Theo Sở Công Thương Quảng Bình: Cuộc vân động "“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”" - đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của đông đảo doanh nghiệp và người dân.
Theo đó, thời gian qua, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp bán lẻ trong tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động nhằm giúp người dân tiếp cận với hàng Việt chất lượng cao, giá cả phù hợp, đưa hàng Việt chiếm thị phần trong tỉnh.
Đến nay, hàng Việt Nam chất lượng cao, không chỉ có mặt tại các trung tâm thương mại, siêu thị, mà còn xuất hiện tại nhiều cửa hàng bán lẻ từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa với chủng loại phong phú, đa dạng.
Tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm trên 85% tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh và đã trở thành kênh hàng hóa thiết yếu trong tiêu dùng, mua bán sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Quảng Bình chủ động đưa hàng Việt chiếm thị phần trong tỉnh
Siêu thị Co.opmart Quảng Bình - một trong những kênh phân phối hàng Việt lớn trong tỉnh. Hiện siêu thị có khoảng 10.000 mặt hàng các loại và 90% trong số đó là hàng hóa sản xuất trong nước.
Để đưa hàng Việt chất lượng cao đến tay người tiêu dùng, thời gian qua, siêu thị đã thường xuyên phối hợp với nhà cung cấp thực hiện các chương trình khuyến mãi kích cầu tiêu dùng hàng Việt.
Mỗi năm, siêu thị thực hiện hơn 10 chuyến bán hàng lưu động đưa hàng Việt về vùng nông thôn các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Trạch; bao tiêu các sản phẩm nông sản, hải sản sản xuất tại các địa phương trong tỉnh...
Siêu thị Diến Hồng (Công ty TNHH Diến Hồng, Minh Hóa) là đơn vị có nhiều đóng góp tích cực trong thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hàng hóa trong siêu thị Diến Hồng hiện có 95% là hàng Việt Nam.
Không chỉ bán hàng tại siêu thị, hàng năm, công ty còn tổ chức nhiều chuyến xe lưu động về tận khắp các thôn, bản, các chợ nông thôn trong và ngoài huyện để phục vụ tốt cho người tiêu dùng...
Đại diện Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) cho biết: Năm 2021, Trung tâm đã hỗ trợ nhiều DN tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh, tham gia các hội nghị giao thương trực tuyến toàn quốc nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ đối với các mặt hàng nông sản tiêu biểu của tỉnh…
Năm 2022, để cuộc vận động tiếp tục được lan tỏa, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh cần tiếp tục cụ thể hóa việc triển khai thực hiện cuộc vận động theo chức năng, nhiệm vụ chuyên môn.
Trong đó, chú trọng vận động các doanh nghiệp triển khai chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, hội chợ, triển lãm… nhằm kích cầu tiêu dùng của người dân toàn tỉnh.
Th. Hương