Ngăn chặn, đẩy lùi nạn buôn lậu thuốc lá: Cần sự phối hợp chặt chẽ từ các lực lượng chống buôn lậu

Theo các chuyên gia, thời gian tới, sự phối hợp tốt giữa các lực lượng chức năng có nhiệm vụ chống buôn lậu như Bộ đội Biên phòng, Hải quan và Quản lý thị trường sẽ góp phần hơn nữa việc chặn đứng hoặc giảm thiểu được tình hình buôn lậu thuốc lá.

Nhiều thủ đoạn tinh vi

Tại khu vực hẻm 7/35 đường Phước Thắng, Phường 12, thành phố Vũng Tàu, Tổ tuần tra của Đồn Biên phòng Chí Linh, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát hiện ô tô hiệu INNOVA, biển kiểm soát 51H-570.78 do Lê Thanh Tú điều khiển, có dấu hiệu nghi vấn. Tiến hành kiểm tra, Tổ công tác phát hiện trên xe đang vận chuyển 12.500 bao thuốc lá điếu nhãn hiệu JET không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tổ công tác còn phát hiện trên xe có 2 cặp biển số ô tô gồm 71A-165.68 và 51H-280.94.

Qua đấu tranh khai thác, đối tượng Lê Thanh Tú khai nhận 12.500 bao thuốc lá điếu nhãn hiệu JET vận chuyển từ khu biên giới tiếp giáp Campuchia về TP.Vũng Tàu tiêu thụ. Hai cặp biển số xe ô tô là biển số giả dùng để thay đổi trên đường vận chuyển nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Đồn Biên phòng Chí Linh đã lập biên bản phạm tội quả tang đối với Lê Thanh Tú về hành vi vận chuyển hàng cấm và tạm giữ toàn bộ tang vật, phương tiện. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục mở rộng điều tra, xác minh làm rõ vụ việc.

Thượng tá Nguyễn Hùng Sơn, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, việc phát hiện vụ việc trên nằm trong kế hoạch đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và kế hoạch cao điểm bảo vệ trước, trong và sau lễ 30/4, 1/5 của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Bà Rịa-Vũng Tàu.

Đối tượng Lê Thanh Tú dùng biển xe ô tô giả để vận chuyển chuyển nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năngĐối tượng Lê Thanh Tú dùng biển xe ô tô giả để vận chuyển chuyển nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng

Đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn, đối tượng; triển khai đồng bộ các biện pháp, công tác biên phòng, chú trọng biện pháp nghiệp vụ cơ bản, tăng cường tuần tra, kiểm soát, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng chức năng phát hiện, đấu tranh xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa bàn biên giới biển, đảo.

Cần giải pháp đồng bộ và hiệu quả

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389), dù đã có sự vào cuộc mạnh mẽ của các lực lượng chức năng, nhưng số vụ buôn lậu thuốc lá được phát hiện, bắt giữ trong thời gian qua chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với thực tế.

Bên cạnh đó, thuốc lá nhập lậu có giá rẻ, đem lại lợi nhuận cao cho các đối tượng buôn lậu, thêm vào đó mức sống dân cư ở các địa bàn điểm nóng thấp khiến họ sẵn sàng tham gia vận chuyển thuốc lá lậu.

Hơn nữa, với địa hình kênh rạch chằng chịt, đường mòn lối tắt nhiều là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng buôn lậu vận chuyển thuốc lá vào Việt Nam. Mặt hàng thuốc lá thường gọn nhẹ, dễ vận chuyển nên buôn lậu thuốc lá diễn ra qua đường sông, đường biển, đường bộ và cả đường hàng không.

Mặt khác, thuốc lá nhập lậu thường không dán nhãn cảnh báo theo quy định của Việt Nam cũng như chưa có đơn vị nào thẩm định về chất lượng, hàm lượng của thuốc lá nhập lậu khiến người dân chưa hiểu và nhận thức đúng đắn về những nguy hại của thuốc lá lậu.

Tiêu hủy số lượng lớn thuốc lá nhập lậuTiêu hủy số lượng lớn thuốc lá nhập lậu

Đặc biệt, các đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu chủ yếu là cư dân sống quanh khu vực biên giới nên giải pháp căn cơ và dài hạn là giải quyết công ăn việc làm cho người dân nơi đây để họ không tiếp tay cho buôn lậu.

Theo các chuyên gia, thời gian tới, sự phối hợp tốt giữa các lực lượng chức năng có nhiệm vụ chống buôn lậu như Bộ đội Biên phòng, Hải quan và Quản lý Thị trường sẽ góp phần hơn nữa việc chặn đứng hoặc giảm thiểu tình hình buôn lậu thuốc lá.

Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 15/10/2020 quy định người có hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ dưới 50 bao, sẽ bị phạt tiền đến 3 triệu đồng. Theo quy định này, chế tài xử phạt không chỉ áp dụng với đối tượng buôn bán, vận chuyển mà ngay cả người tiêu dùng cũng có thể bị phạt 3 triệu đồng, dù chỉ tàng trữ 1 bao thuốc lá nhập lậu.

Mức phạt tiền cao theo quy định tại nghị định đã cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc chống nạn thuốc lá nhập lậu. Trước đó, quy định tại điều 25, Nghị định 124/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, với số lượng dưới 10 bao, người buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu chỉ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng.

Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường khẳng định: Xác định đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá ngoại nhập lậu là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của ngành. Thời gian tới, Tổng cục tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, đa dạng về hình thức tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức người dân về tác hại của buôn lậu thuốc lá đối với xã hội và kêu gọi mọi người không bao che, tiếp tay cho hành vi này.

Ngoài ra, Tổng cục Quản lý thị trường có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân đưa tin, tố giác hành vi buôn lậu thuốc lá cho lực lượng chức năng. Song song với đó, tăng cường cơ sở vật chất cho lực lượng chống buôn lậu, bởi buôn lậu ngày càng tinh vi, hiện đại, nhưng cơ sở vật chất của lực lượng chức năng vẫn còn rất khó khăn.

 Thành Nam (T/h)

Bài liên quan

Cùng chuyên mục