Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành Quyết định xử phạt Công ty cổ phần Maroon Bells - Công ty mẹ của Hệ thống nhà thuốc Pharmacity do không công bố nhiều tài liệu liên quan đến việc phát hành trái phiếu.
Maroon Bells - Công ty mẹ của Hệ thống nhà thuốc Pharmacity bị phạt vì 'ém' thông tin trái phiếu
Bị phạt vì "ém" thông tin trái phiếu
Theo Quyết định số 253/QĐ-XPHC ngày 25/6/2024 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Công ty cổ phần Maroon Bells (địa chỉ trụ sở chính: 248A Nơ Trang Long, Phường 12, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) bị xử phạt 85 triệu đồng do không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật .
Tại quyết định xử phạt, UBCKNN cho biết Maroon Bells không gửi nội dung công bố thông tin định kỳ cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội các tài liệu: Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2021, Báo cáo tài chính năm 2021, Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2021).
Được biết, Maroon Bells được thành lập vào tháng 9/2015, đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường và thăm dò dư luận với vốn điều lệ ban đầu ở mức 1,6 tỷ đồng gồm 7 cổ đông sáng lập. Cập nhật tại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 27, ngày 15/3/20204 vốn điều lệ công ty này đã nâng lên mức 917.489.050.000 đồng.
Trước đó, ngày 18/8/2021, Maroon Bells (MRB) công bố phát hành thành công 1.023 tỷ đồng trái phiếu, loại hình chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản bảo đảm, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu với kỳ hạn 4 năm, lãi suất chỉ 8%/năm.
Kết quả công bố cho thấy, một nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đã mua trọn số trái phiếu nói trên dưới sự thu xếp bởi CTCP Chứng khoán SSI (SSI). SSI cũng là bên đăng ký, lưu ký và chuyển nhượng trái phiếu.
Công ty cho biết mục đích sử dụng vốn là để mở các cửa hàng mới và bổ sung vốn lưu động. Số trái phiếu mà MRB phát hành có thể được chuyển đổi thành cổ phiếu với giá chuyển đổi dự kiến là 80.133 đồng/cp, tương ứng với 12,76 triệu cổ phần.
Maroon Bellsvà Pharmacity đều đặt trụ sở chính tại số nhà trên đường Nơ Trang Long, phường 12, quận Bình Thạch, TP. HCM.
"Ông lớn" đứng sau Pharmacity là ai?
Mặc dù, hút hơn 1.000 tỷ đồng thông qua kênh phát hành trái phiếu từ một trái chủ nước ngoài, nhưng MRB vẫn là một cái tên lạ lẫm đối với nhà đầu tư trong nước. Giới chuyên gia cho rằng, sở dĩ MRB có mức định giá cao như vậy là do MRB là công ty mẹ của CTCP Dược phẩm Pharmacity (Pharmacity), chủ sở hữu chuỗi nhà thuốc bán lẻ dược phẩm lớn với khoảng 900 cửa hàng hoạt động trên toàn quốc.
Theo đó, Maroon Bells và Pharmacity đều đặt trụ sở chính tại số nhà 248A Nơ Trang Long, phường 12, quận Bình Thạch, TP. HCM. Bà Phạm Thị Thanh Hoài (SN 1987) cổ đông sáng lập, từng nắm giữ tới 87,52% vốn điều lệ của Pharmacity cũng sở hữu tới 86,89% vốn điều lệ tại thời điểm Maroon Bells mới thành lập.
Cuối tháng 11/2019, 2 cổ đông sáng lập Pharmacity là bà Phạm Thị Thanh Hoài và bà Trần Ngọc Minh Thu (SN 1984) góp vốn thành lập CTCP TR Infinity Pharma và CTCP TR Pharma Focus. Tuy nhiên, vào tháng 3/2020, các nữ cổ đông này đã thế chấp lượng lớn cổ phần TR Infinity Pharma cho TR Best Pharma Pte. Ltd (có trụ sở tại Singapore).
Tại thời điểm tháng 8/2020, sau khi thế chấp cổ phần, các cổ đông lớn nước ngoài nắm giữ cổ phần của Maroon Bells - Công ty mẹ của Pharmacity là TR Best Pharma Pte Ltd nắm 18,5% cổ phẩn; Mekong Capital (thông qua Communiplete Pte Ltd) nắm giữ 22,7% vốn của MRB và một cổ đông khác là Limit Eraser Pte Ltd nẳm 5,8%.
