Với hàng loạt chương trình xúc tiến thương mại liên tục được tổ chức trong thời gian qua, đây được xem là “đòn bẩy” giúp các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá các sản phẩm thế mạnh, sản phẩm đặc trưng của Hà Nội vươn ra thế giới.
Hà Nội tổ chức hội chợ xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm
Khai thác hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại
Những tháng đầu năm 2024, công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung tiếp tục đạt kết quả tích cực. Theo Sở Công Thương Hà Nội, tính chung 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 10,4 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 23,1 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này có được nhờ đẩy mạnh khai thác hiệu quả các phương thức xúc tiến thương mại truyền thống, đồng thời, linh hoạt đổi mới, đa dạng hóa các phương thức qua chuyển đổi số.
Thông qua việc triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã đã quảng bá được sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, kết nối đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và nước ngoài. Tính đến nay, Hà Nội đã có 2.711 sản phẩm OCOP; trong đó, có 6 sản phẩm OCOP 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao, 1.220 sản phẩm 3 sao. Đây được đánh giá là điểm sáng của thành phố Hà Nội, đi đầu của cả nước trong phát triển OCOP.
Ông Nguyễn Ánh Dương - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội cho biết: Thời gian qua, công tác hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được giao lưu, xúc tiến thương mại là một trong những nhiệm vụ quan trọng được UBND Thành phố giao Trung tâm. Theo đó, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, tham gia nhiều hội chợ, triển lãm tại Hà Nội và các địa phương trên cả nước.
Một số hội chợ xúc tiến thương mại điển hình như: Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam thường niên với sự tham dự của gần 60 tỉnh, thành phố; các chương trình tiếp cận hệ thống phân phối lớn tại nước ngoài như: AEON, Lotte, Big C, Go... Từ đó, sản phẩm của các doanh nghiệp Hà Nội có cơ hội vươn xa và đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Trước đó, trong năm 2023, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội và các Sở, ngành đã triển khai thực hiện 189 hoạt động, chương trình xúc tiến cả trong nước và nước ngoài. Nhiều hoạt động đã được đổi mới, thay đổi phương thức triển khai phù hợp, hiệu quả, hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Như vậy, Hà Nội đã góp phần kiến tạo nên vai trò kết nối xúc tiến thương mại của Hà Nội đối với khu vực và cả nước. Đồng thời, là đầu mối triển khai công tác xúc tiến của thành phố trong cả 3 lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên môi trường số
Song song với xúc tiến thương mại theo phương thức truyền thống, việc mở rộng, phát triển thị trường còn được thành phố Hà Nội triển khai thông qua nền tảng trực tuyến và các nền tảng số, trong đó thương mại điện tử được đẩy mạnh xuyên suốt. Trong đó, đổi mới, đa dạng hóa các phương thức xúc tiến thương mại qua chuyển đổi số là một trong những nội dung trong Chương trình số 03/CTr-UBND về xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội năm 2024 của UBND thành phố Hà Nội nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội tại của kinh tế Thủ đô. Cụ thể, chương trình góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 7,5 - 8,0%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thành phố đề ra tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII. Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong công tác xúc tiến theo hướng tập trung một đầu mối đã được UBND Thành phố xác định và triển khai hiệu quả trong giai đoạn 2015 - 2020.
Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội, để hỗ trợ hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là tận dụng ưu việt của công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong cơ chế trao đổi thông tin, thực hiện nghiệp vụ xúc tiến thương mại... thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại và kết nối giao thương, tham gia hệ thống phân phối tại nước ngoài; khai thác hiệu quả các phương thức xúc tiến thương mại truyền thống, đồng thời đa dạng hóa các phương thức xúc tiến thương mại thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Để thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh theo hướng tuần hoàn, hướng tới kinh tế xanh, bền vững, ông Nguyễn Thành Dương - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại (Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương) cho biết: Cục đã phối hợp cùng TikTok Shop Việt Nam, các nhà bán hàng uy tín trên TikTokShop tổ chức đào tạo, trực tiếp hướng dẫn học viên các kỹ năng, cách thức bán hàng trực tuyến (livestream), xây dựng gian hàng trên nền tảng TikTok, thực hành thao tác xây dựng các video quảng bá thương hiệu sản phẩm, gia tăng hiệu quả bán hàng.
Theo đó, khóa tập huấn giúp hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại đối với doanh nghiệp, hợp tác xã; nâng cao trình độ sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trên điện thoại thông minh, cách thức tham gia các nền tảng số, kỹ năng livestream để quảng bá hình ảnh sản phẩm. Từ đó, tạo dựng lòng tin của khách hàng đối với sản phẩm, nâng tầm thương hiệu sản phẩm đặc sản thế mạnh của địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế số trong nông nghiệp, nông thôn.
Thanh Lam