Sau hơn 14 năm được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã phát triển mạnh mẽ ở khắp các làng quê, khu phố...
Từ 44 làng Quan họ gốc, Bắc Ninh nay đã phát triển 150 làng Quan họ thực hành, gần 400 Câu lạc bộ Dân ca quan họ với hàng nghìn người ở các độ tuổi tham gia, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị Dân ca Quan họ Bắc Ninh.
Lưu giữ và trao truyền tinh hoa
Sân khấu chính trên đồi Lim (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) những ngày diễn ra Lễ hội vùng Lim xuân Quý Mão 2023 luôn rộn ràng lời ca, điệu nhạc. Các liền anh, liền chị đối đáp, giao lưu với du khách thập phương bằng những ca từ, làn điệu say đắm lòng người.
Giao lưu quan họ tại Lễ hội vùng Lim năm 2023.
Dù đã ở cái tuổi ngoài 80 nhưng liền chị - Nghệ nhân Nguyễn Thị Lành (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Quan họ làng Hoài Thị, xã Liên Bão, huyện Tiên Du) vẫn xăm xắn, tất bật quán xuyến khu vực sân khấu chính. Không chỉ hát đối đáp, giao lưu, du khách thập phương còn được khoác lên mình những bộ áo tứ thân của liền anh, liền chị, xúm xít thay nhau chụp ảnh kỷ niệm với các nghệ nhân nổi tiếng.
Khuôn mặt đầy nếp nhăn của Nghệ nhân Nguyễn Thị Lành không che được niềm hân hoan, phấn khởi của bà khi được hòa mình trong không khí lễ hội đầu xuân.
“Từ hồi còn bé đến khi lớn lên, lấy vợ gả chồng, chị em chúng tôi cứ sáng đi làm, tối về lại tập trung luyện tập các làn điệu. Gần đến ngày hội, ai ai cũng háo hức, chuẩn bị trang phục, dụng cụ để đi giao lưu” - cụ Lành chia sẻ.
Câu lạc bộ Quan họ Măng non xã Hoàn Sơn biểu diễn tại Lễ hội vùng Lim năm 2023.
Xa xa, phía triền đồi, các quan họ nhí trong Câu lạc bộ Măng non xã Hoàn Sơn (huyện Tiên Du) nhận được sự quan tâm lớn của du khách. Đây là năm đầu tiên quan họ nhí “góp mặt” tại Lễ hội vùng Lim. Hàng trăm người tập trung quanh chòi hát của các quan họ nhí, quay video, phát trực tiếp trên các trang mạng xã hội.
Được “săn đón” nhiều nhất là quan họ nhí Nguyễn Bích Ngọc (11 tuổi, Câu lạc bộ Măng non xã Hoàn Sơn). Khuôn mặt ngây thơ nhưng đậm chất Kinh Bắc, “liền chị” này là tâm điểm để du khách chụp ảnh “check-in”.
“Cháu tập hát từ năm 7 tuổi, đến nay đã thuộc được hơn 100 làn điệu rồi ạ” - cháu Ngọc tủm tỉm rồi líu lo lời bài dân ca mình thích nhất: “Bắc Ninh đón bạn về với quê hương, thắm tình câu ca quan họ, thắm tình muôn phương hội tụ, đến đây.
Hát quan họ trên thuyền tại Hồ Nguyên Phi Ỷ Lan.
Câu quan họ đắm say ngọt ngào, tha thiết gọi, tha thiết gọi bạn đến nơi này. Nghĩa nặng tình sâu câu hát quê hương, thắm tình Nam Bắc chung câu hát giao duyên. Nhớ thương quan họ, điệu hát vấn vương, miếng trầu vui sao thương nhớ, nhắn người đi xa càng nhớ quê hương.
Cây trúc xinh vẫn đứng bên đình. Đôi mắt ai, đôi mắt ai chan chứa ân tình. Nhắn người về thăm Kinh Bắc hôm nay. Sáng ngời truyền thống vang mãi mai sau…”.
Sau 3 năm tạm dừng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuân Quý Mão 2023, tỉnh Bắc Ninh đã long trọng tổ chức Lễ hội vùng Lim. Hàng trăm làn điệu dân ca quan họ được các liền anh, liền chị thể hiện trong nghệ thuật hát đối đáp đạt tới trình độ nghệ thuật cao, sự hội tụ tuyệt vời của thơ ca, nhạc, họa và cả tình của người quan họ. Tất cả nhằm bày tỏ tình yêu trai gái của người quan họ với đủ trạng thái, cung bậc trong mối giao cảm giữa nam và nữ, giữa con người với đất trời, thể hiện khát vọng vươn tới giá trị Chân - Thiện - Mỹ mà bao thế hệ cha ông đã dày công vun đắp.
Bà Nguyễn Thị Hào - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Du - phấn khởi cho biết: “Để chuẩn bị cho Lễ hội vùng Lim năm nay, tỉnh Bắc Ninh, UBND tỉnh Tiên Du và các Sở, ban, ngành liên quan đã lập kế hoạch và lên phương án chi tiết từng phần việc của Lễ hội; quán triệt tới từng bộ phận chuyên trách phải làm tốt chuyên môn của mình; làm tốt công tác giữ gìn an ninh trật tự, tạo ấn tượng tốt nhất cho du khách khi về với Lễ hội vùng Lim năm 2023”.
