Cần Thơ: Phát triển trái cây theo hướng đặc sản để tăng lợi thế cạnh tranh

Cần Thơ – trái cây đặc sản là một trong những loại nông sản giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần tăng lợi thế cạnh tranh cho nhà vườn Thành phố Cần Thơ.

Diện tích, sản lượng liên tục tăng

Theo Sở NN&PTNT Cần Thơ, trong những năm gần đây, diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn TP. Cần Thơ liên lục tăng. Nếu như năm 2021, diện tích vườn cây ăn trái của Cần Thơ là hơn 21.000 ha thì đến nay, thành phố đã có hơn 23.500 ha, với sản lượng thu hoạch trái đạt hơn 160.250 tấn/năm.

Việc diện tích trồng cây ăn trái liên tục tăng trên địa bàn đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp của thành phố, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân.

Tại TP. Cần Thơ, các loại trái cây đặc sản bao gồm vú sữa, dâu Hạ Châu, xoài cát Hòa Lộc… Trong đó, sầu riêng là loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế khá cao với các giống chủ yếu được người dân ưa chuộng là sầu riêng cơm vàng hạt lép như Ri 6, Monthong.

 Dâu Hạ Châu - loại trái cây đặc sản tại xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ (Ảnh: Phong Linh)  Sầu riêng là loại đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân trên địa bàn thành phố (Ảnh: Phong Linh)

Là nông dân có diện tích trồng sầu riêng lớn trên địa bàn huyện Phong Điền, anh Huỳnh Tuấn Kiệt (28 tuổi, xã Nhơn Nghĩa) cho biết: “Tổng diện tích sầu riêng nhà tôi trồng là 1,7 ha, trong đó bao gồm 2 giống chính là Ri 6 và chuồng bò. Hiện tại, tôi cũng tiếp tục chăm sóc thêm 400 gốc Monthong để gia tăng năng suất và phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ".

Anh Kiệt cũng cho biết thêm, năng suất sầu riêng vườn nhà anh năm nay cũng tăng nhiều so với năm trước, trung bình đạt khoảng 50 - 70 trái/cây.

Ông Nguyễn Văn Truyền (47 tuổi, quận Bình Thủy), hội viên Hội Nông dân phường Long Tuyền, cũng cho biết sẽ tiếp tục phát triển trồng sầu riêng tại vườn mình. Bên cạnh đó, ông còn có ý định kết hợp trồng thêm dâu Hạ Châu theo mô hình mới nhằm phát triển kinh tế.  

Nâng cao giá trị trái cây đặc sản

Hiện tại, thành phố Cần Thơ đã hình thành các vùng cây ăn trái chuyên canh tại nhiều quận, huyện như: Vùng trồng sầu riêng, vú sữa, dâu Hạ Châu tại huyện Phong Điền; nhãn tại quận Ô Môn và Thới Lai; mận tại quận Thốt Nốt; nhãn và xoài ở huyện Cờ Đỏ;...

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã xây dựng nhãn hiệu tập thể cho nhiều loại cây ăn trái như nhãn hiệu tập thể cam xoàn, nhãn ido Thới An (quận Ô Môn), dâu Hạ Châu Nhơn Ái, sầu riêng Tân Thới và vú sữa Trường Xuân A (huyện Phong Điền). Qua đó góp phần nâng cao sản phẩm tiêu thụ, tăng lợi thế cạnh tranh.

 Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, loại trái cây đặc sản còn níu chân nhiều du khách khi đến thăm vùng đất Tây Đô (Ảnh: Phong Linh)

Năm 2022, ngành nông nghiệp Cần Thơ cho biết sẽ phối hợp với các sở, ngành cũng như UBND các quận, huyện định hướng phát triển vùng trồng cây ăn trái chuyên canh, có giá trị kinh tế cao. Đây cũng là giải pháp trọng tâm giúp phát triển vùng đất Tây Đô theo Nghị Quyết số 45 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ của Chính phủ.

Theo đó, Cần Thơ sẽ trở thành trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long, đầu tư các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ, xuất khẩu nông sản, thủy sản.

  Nông dân Cần Thơ trong mùa thu hoạch sầu riêng đầy năng suất vào năm 2022 (Ảnh: Phong Linh)

“Ngành nông nghiệp cũng đang liên kết, phối hợp với một số đơn vị để xây dựng thương hiệu cho trái cây Cần Thơ và chúng tôi cũng định hướng mở rộng diện tích trên diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả để chuyển sang trồng cây ăn trái chuyên canh nhằm nâng cao giá trị trên cùng một diện tích”, Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ Nguyễn Văn Sử cho biết.

H. Thủy (Nguồn: https://laodong.vn/)

Bài liên quan

Cùng chuyên mục