Thơm ngon hạt mắc ca sấy lạnh

Những hạt mắc ca được sấy bằng phương pháp sấy lạnh, chậm nhẹ, nhiệt lượng thấp đã cho những nhân hạt còn nguyên hương vị béo, bùi, ngọt và giòn tan của loài cây này. Đó là thành quả của một doanh nghiệp nhỏ vùng kinh tế mới Lâm Hà với thương hiệu Mắc ca Hoài Anh.

 

Công ty TNHH Nông sản Mắc ca Hoài Anh là một doanh nghiệp nhỏ, có quy mô gia đình đóng chân trên địa bàn thôn Thanh Hà, xã Đông Thanh, xã vùng kinh tế mới của huyện Lâm Hà.

Anh Trần Trọng Luyến, Giám đốc Công ty cho biết, nhiều năm trở lại đây, vùng Lâm Hà trồng cây mắc ca khá nhiều. Anh đã ăn sản phẩm của nhiều cơ sở sản xuất và được gia đình, bạn bè động viên, thử sức mình trong việc chế biến hạt mắc ca địa phương. Tháng 5/2022, Hoài Anh đang chế biến những mẻ đầu tiên của vụ mắc ca sớm. 

Vốn là một nhân viên y tế, anh Trần Trọng Luyến bảo, 20 năm gắn bó với người bệnh, với thuốc, kim tiêm, anh rất hiểu tầm quan trọng của thực phẩm ngon, sạch, giữ được chất lượng tự nhiên. Vì vậy, khi gắn bó với nghề chế biến mắc ca, anh Luyến cũng tìm cách để giữ sao cho hương vị, chất lượng của hạt mắc ca được thơm nhất, ngon nhất.

Anh Luyến bên xưởng dập hạtAnh Luyến bên xưởng dập hạt

Mắc ca Lâm Đồng, nhất là khu vực Lâm Hà được thu hoạch ngay tại địa phương, ấy là thế mạnh của Hoài Anh. Anh Luyến bảo, khi thu hoạch xong mang về, doanh nghiệp phơi se vỏ và chế biến ngay để giữ được hương vị tốt nhất của hạt. Thay vì sấy nóng, Hoài Anh chọn phương pháp sấy lạnh. Phương pháp sấy lạnh được coi là hiệu quả với các loại thực phẩm vì giữ được chất lượng và hương vị tốt nhất. 

Anh Luyến chia sẻ: “Sấy lạnh là sấy ở nhiệt độ thấp, hạt mắc ca được sấy từ từ, ít thay đổi chất lượng do nhiệt. Vì vậy, ruột quả vẫn giữ được màu trắng sữa, bóng, hạt giòn tan nhưng vẫn giữ nguyên vị béo và ngọt. Đặc biệt, quá trình sấy lạnh sẽ giúp hạt mắc ca chậm bị hóa dầu, giữ hạt ngon lâu hơn so với sấy nhiệt truyền thống”.

Mắc ca sau khi chế biến, để một thời gian bị hóa dầu khiến hương vị, chất lượng giảm là một yếu tố khiến hạt không bảo quản được lâu. Nhờ sấy lạnh, thời gian hóa dầu của hạt mắc ca mang thương hiệu Hoài Anh lâu hơn, chất lượng hạt được giữ tốt hơn. Đây là một thế mạnh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, anh Trần Trọng Luyến còn đảm bảo chất lượng ngay từ đầu vào với việc đồng hành cùng nông dân. Địa bàn thu mua hạt của doanh nghiệp chủ yếu là Đông Thanh và các xã, thị trấn lân cận. Anh Luyến liên kết với nông hộ, đề xuất nông dân chăm sóc, bón phân đúng kỹ thuật. Anh cho biết, chăm sóc đúng, nhân hạt sẽ to, mọng, chất lượng tốt. Đặc biệt, khi thu hoạch phải hái trái già vì nhân đạt độ căng, bóng, mẩy.

Hái non, sau khi chế biến trái bị nhăn, nhân bé và không ngon. Chính vì vậy, anh chủ động thu hoạch tại vườn của nông dân và luôn đảm bảo thu hoạch trái đủ độ già. Anh Luyến chia sẻ: “Chăm sóc đúng kỹ thuật thì trái ngon, hái già thì nhân to, nặng. Khi hái già thì tất cả mọi người đều có lợi. Nông dân đạt năng suất tốt hơn, người sản xuất có nông sản chất lượng để sản xuất và người tiêu dùng có được sản phẩm ngon, chất lượng cao”.

Ông Nguyễn Văn Bát, thành viên HTX Trồng mắc ca Đông Thanh cho biết, Hoài Anh thu mua mắc ca của HTX và luôn hướng dẫn bà con hái trái già, trái đạt độ cứng nhân, già vỏ. Chính từ các nông hộ cung ứng mắc ca tươi như ông Bát, Hoài Anh thu mua, chế biến những hạt mắc ca trắng bóng.

Được biết, ngay khi thành lập doanh nghiệp năm 2021, Hoài Anh đã đăng kí tham gia Chương trình OCOP và đạt kết quả 3 sao. Sản phẩm có chất lượng, Hoài Anh chọn lối đi cung cấp vào siêu thị và các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch.

Anh Luyến chia sẻ: “Đưa hàng vào các siêu thị, chuỗi sản phẩm sạch có ưu điểm là giá tốt, lượng tiêu thụ thường xuyên. Nhưng doanh nghiệp phải giữ được chất lượng tốt, hàng có chứng nhận đạt chuẩn và chất lượng phải ổn định. Chỉ cần chất lượng sơ sót một vài lần là mất ngay thị phần”. 

Năm 2021, Công ty Mắc ca Hoài Anh cung cấp 12 tấn nhân cho một số siêu thị và chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch. Niên vụ 2022, doanh nghiệp đang sản xuất những mẻ mắc ca đầu mùa và dự kiến năm nay, sản lượng sẽ tăng cao hơn. Vừa mang lại thu nhập cho doanh nghiệp, vừa mang lại thu nhập cho người trồng mắc ca địa phương.

H. Thủy (Nguồn: Báo Lâm Đồng)

 

 
 

Bài liên quan

Cùng chuyên mục