Sự trường tồn và sức lan tỏa…
Lễ hội vùng Lim năm 2023 đã gửi thêm thông điệp tới người yêu Dân ca Quan họ Bắc Ninh qua những làn điệu thiết tha, ngọt ngào được các liền anh, liền chị nhí của Câu lạc bộ Măng non xã Hoàn Sơn thể hiện. Đây là minh chứng tuyệt vời về việc bảo tồn, trao truyền cho các hệ trẻ biết trân quý, gìn giữ, phát huy giá trị của Dân ca Quan họ cho hôm nay và mãi mãi mai sau.
Trao đổi với phóng viên Thương hiệu và Công luận, ông Trịnh Hữu Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh - cho biết, từ những ngày đầu tái lập tỉnh, Bắc Ninh đã quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca quan họ. Nhờ đó, Dân ca Quan họ Bắc Ninh được gìn giữ và phát triển, khẳng định giá trị trường tồn và lan tỏa. Ngày 30/9/2009, Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Sau khi Dân ca Quan họ được vinh danh, Bắc Ninh tiếp tục có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm thực hiện tốt cam kết với UNESCO về bảo tồn và phát huy giá trị của di sản thế giới.
Theo ông Trịnh Hữu Hùng, để Dân ca Quan họ Bắc Ninh ngày càng lan tỏa và phát huy giá trị, Bắc Ninh đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của Dân ca Quan họ. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, quảng bá được chú trọng với nhiều hình thức như tổ chức các Festival, chương trình nghệ thuật “Về miền Quan họ”, hội thi hát Quan họ đầu Xuân; biểu diễn, quảng bá, giới thiệu Dân ca Quan họ tại các tỉnh, thành phố và một số nước trên thế giới…
Tại địa phương, các Câu lạc bộ Quan họ thực hành được quan tâm, động viên, khích lệ, tạo điều kiện về cơ sở vật chất tập luyện, tạo đất diễn vào các dịp lễ, tết, hội làng, hàng năm tổ chức các chương trình biểu diễn Quan họ. Đến nay, hầu hết các Câu lạc bộ Quan họ thực hành trong tỉnh đi vào hoạt động nề nếp, thu hút các liền anh, liền chị ở nhiều lứa tuổi tham gia sinh hoạt.
Ngoài sinh hoạt, rèn luyện câu ca Quan họ, các Câu lạc bộ Quan họ thực hành còn tổ chức các lớp truyền dạy cho thế hệ măng non quê nhà. Giờ đây, Quan họ Bắc Ninh đã đi sâu vào cuộc sống của người dân, trở thành lẽ sống, gần gũi, tự nhiên như việc hít thở và ăn uống mỗi ngày. Các Câu lạc bộ Quan họ đa số có 3 thế hệ tham gia và thực hiện tốt việc truyền dạy.
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Thềm (khu Viêm Xá, phường Hòa Long, TP Bắc Ninh) trải lòng, sinh ra và lớn lên ở làng Quan họ gốc, được các thế hệ yêu Quan họ trong thôn đi trước uốn nắn, truyền dạy, chịu khó học hỏi trau dồi nên vốn liếng của bà cũng có vài trăm làn điệu. Hơn 10 năm nay, bà trực tiếp truyền dạy cho thế hệ trẻ quê nhà.
“Quan họ khi đã yêu rồi thì khó có loại hình nào thay thế được, bởi ca từ, giai điệu của Quan họ khiến người hát thấm sâu vào từng hơi thở, mạch máu, trái tim” - nghệ nhân Nguyễn Thị Thềm chia sẻ.
Sau gần 14 năm được UNESCO vinh danh, Dân ca Quan họ Bắc Ninh hôm nay đã phát triển mạnh mẽ. Từ 44 làng Quan họ gốc, đến nay, Bắc Ninh đã phát triển được 150 làng Quan họ thực hành, gần 400 Câu lạc bộ Dân ca Quan họ với hàng nghìn người ở các độ tuổi tham gia.
Bắc Ninh vinh dự có 3 Nghệ sĩ Nhân dân Quan họ, 17 Nghệ sĩ Ưu tú được Nhà nước phong tặng. UBND tỉnh cũng đã vinh danh 156 Nghệ nhân Quan họ, trong đó, gần 70 nghệ nhân có khả năng truyền dạy. Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã lan tỏa đến mọi miền Tổ quốc và nước ngoài, trở thành biểu tượng văn hóa, “sứ giả” của công chúng Việt Nam.
Hòa nhịp phát triển cùng đất nước, quê hương Quan họ hôm nay đã có những đổi thay tích cực. Bên cạnh phát triển kinh tế - xã hội, các cấp, ngành và người dân đặc biệt quan tâm gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa nói chung, Dân ca Quan họ Bắc Ninh nói riêng. Đây cũng là yếu tố tạo ra nguồn lực nội sinh, là động lực mạnh mẽ để quê hương Quan họ vững vàng trong thời kỳ hội nhập.
Bá Đoàn