Thị trường thực phẩm chức năng: “Ma trận” giá và chất lượng

Lợi dụng nhu cầu tăng cao, nhiều đối tượng kinh doanh đã thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng nhằm “móc túi” người tiêu dùng.

Thị trường TPCN tại Việt Nam trước nay vẫn được đánh giá như một “ma trận” mà người mua không thể phân biệt được đâu là giá thực và chất lượng sản phẩm đến đâu. Với nhu cầu tiêu dùng ngày càng lớn như hiện nay, nếu không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, các loại TPCN không bảo đảm chất lượng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi, thậm chí gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng của người dân.

Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng.Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng.

Gần đây, Cục Quản lý thị trường Đồng Nai (Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương) đã thu giữ hàng trăm hộp TPCN nhãn hiệu Hồng Sâm Ngọc Linh Đông Trùng Hạ Thảo do Công ty TNHH Dược phẩm Thái Dương sản xuất đang được giới thiệu và hướng dẫn sử dụng tại Hội thảo giới thiệu sản phẩm. Theo như lời giới thiệu, đây là TPCN dành cho người ăn theo chế độ đặc biệt. Trên bao bì sản phẩm cũng thể hiện rõ, đối tượng sử dụng “dùng cho người cao tuổi và trung tuổi, giúp nâng cao sức khỏe, sức đề kháng, hệ miễn dịch”. Theo ghi nhận của lực lượng chức năng, sau khi giới thiệu sản phẩm, công ty bán “giá khuyến mại đặc biệt chỉ dành riêng cho các khách hàng đến nghe tại hội thảo” đó là khi mua mua 3 hộp với giá 1.500.000 đồng sẽ tặng kèm 3 hộp. Đáng chú ý, đại diện công ty còn khẳng định sản phẩm có “tem chống hàng giả của quản lý thị trường”?!.

Sau đó, làm việc với đoàn kiểm tra QLTT, ông Nguyễn Văn Sen - Trưởng phòng Kinh doanh, đại diện Công ty TNHH Dược phẩm Thái Dương chưa xuất trình được Giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy tờ liên quan đến hoạt động giới thiệu sản phẩm. Hoạt động kinh doanh này cũng không niêm yết giá bán hàng theo quy định.

Hay mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã ban hành một loạt quyết định thu hồi sản phẩm vì có chứa các chất cấm không được phép dùng trong thực phẩm như: Trà giảm cân Golean Detox (sản phẩm có chứa chất cấm Sibutramine - tạo cảm giác no và không thèm ăn nhưng tăng nguy cơ co giật, đau tim, loạn nhịp tim và đột quỵ); trà thảo mộc nhãn hiệu Vy&Tea bị cơ quan chức năng phát hiện có chất Sibutramine và Phenolphthalein bị cấm sử dụng trong thực phẩm.

Qua nhiều vụ phát hiện, thu giữ, thu hồi sản phẩm TPCN gần đây cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh TPCN đang rất phức tạp, thật - giả lẫn lộn. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách để phát triển, quản lý mặt hàng TPCN còn khá lỏng lẻo, chưa phù hợp, thiếu tính khả thi khiến không ít doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh TPCN mất phương hướng, làm ăn thiếu hiệu quả. Chưa kể trên các trang mạng xã hội vẫn đang còn tình trạng “loạn quảng cáo” TPCN, cố tình gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh, đánh lừa người tiêu dùng về công dụng thực sự của sản phẩm.

Từ thực tế, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần siết chặt hơn các tiêu chuẩn kỹ thuật của TPCN, đồng thời kiểm soát chặt chẽ về giá, thành phần công bố, hồ sơ quảng cáo... để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp muốn hoạt động thì phải tuân thủ các quy chuẩn, quy định, tuyệt đối không dễ dãi và thỏa hiệp bởi đây là vấn đề liên quan tới sức khỏe, tính mạng của người dân.

TRANG ANH

Cùng chuyên mục