Thủ tướng chủ trì Hội nghị khắc phục hậu quả bão lũ

Sáng 15/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 về các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới các địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Cùng tham dự tại điểm cầu có các Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; Bí thư, Chủ tịch UBND các địa phương.

Theo các báo cáo, bão số 3 là cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và 70 năm qua trên đất liền nước ta, gây thiệt hại hết sức nặng nề về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước. Đến 6h ngày 15/9, đã có 348 người chết và mất tích.

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, cơn bão Yagi là cơn bão lịch sử với 7 yếu tố: Cường độ lớn; tốc độ cao; phạm vi rộng; đối tượng tác động nhiều; kéo dài nhiều tiếng khi đổ bộ vào đất liền; gây mưa lũ lớn dài ngày, trên diện rộng từ Thanh Hóa trở ra; gây hậu quả rất nghiêm trọng về người, tài sản, cả vật chất và tinh thần.

Trước tình hình bão lũ, thiên tai, Bộ Chính trị dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã họp, ra kết luận rất kịp thời; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đi các địa phương trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão.

Thủ tướng Chính phủ đã có 9 công điện chỉ đạo với tinh thần bám sát tình hình thực tế, phản ứng đúng, trúng, nhanh, phù hợp, kịp thời, hiệu quả, liên tục cập nhật các chỉ đạo như chỉ đạo các giải pháp phân lũ từ thượng nguồn để bảo vệ đập thủy điện Thác Bà tại Yên Bái, đê Hoàng Long tại Ninh Bình, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các lực lượng, địa phương, chuẩn bị phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Các đại biểu dành phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân bị thiệt mạng do bão lũ - Ảnh: VGP/Nhật BắcCác đại biểu dành phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân bị thiệt mạng do bão lũ 

Thủ tướng biểu dương các Phó Thủ tướng Chính phủ, thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng quân đội, công an… người dân với sự ủng hộ, đồng lòng, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước đã nghiêm túc triển khai các chỉ đạo của Trung ương trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão lũ, thiên tai.

Thủ tướng nhấn mạnh, thực hiện kết luận của Bộ Chính trị ngày 9/9, Thường trực Chính phủ tổ chức Hội nghị với các địa phương nhằm đánh giá sơ bộ công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó, khắc phậu hậu quả bão; triển khai các giải pháp nhằm 4 mục tiêu lớn: khẩn trương khắc phục hậu quả bão, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, khôi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chúng ta làm việc vì tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tất cả vì nhân dân, vì sự phát triển của đất nước.

Các đại biểu tỉnh Nam Định dự hội nghịCác đại biểu tỉnh Nam Định tham dự hội nghị tại đầu cầu Nam Định

Đối với tình hình mưa bão, lũ tại tỉnh Nam Định: Đây là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão. Trong thời gian bão đổ bộ vào đất liền, trên vùng biển tỉnh Nam Định có gió mạnh cấp 9 - 10, giật cấp 12, 13, biển động dữ dội; trên đất liền có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9, kèm theo mưa lớn, tổng lượng mưa cả đợt khoảng 410 mm. Cùng với ảnh hưởng của triều cường kết hợp các hồ chứa phía thượng lưu xả lũ, đã gây đợt lũ lớn trên các sông.

Để ứng phó mưa bão, lũ, tỉnh Nam Định đã tập trung thực hiện nghiêm các công điện, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương về triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó với bão số 3 và khắc phục hậu quả của bão, mưa lũ sau bão. Nam Định theo dõi chặt chẽ tình hình bão, mưa lũ để có các biện pháp ứng phó kịp thời, nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn về người, hạn chế thấp nhất thiệt hại về cơ sở vật chất và tài sản của nhân dân.

Bên cạnh đó, Nam Định kịp thời huy động các lực lượng hỗ trợ sơ tán người dân, tài sản tại những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn và bố trí chỗ ở, cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm đảm bảo các điều kiện sinh hoạt cho người dân.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nam Định triển khai Sở Chỉ huy tại huyện Hải Hậu để chỉ huy, điều hành, điều động lực lượng, phương tiện ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 3. Tất cả huyện, thành phố trong tỉnh đã thành lập 22 Sở chỉ huy tiền phương trên các triền đê, để trực tiếp chỉ đạo công tác tuần tra, canh gác đê điều nghiêm ngặt, liên tục ngày đêm; kịp thời xử lý các sự cố đê điều xảy ra ngay từ giờ đầu theo phương châm “4 tại chỗ”.

Đoàn đại biểu tỉnh Nam Định tham dự hội nghịĐoàn đại biểu tỉnh Nam Định tham dự hội nghị

Các trạm bơm điện lớn đều vận hành hết công suất và mở tối đa các cống để tiêu thoát nước tại những khu vực xảy ra ngập úng. Các cơ quan truyền thông tại địa phương, nhất là hệ thống loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn liên tục cập nhật tình và đưa tin để người dân nắm được thông tin về diễn biến của bão, mưa lũ...

Theo rà soát, thống kê của các huyện, thành phố, tính đến 16 giờ ngày 13/9/2024, tình hình thiệt hại do bão và mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh Nam Định: Không có thiệt hại về người. Toàn tỉnh có 31 bối có dân cư sinh sống; mực nước trên các tuyến sông tỉnh Nam Định đều vượt mức báo động III từ 0,5m trở lên (15/31 bối bị tràn, ngập); có 11.417 hộ, 13.520 người bị ảnh hưởng và 2.114 ngôi nhà bị ngập nước.

Tỉnh Nam Định có khoảng hơn 18.102 ha lúa, 3.800 ha rau màu và khoảng 700 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 833 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Về công trình giao thông: Cầu phao Ninh Cường trên QL37B bị hư hỏng và đang được xử lý; nhiều tuyến đường bị ngập lụt, đặc biệt là các tuyến đường trong khu vực đô thị.

Về hạ tầng đô thị, nông thôn: Hàng nghìn cây bóng mát bị đổ; 59 cột điện hạ thế và 1 cột điện trung thế bị đổ, gãy cùng hệ thống đường dây bị ảnh hưởng và đã đã được xử lý, hoạt động trở lại. Tổng giá trị thiệt hại ước khoảng gần 565 tỷ đồng.

Quang cảnh đại biểu dự hội nghị tại đầu cầu Nam ĐịnhQuang cảnh đại biểu dự hội nghị tại đầu cầu Nam Định

Trước những thiệt hại do bão lũ gây ra, tỉnh Nam Định đã tổ chức các đoàn thăm hỏi, động viên người dân bị ảnh hưởng do bão lũ; đảm bảo nơi ở và các điều kiện sinh hoạt cần thiết cho người dân thuộc diện phải di dời, sơ tán; huy động các lực lượng hỗ trợ người dân trở về nhà (khi nước rút và đảm bảo tuyệt đối an toàn) và khắc phục các thiệt hại do bão gây ra.

Song song đó, Nam Định tập trung bơm tiêu thoát nước cho lúa và hoa màu, khu vực dân cư, nhằm hạn chế tối đa tình trạng ngập úng; hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi; kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý dịch bệnh sau bão lũ, đảm bảo yêu cầu; tập trung khôi phục sản xuất nông nghiệp, không để xảy ra thiếu nguồn cung lương thực, thực phẩm trong thời gian tới; rà soát, kiểm tra và xử lý khắc phục các hư hỏng công trình thủy lợi, đê điều để đảm bảo an toàn công trình...

Nguyễn Kiên

Cùng chuyên mục