Đó là mục tiêu huyện Đại Từ phấn đấu đạt được trong năm 2022, từ đó, góp phần nâng tổng diện tích chè được chứng nhận VietGAP lên gần 2.000ha (chiếm gần 30% tổng diện tích chè toàn huyện). Trong đó, diện tích chè được cấp chứng nhận VietGAP lần đầu là trên 600b ha và khoảng 150 ha diện tích chè cấp lại chứng nhận VietGAP.
Để vận động, khuyến khích người dân sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, huyện Đại Từ đã hỗ trợ các hộ dân thông qua hoạt động tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật canh tác, hướng dẫn ghi chép sổ nhật ký, hỗ trợ hệ thống tưới tiết kiệm, hỗ trợ 100% chi phí lần đầu cấp giấy chứng nhận VietGAP (không quá 6 triệu đồng/ha), hỗ trợ 50% chi phí cấp lại lần 1 giấy chứng nhận VietGAP (không quá 2 triệu đồng/ha)…
Huyện Đại Từ (Thái Nguyên:) 800 ha chè được cấp mới, cấp lại chứng nhận VietGAP
Thời điểm này, cơ quan chuyên môn của huyện đang thực hiện rà soát, thống kê đăng ký diện tích chè cấp mới, cấp lại chứng nhận VietGAP tại các xã, thị trấn. Theo đó, các địa phương đăng ký thực hiện nhiều diện tích chè theo tiêu chuẩn VietGAP là: La Bằng, Hoàng Nông, Phú Xuyên, Tân Linh… với diện tích dao động từ 70 - 100 ha/xã.
Cùng với khuyến khích sản xuất chè an toàn, nhằm phát triển cây chè theo hướng bền vững, huyện Đại Từ còn tuyên truyền người dân tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào các khâu trồng, bảo quản, chế biến chè; quy hoạch vùng chè tập trung gắn với phát triển du lịch tại xã Hoàng Nông, La Bằng, Phú Xuyên; thường xuyên cải tiến mẫu mã sản phẩm…
H. Thủy