Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty Nagakawa đạt 15,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ phải trả của Công ty này là 1.401,5 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là vay và nợ tài chính ngắn hạn với mức 1.132,4 tỷ đồng, tăng 15,5% so với hồi đầu năm và chiếm 80,8% nợ phải trả.
Sau khi trừ chi phí bán hàng và chi phí của quản lý doanh nghiệp, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty Nagakawa đạt 15,6 tỷ đồng
Lợi nhuận tăng
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 của Công ty CP Tập đoàn Nagakawa (mã chứng khoán: NAG), tính đến ngày 31/3/2024, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh và đầu tư của NAG đạt 134,7 tỷ đồng. Trong đó dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm gần 73 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái 17,8 tỷ đồng) và dòng tiền lưu chuyển tiền thuần từ hoạt đồng đầu tư âm 61,7 tỷ đồng (cùng kỳ dương 8,1 tỷ đồng). Riêng dòng tiền từ hoạt động tài chính của Công ty Nagakawa dương hơn 153 tỷ đồng nhờ đẩy mạnh hoạt động vay nợ. Cụ thể, trong quý I/2024, tiền thu từ đi vay của Công ty Nagakawa đạt 616,7 tỷ đồng và tiền thu từ phát hành cổ phiếu 0,9 tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty Nagakawa đã phải chi 464,6 tỷ đồng để trả nợ gốc vay.
Kết thúc quý I/2024, dòng tiền lưu chuyển của Công ty Nagakawa dương 18,3 tỷ đồng và tính đến ngày 31/3/2024, các khoản tiền và tương đương tiền của doanh nghiệp đạt mức 64,8 tỷ đồng. Doanh thu thuần của Công ty Nagakawa cũng ước đạt 676,3 tỷ đồng, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ giá vốn hàng hoá gần 608,9 tỷ đồng, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đạt 67,4 tỷ đồng, tăng 13,4%.
Chi phí tài chính của Công ty Nagakawa trong kỳ là 22 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay 17,8 tỷ đồng. Do đó, doanh thu từ hoạt động tài chính của Công ty Nagakawa đạt 3,6 tỷ đồng. Sau khi trừ 26,5 tỷ đồng chi phí bán hàng và 8,7 tỷ đồng chi phí của quản lý doanh nghiệp, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty Nagakawa đạt 15,6 tỷ đồng. Lợi nhuận kế toán sau thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 12,86 tỷ đồng.
Theo Nagakawa, trong năm 2024, thời tiết biến đổi nắng nóng đột biến nên nhu cầu máy điều hòa không khí tăng cao. Ngoài ra, công ty đã ra các chính sách linh hoạt hấp dấn nên hệ thống siêu thị lớn, các nhà phân phối, các đại lý cấp 1 cấp 2 ủng hộ. Bên cạnh đó các hoạt động trong khâu mua hàng, truyền thông marketing đã đi vào ổn định và hoạt động có hiệu quả dẫn đến tỷ trọng chi phí giảm xuống và lợi nhuận tăng hơn.
Công ty CP Tập đoàn Nagakawa (Công ty Nagakawa) tiền thân là Công ty liên doanh Nagakawa Việt Nam, thành lập năm 2002. Công ty chủ yếu hiện bán các sản phẩm máy lạnh, thiết bị nhà bếp và đồ gia dụng mang thương hiệu Nagakawa, đồng thời sở hữu hàng chục chi nhánh cùng hệ thống gần 5,000 đại lý phân phối trên toàn quốc.
Năm 2024, Công ty Nagakawa đã trình cổ đông kế hoạch doanh thu dự kiến 2.500 tỷ đồng, ưu tiên tăng trưởng thị phần và doanh số bán hàng bằng chiến lược mở rộng kênh phân phối, phủ sản phẩm đa dạng phong phú tới hàng chục ngàn đại lý, điểm bán và các hệ thống siêu thị điện máy lớn toàn quốc như: Điện máy Xanh, HC, Pico, Big C, Winmart…
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, tính đến 31/3/2024, nợ phải trả của Công ty Nagakawa là 1.401,5 tỷ đồng
Nhưng nợ phải trả vượt 1.400 tỷ đồng
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, tính đến 31/3/2024, nợ phải trả của Công ty Nagakawa là 1.401,5 tỷ đồng, tăng 17,8% (tương đương tăng 212,2 tỷ đồng) so với hồi đầu năm. Trong đó chủ yếu là vay và nợ tài chính ngắn hạn với mức 1.132,4 tỷ đồng, tăng 15,5% so với hồi đầu năm và chiếm 80,8% nợ phải trả.
Cụ thể, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn phải trả các bên liên quan 2 tỷ đồng (Công ty Cổ phần May KLW Việt Nam); vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn phải trả các tổ chức và cá nhân khác hơn 1.130,4 tỷ đồng.
Theo đó, chủ nợ lớn nhất của Công ty Nagakawa phải kể đến Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam – Chi nhánh Thành An với khoản vay 400,3 tỷ đồng. Đây là khoản vay theo hợp đồng số 0103/2024-HĐCVHM/NHCT320-NAG với tổng mức nợ vay không vượt quá 400 tỷ đồng. Thời hạn duy trì hạn mức là 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng. Thời hạn vay của từng khoản nợ không quá 7 tháng.
Tài sản thế chấp cho khoản vay này gồm các quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của ông Nguyễn Mạnh Cường và bà Nguyễn Thị Huyền Thương (Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Nagakawa); của ông Nguyễn Đức Khả và bà Đào Thị Soi…
Cùng với đó, tài sản đảm bảo cho khoản này còn có là lô trái phiếu CTG2232T2/01 do Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam phát hành trị giá 20 tỷ đồng hay toàn bộ hàng tồn kho luân chuyển thuộc sở hữu của NAG có trị giá là hơn 101 tỷ đồng (theo văn bản sửa đổi, bổ sung hợp đồng thế chấp hàng hóa số 01/2020/HĐBĐ/NHCT320-NAG-HTK ngày 21/021/2020) hay như hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam với tổng trị giá hơn 86 tỷ đồng đang được thế chấp tại ngân hàng.
Tiếp đến Nagakawa cũng đang nợ Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam – Chi nhánh Hà Nội với khoản vay 340,5 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho khoản vay này gồm bất động sản số HD03-16, khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside 2 (Long Biên, Hà Nội) theo GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CT274326 thuộc sở hữu của công ty TNHH Phát triển kinh tế quốc tế Anh Vũ là coorr đông góp vốn theo hợp đồng thế chấp số 02/2019/267653/HĐBĐ ngày 18/09/2019; toàn bộ nhà xưởng trên đất tại thửa số 340, tờ bản đồ số 26, phường Phúc Thắng, Phúc Yên tỉnh Vĩnh Phúc; cổ phiếu Công ty CP Tập đoàn Nagakawa thuộc sở hữu của ông Nguyễn Đức Khả; toàn bộ nhà xưởng tại thửa đất số 288 ở tỉnh Hưng Yên,…
Ngoài ra, Công ty Nagakawa cũng đang có khoản vay tại một số tổ chức khác như Ngân hàng Đại chúng TNHH KASIKORNBANK - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh (167,5 tỷ đồng); Ngân hàng TMCP Quân đội - Chi nhánh Điện Biên Phủ (79,7 tỷ đồng); Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội (36,9 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Tiên Phong – Chi nhánh Hoàn Kiếm (19, 7 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam – Chi nhánh Đống Đa (78,5 tỷ đồng) …
Mai Anh