Trà Vinh: Hỗ trợ các cơ sở tham gia Chương trình OCOP

Giai đoạn 2022 - 2025, Trà Vinh đặt mục tiêu có thêm 100 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 đến 4 sao; trong đó, sẽ lựa chọn 5 - 7 sản phẩm để nâng cao chất lượng đạt OCOP 5 sao.

Thông tin từ Ban Chỉ đạo xây dựng phát triển sản phẩm OCOP, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và phát triển thương mại điện tử tỉnh Trà Vinh, tỉnh đang thực hiện chính sách hỗ trợ các cơ sở tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Trà Vinh: Hỗ trợ các cơ sở tham gia Chương trình OCOPTrà Vinh hỗ trợ các cơ sở tham gia Chương trình OCOP

Cụ thể, các cơ sở tham gia chương trình OCOP được tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm và xây dựng câu chuyện sản phẩm, mức hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/sản phẩm; hỗ trợ kinh phí thuê hoặc xây dựng mới cửa hàng kinh doanh sản phẩm OCOP với diện tích tối thiểu là 20m2 (mức hỗ trợ 50 triệu đồng/cửa hàng).

Đối với các sản phẩm đạt 3 sao nâng hạng lên 4 sao, tỉnh hỗ trợ 5 triệu đồng/sản phẩm; từ 3 sao hoặc 4 sao nâng hạng lên 5 sao (sản phẩm cấp quốc gia) hỗ trợ 10 triệu đồng/sản phẩm. Trường hợp sản phẩm đạt dưới 3 sao được nâng lên đạt 5 sao hoặc đạt 5 sao ngay lần xét duyệt đầu tiên thì được hỗ trợ 20 triệu đồng/sản phẩm.

Cùng đó, tỉnh cũng hỗ trợ 50% kinh phí mua máy móc và trang thiết bị, dây chuyền sản xuất cho cơ sở ngành nghề nông thôn có sản phẩm đạt OCOP, tối đa không quá 300 triệu đồng/cơ sở. Ngoài ra, các cơ sở tham gia chương trình được tham gia các khóa học, tập huấn về Chương trình OCOP; hỗ trợ hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm tại hội chợ sản phẩm OCOP do bộ, ngành và các tỉnh trong cả nước tổ chức.

Theo Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Quỳnh Thiện, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng phát triển sản phẩm OCOP, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và phát triển thương mại điện tử tỉnh, UBND cấp xã chịu trách nhiệm rà soát, khuyến khích, hỗ trợ và hướng dẫn tổ chức, cá nhân tham gia đăng ký và chuẩn bị hồ sơ sản phẩm, xác nhận các nội dung của hồ sơ minh chứng về tỷ lệ sử dụng lao động địa phương, nguồn nguyên liệu.

Trên cơ sở đó, UBND cấp huyện tổ chức đánh giá sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ trình hội đồng cấp tỉnh (nếu sản phẩm đạt từ 50 điểm trở lên); thông báo kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm cho UBND cấp xã để tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm.

UBND cấp tỉnh tổ chức đánh giá sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ công nhận với sản phẩm đạt từ 50 - 89 điểm. Nếu sản phẩm đạt từ 90 điểm trở lên, tỉnh tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận; thông báo kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm cho UBND cấp huyện để tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm.

Tỉnh Trà Vinh hiện có 80 sản phẩm OCOP của 49 chủ thể, gồm 8 hợp tác xã, 9 công ty, 2 doanh nghiệp và 30 hộ kinh doanh; trong đó, 13 sản phẩm đạt 4 sao và 67 sản phẩm 3 sao.

H. Thủy

Bài liên quan

Cùng chuyên mục