Bắc Ninh ứng dụng công nghệ, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hàng hóa chất lượng

Sau khi thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bắc Ninh đã chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của từng vùng, từng địa phương, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến được đẩy mạnh áp dụng.

Đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh có trên 1.000 vùng sản xuất lúa, trong đó có 260 vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung; trên 70 vùng rau màu chuyên canh. Trong sản xuất, Bắc Ninh đã từng bước ứng dụng phun thuốc trừ sâu bệnh trên lúa bằng máy bay không người lái và công nghệ truy xuất nguồn gốc Agricheck áp dụng phương pháp “4 cùng” (cùng giống, cùng gieo cấy, cùng xứ đồng, cùng thu hoạch).

Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở xã Minh Tân, huyện Lương Tài.Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở xã Minh Tân, huyện Lương Tài.

Trong chăn nuôi, mô hình chăn nuôi truyền thống trong khu dân cư với quy mô nhỏ, lẻ ngày càng giảm mạnh, một mặt do ô nhiễm môi trường, mặt khác do hiệu quả kinh tế thấp; trong khi chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được mở rộng và phát triển, trên địa bàn tỉnh có trên 50 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung công nghiệp sử dụng công nghệ chuồng lồng, kín và xử lý chất thải sinh học, hệ thống quản lý 5S (Áp dụng 5S trải qua các bước: Sàng lọc, Sắp xếp, Sạch sẽ, Săn sóc và Sẵn sàng).

Về sản xuất thủy sản, diện tích mặt nước tự nhiên cho nuôi trồng thủy sản không lớn, hệ thống ao hồ trong các khu dân cư có xu hướng giảm dần do quá trình đô thị hóa hoặc bị ô nhiễm nguồn nước do quá trình công nghiệp hóa. Tuy nhiên, nhờ thực thi có hiệu quả chính sách chuyển dịch vùng trũng sang nuôi trồng thủy sản, nhiều vùng trũng đã chuyển sang nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất thủy sản được tăng cường, áp dụng rộng rãi, như: sản xuất cá giống bằng phương pháp đẻ vuốt, ấp trứng bằng bình vây hoặc công nghệ sử dụng hocmon để sản xuất giống, nuôi cá thâm canh có sử dụng quạt nước, thức ăn công nghiệp và chế phẩm vi sinh trong xử lý môi trường ao nuôi,.. đã giúp nâng cao hiệu quả sản xuất thủy sản.

Quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm được tích cực triển khai. Sau 3 năm thực hiện Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm (OCOP), với nhiều chính sách hỗ trợ của tỉnh, sản phẩm OCOP của các địa phương tại Bắc Ninh liên tục được hoàn thiện, nâng cấp về quy mô, chất lượng, quy trình sản xuất, chế biến cũng như mẫu mã bao bì, hệ thống nhận diện thương hiệu và ngày càng có nhiều chủ thể quan tâm, đăng ký tham gia, tạo sức lan toả rộng rãi trong toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

Xác định Chương trình OCOP nhằm phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, đồng thời là giải pháp, nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng Nông thôn mới, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành chính sách khuyến khích các chủ thể tham gia và phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP. Đến nay, toàn tỉnh đã có 93 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao. 62 sản phẩm khác đã được phê duyệt tham gia chương trình OCOP năm 2022.

Nhằm đẩy mạnh chương trình OCOP, HĐND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết số 07/2022 quy định hỗ trợ về phát triển nông nghiệp, sản phẩm OCOP và ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích các chủ thể sản phẩm OCOP. Đây là đòn bẩy khích lệ các hộ dân, HTX, doanh nghiệp tích cực tham gia xây dựng các sản phẩm OCOP chất lượng, thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn.

Bá Đoàn

Bài liên quan

Cùng chuyên mục