TP.HCM đề xuất tăng lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên

Trong phương án đề xuất thu thuế nhà đất thứ hai trở lên, TP.HCM dự kiến tăng mức thu của 3 loại phí, thuế đối với cá nhân sở hữu 2 bất động sản trở lên nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, sử dụng nhà đất kém hiệu quả.

Theo đó, UBND TP.HCM vừa trình Bộ KH&ĐT hồ sơ dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM.

So với dự thảo trình Chính phủ vào tháng 12/2022, dự thảo thay thế Nghị quyết 54 trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định lần này, UBND TP.HCM có cập nhật nhiều nội dung.

TP.HCM đề xuất tăng lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên.TP.HCM đề xuất tăng lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên.

Trong đó, nội dung đáng chú ý là việc thu thuế đối với cá nhân sở hữu nhà thứ hai. Cụ thể: Phương án 1 : Thí điểm thu thuế đối với nhà và đất mà chủ sở hữu không trực tiếp sử dụng cho cá nhân và gia đình (nhà đất thứ hai trở lên) trên địa bàn thành phố. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quy định về căn cứ tính thuế, thuế suất, phương pháp tính thuế và thời gian áp dụng.

Phương án 2: Chấp thuận cho TP tăng mức thu liên quan đến nhà đất thứ hai trở lên gồm lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng nhà đất; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên.

Mức tăng do HĐND thành phố quyết định, gồm: thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở (không quá 5 lần mức hiện hành) và thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên (không quá 2 lần mức hiện hành).

Đồng thời, HĐND thành phố quyết định tăng tỉ lệ thu lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên từ mức 0,5% giá trị chuyển nhượng lên mức 2% và mức tối đa chuyển nhượng một hồ sơ từ 500 triệu đồng lên 1 tỉ đồng.

Thành phố sẽ hưởng 100% số thu tăng thêm từ khoản này và không dùng để xác định tỉ lệ phần trăm với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và địa phương.

Theo UBND TP.HCM, với phương án 1, chính quyền TP.HCM nhận định có ba thách thức gồm: Việc bảo đảm điều chỉnh bất cập về bất bình đẳng trong hệ thống thuế hiện hành vì chưa quy định việc đánh giá, phân biệt rõ đối với tài sản thứ hai trở lên; khả năng bảo đảm nguồn thu so với các sắc thuế hiện hành (bảo đảm điều chỉnh đúng đối tượng và góp phần tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước); công tác quản lý và công tác thực hiện thu cũng còn phải rà soát kỹ lưỡng.

Do đó TP.HCM lựa chọn phương án 2, bởi trước mắt có thể xem xét điều chỉnh hành vi đầu cơ nhà đất trên địa bàn để làm cơ sở, tiền đề cho việc ban hành sắc thuế mới. Chính sách này cũng giúp điều tiết được hành vi của một bộ phận trong việc quản lý, sử dụng nhà đất trên địa bàn. Tạo thêm cơ sở thực tiễn khi tổng kết, đánh giá việc ban hành chính sách để điều tiết hành vi đầu cơ nhà đất trên các địa phương; đóng góp thêm vào khoản thu ngân sách nhà nước để phục vụ các nhiệm vụ chi trên địa bàn.

Duy Khánh

Bài liên quan

Cùng chuyên mục