Australia từng là quốc gia xuất khẩu rác, nhưng giờ đây, họ đang hy vọng tạo ra một nền kinh tế không còn rác thải theo định hướng phát triển “kinh tế tuần hoàn”. Mô hình kinh tế này, đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường, giúp giải quyết bài toán giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường.
Một sản phẩm có bao bì làm từ nhựa tái chế (Ảnh: CNA)
Dạo một vòng quanh trung tâm thành phố Sydney - nơi đang có nhiều nỗ lực nhằm thu hẹp vòng đời của rác thải - người ta dễ dàng tìm thấy một thùng rác tái chế hoặc một sản phẩm làm từ vật liệu tái chế. Ðó là một dấu hiệu cho thấy cách nhìn về đồ tái chế ở Úc đang thay đổi.
Cách đây 5 năm, Úc vốn là một nền kinh tế tuyến tính, về cơ bản là khai thác nguyên liệu thô từ trái đất, dùng tạo ra các sản phẩm để bán và thải bỏ chúng khi sử dụng xong. Theo báo cáo chất thải quốc gia được công bố năm 2018, khoảng 40% trong số 54 triệu tấn chất thải mà nước này tạo ra (tương đương khoảng 880kg/người) từ năm 2016 đến năm 2017 được đổ ở bãi chôn lấp.
Ðể quản lý hoạt động tái chế, Úc - giống như nhiều nước phát triển khác - phụ thuộc vào việc xuất khẩu chất thải ra nước ngoài, như Trung Quốc, Malaysia và Ấn Ðộ. Tuy nhiên, quyết định cấm nhập khẩu chất thải của Trung Quốc đã đánh dấu một bước ngoặt về hoạt động tái chế của Úc. Hơn nữa, sự thay đổi trong thái độ của người tiêu dùng đối với sự phát triển bền vững cũng tác động đáng kể đến cách thức quản lý chất thải của nước này và định hướng xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn.
Hiện tại, Úc đang chạy đua để đạt được mục tiêu sản xuất 100% bao bì có thể tái chế, có thể phân hủy hoặc tái sử dụng vào năm 2025. Nước này cũng đang tìm cách nâng tỷ lệ tái chế bao bì nhựa lên 70% cũng trong mốc thời gian nói trên.
Theo số liệu mới nhất từ Tổ chức Hiệp ước Bao bì Úc (APCO), được chính phủ giao nhiệm vụ phân phối theo mục tiêu tự nguyện, trong năm tài chính 2019-2020, 86% bao bì ở nước này là có thể tái chế, có thể phân hủy hoặc tái sử dụng. Tổ chức phi lợi nhuận này hiện đang làm việc với 2.200 thành viên - chiếm khoảng 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Úc - trên hơn 150 lĩnh vực bao gồm bán lẻ, thực phẩm và đồ uống, viễn thông để thiết kế bao bì có thể tái chế và mở rộng thị trường bao bì tái chế.
Ðể khuyến khích người tiêu dùng tái chế đúng cách, APCO đã tạo ra nhãn tái chế Australasian mà các thương hiệu có thể thêm vào sản phẩm của mình để nhận biết rõ hơn các thành phần khác nhau và cách phân loại chúng.
Cụ thể, nhãn này liệt kê các vật liệu hoặc thành phần của bao bì, như vỏ hộp hoặc nắp, kèm theo hướng dẫn cho thấy chúng nên vứt bỏ hay để dành tái chế - ví dụ như bỏ vô thùng thu gom nhựa mềm. Việc đó giúp nhiều người bỏ rác đúng chỗ và đảm bảo rằng chúng sẽ đến được những cơ sở tái chế, đồng thời giáo dục mọi người biết cách phân loại rác - bà Brooke Donnelly, CEO của APCO, cho biết.
Một chương trình thí điểm do các công ty gồm Nestlé, Nespresso Australia và đơn vị tái chế iQRenew thực hiện, tập trung thu gom, xử lý và tái chế nhựa mềm từ các gia đình thành các sản phẩm khác đã được mở rộng đến nhiều hộ gia đình hơn.
Hiện có khoảng 15.000 hộ gia đình ở khu vực Central Coast và Newcastle Council tham gia vào chương trình tái chế gọi là CurbCycle, tăng so với 2.000 hộ khi chương trình được triển khai lần đầu tiên vào năm 2020. Theo đó, nhựa mềm như giấy gói bánh và túi nhựa được thu gom, sau đó trải qua quá trình tái chế vật lý và hóa học để sản xuất ra loại nhựa có thể được sử dụng để làm bao bì sản phẩm hoặc tấm xây dựng.
Theo ông Gordon Ewart, giám đốc CurbCycle, cho đến nay chương trình đã giúp chuyển tải hơn 50.000kg nhựa mềm từ bãi rác và hiện đang mở rộng quy mô để các cộng đồng trên toàn quốc tham gia tích cực vào hoạt động tái chế.
Bà Donnelly cho biết, APCO đang tiếp tục tập trung vào việc đạt được mục tiêu quốc gia là tái chế bao bì nhiều nhất có thể và tin đáng mừng là ngày càng có nhiều cơ sở kêu gọi thu hồi nhựa qua mạng.
Th. Hương (Nguồn: CNA)