Sau đó, theo báo cáo sở hữu cập nhật tính đến cuối tháng 7/2022 cho thấy, SK Group đang là cổ đông nước ngoài lớn nhất sở hữu 14,5% cổ phần của Maroon Bells. SK Group được cho là đã đầu tư khoảng 100 triệu USD vào Pharmacity, thông qua việc sở hữu cổ phần của công ty mẹ là Maroon Bells. Trong khi đó, Mekong Capital thông qua quỹ Mekong Enterprise Fund III đã sớm đầu tư vào Pharmacity năm 2019.
Theo đó, trong tháng 5/2019, Quỹ Mekong Enterprise Fund III đã có thông báo về việc cam kết hỗ trợ tài chính cho Pharmacity nhưng không cho biết cụ thể quỹ đầu tư sẽ “hỗ trợ” thông qua việc góp vốn hay tài trợ tín dụng. Tới đầu năm 2020, truyền thông trong nước cho biết Pharmacity đã gọi vốn thành công gần 31,8 triệu USD (tương đương 730 tỷ đồng).
Về Pharmacity, thành lập từ năm 2012 với chiến lược phân phối dược phẩm qua hệ thống cửa hàng rộng khắp, để phục vụ cho tham vọng của mình, vào cuối năm 2019, Pharmacity đã phát hành 2 lô trái phiếu kỳ hạn 2 năm, không có tài sản bảo đảm, với tổng giá trị 120,8 tỷ đồng, lãi suất khá cao: 13%/năm. Cả 2 đợt phát hành này cũng đều được SSI thu xếp.
Ở giai đoạn cực thịnh, Pharmacity từng có gần 1.100 nhà thuốc trên toàn quốc, tính đến giữa tháng 8/2022. Trong giai đoạn 2018-2020, doanh thu của Pharmacity liên tục tăng trưởng nóng. Doanh thu năm 2019 tăng 129% so với 2018, và doanh thu năm 2020 tăng hơn 230% so với năm 2019.
Tuy nhiên, trong những năm qua, thị trường bán lẻ dược phẩm của Việt Nam đã chứng kiến sự tham gia của những “gã khổng lồ” ngoài ngành. Năm 2017 là sự gia nhập của ông lớn TGDĐ với việc mua lại nhà thuốc Phúc An Khang, sau đó không lâu là tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam, FPT cũng nhảy vào cuộc chơi với việc mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu.
Kể từ đó, Pharmacity đã phải chống cự bằng cách liên tục mở rộng quy mô kèm theo đó là việc sẵn sàng “đốt tiền” nhằm đạt mục đích chiếm ưu thế về số lượng cửa hàng với các đối thủ cạnh tranh. Chính chiến lược này đã khiến Pharmacity báo cáo khoản lỗ lên tới hơn 363 tỷ đồng trong năm 2021, kéo theo lỗ lũy kế lên 1.374 tỷ đồng.
Kinh doanh không hiệu quả, Pharmacity đã và đang bước đầu phải thu hẹp quy mô. Từ giữa năm 2022 đến nay, Pharmacity đã đóng cửa gần 200 nhà thuốc, từ 1.118 cửa hàng xuống còn hơn 900 cửa hàng ở thời điểm hiện tại. Sự thu hẹp quy mô của Pharmacity gắn liền với bối cảnh cơ cấu cổ đông lớn và nhân sự cấp cao có nhiều biến động kể từ tháng 9/2022.
Theo cập nhật tại ngày 14/3/2024, Pharmacity tăng vốn điều lệ lên 952.060.890.000 đồng. Ông Nguyễn Như Nam, người quản lý đầu tư của SK Group tại Việt Nam là người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Dược phẩm Pharmacity, thay thế nhà sáng lập Christopher Randy Stroud (Chris Blank).
Chia sẻ với truyền thông hồi tháng 4/2024, ông Deepanshu Madan - người đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc Pharmacity từ tháng 11/2023 - cho biết Pharmacity đã trải qua một giai đoạn chuyển đổi chông gai trong 18 tháng qua.
“Chúng tôi thừa nhận chuỗi còn nhiều thiếu sót, từ định giá bán sản phẩm chưa cạnh tranh với thị trường đến không đảm bảo được lượng hàng hóa tại nhà thuốc đủ để đáp ứng nhu cầu người dân”, ông nói.
Đáng chú ý, trong hoạt động kinh doanh của mình, hệ thống cửa hàng thuốc Pharmacity trực thuộc Công ty Cổ phần Dược phẩm Pharmacity cũng liên tục bị các cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính về hành vi bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc.
Hải Minh