung gạo toàn cầu giảm, tình hình chính trị còn diễn biến phức tạp… Do đó, dự báo sẽ tác động tới hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân Việt Nam trong những tháng cuối năm 2024.
Tại Hội nghị “Đánh giá xuất khẩu gạo năm 2023, quý I năm 2024 và bàn định hướng xuất khẩu gạo trong thời gian tới”, ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đề xuất, Bộ Công Thương cần có phân tích thị trường xuất khẩu gạo; dự báo nhu cầu về loại gạo, giá mua để địa phương chủ động định hướng sản xuất lúa phù hợp và người dân có được nguồn thu, cải thiện lợi nhuận.
"Bởi lẽ, theo đánh giá từ Bộ Công Thương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước tăng, giá gạo tăng, chi phí sản xuất lúa tăng nhưng giá bán lúa của nông dân lại giảm. Đây là nghịch lý", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp thắc mắc.
Do đó, ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đề xuất: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát tình hình sản xuất, đánh giá số liệu thông tin sản xuất về cơ cấu, chủng loại gạo, diện tích sản xuất để phục vụ cân đối cung cầu. Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan theo dõi sát tình hình xuất, nhập khẩu gạo và kịp thời thông tin đến các bộ, ngành khi có sự biến động bất thường. Các địa phương vùng sản xuất lúa, gạo hàng hóa phục vụ xuất khẩu theo dõi sát tình hình sản xuất, giá lúa, gạo biến động tại địa phương chủ động phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai giải pháp cân đối, bình ổn kịp thời và phù hợp.
Hoàn thiện pháp lý, tạo môi trường minh bạch trong xuất khẩu gạo
Bộ Công thương sẽ triển khai các hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm, thương hiệu Gạo Việt Nam, hoạt động xúc tiến thương mại để khai thác hiệu quả lợi thế từ hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm đa dạng hóa, chiếm lĩnh thị trường mới, tiềm năng và nâng cao sức cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam.
Hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các nước theo dõi và cập nhật chính sách, động thái của các nước sản xuất và xuất khẩu gạo; kịp thời thông tin đến các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo hiệu quả.
Để việc điều hành xuất khẩu gạo đảm bảo mục tiêu tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa, phản ứng linh hoạt, kịp thời trong tình hình thị trường có nhiều biến động, hướng đến phát triển ngành lúa gạo bền vững, nâng cao thu nhập cho người nông dân, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 2/3/2024 về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới.
Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 15/8/2023 về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước và Chỉ thị số 03/CT-BCT ngày 25/3/2024 về đẩy mạnh hoạt động triển khai thị trường, xúc tiến thương mại, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ mặt hàng gạo trong tình hình mới.
Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động xuất khẩu gạo, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và thuận lợi cho thương nhân xuất khẩu gạo. Đồng thời, đôn đốc Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, bao gồm việc báo cáo định kỳ về lượng thóc, gạo tồn kho, tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo; tình hình thu mua thóc, gạo hàng hóa nhằm đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa và duy trì mức dự trữ lưu thông theo quy định.
Thiên Anh