Về các giải pháp nhằm đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cần tổ chức triển khai có hiệu quả Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành; tiếp tục chủ động tham gia đàm phán và bảo đảm thi hành hiệu quả nội dung sở hữu trí tuệ trong các điều ước quốc tế; đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế…
Năm 2023 hoạt động của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ có nhiều điểm sáng trong công tác xây dựng pháp luật về sở hữu trí tuệ, hội nhập quốc tế, phát triển tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội…
Năm 2023, trong công tác xây dựng chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ đã hoàn thành việc xây dựng và trình ban hành Nghị định số 65/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ và Thông tư số 23/2023/TT-BKHCN quy định các biện pháp thi hành Nghị định số 65/2023/NĐ-CP.
Công tác hội nhập và hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ được duy trì và đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào thực hiện nhiệm vụ đối ngoại của đất nước, của Bộ Khoa học và Công nghệ nói chung và Cục nói riêng. Cục đã tham gia đàm phán nội dung về sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Bên cạnh đó, công tác phát triển tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được Cục quan tâm, thúc đẩy triển khai trong năm 2023 như hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp thông qua việc cấp 202 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và 7 giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc thù của địa phương.
Ngoài ra, Văn phòng đại diện tại Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh đã tích cực tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho các tổ chức, cá nhân và các địa phương trong khu vực; tổ chức đào tạo, tuyên truyền và phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ; phối hợp với các Sở KH&CN và các cơ quan chức năng triển khai các hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, thúc đẩy và phát triển hoạt động sáng kiến và sáng tạo của địa phương.
Về các giải pháp nhằm đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Cục cần tổ chức triển khai có hiệu quả Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành; xây dựng và triển khai kế hoạch xử lý đơn sở hữu công nghiệp nhằm thực hiện Nghị quyết số 100/2023/QH15 của Quốc hội, hướng đến năm 2026 đưa thời gian thẩm định đơn về đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; đảm bảo hoàn thành số lượng đơn sở hữu công nghiệp được giao xử lý trong kế hoạch năm 2024.
Bên cạnh đó, Cục tiếp tục chủ động tham gia đàm phán và bảo đảm thi hành hiệu quả nội dung sở hữu trí tuệ trong các điều ước quốc tế; đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế để tranh thủ các nguồn lực quốc tế nhằm triển khai có hiệu quả Luật Sở hữu trí tuệ, Chiến lược sở hữu trí tuệ; tăng cường công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Cục; tăng cường quản lý nhà nước về công tác phát triển tài sản trí tuệ; tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trong Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030, Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 và kế hoạch phối hợp hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài và các Chương trình quốc gia khác...
Minh Anh (t/h)