Các cửa khẩu tại Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh... đang hoạt động hết công suất, nhanh chóng áp dụng luồng xanh để nông sản, đặc biệt là trái vải được thông quan nhanh chóng nên không xảy ra hiện tượng ù ứ...
Những ngày này, không chỉ các cửa khẩu ở Lạng Sơn đang hoạt động hết công suất để xuất khẩu trái vải, mà các cửa khẩu ở Lào Cai, Quảng Ninh cũng “mở rộng cửa”, áp dụng luồng xanh để vải và trái cây được thông quan nhanh chóng...
Hơn 8/300 tấn vải tươi đã qua cửa khẩu Kim Thành
Các đơn vị cơ quan tại cửa khẩu Kim Thành gồm biên phòng, hải quan, kiểm dịch, ban quản lý cửa khẩu... đã rất sáng tạo đưa ra nhiều giải pháp vừa đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 an toàn nhất.
Theo ông Vũ Văn Tuấn, Phó Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai, ưu tiên cho nông sản tươi xuất khẩu sớm, Hải quan cửa khẩu Lào Cai và các lực lượng chức năng làm việc trước giờ mở cửa khẩu từ 10 - 15 phút và buổi chiều giải quyết thủ tục muộn hơn để doanh nghiệp mở tờ khai hải quan để khi mở cửa khẩu vào sáng hôm sau, hàng hoá có thể xuất đi được ngay.
Sau khi hàng hoá lên tới cửa khẩu, các đơn vị chức năng tại đây ưu tiên, phục vụ doanh nghiệp sớm, nhanh để xe vải được xuất ngay trong đầu giờ sáng. Sau quả vải đến thanh long và các mặt hàng nông sản khác như thế rất hợp lý, không bị ùn tắc.
Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai cũng thường xuyên liên hệ, trao đổi với phía Hải quan Trung Quốc để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong việc xuất khẩu nông sản đặc biệt mặt hàng quả vải tươi làm sao thủ tục được thuận lợi, nhanh chóng nhất.
Ông Vũ Văn Tuấn cho biết, tính từ khi xe hàng vải tươi đầu tiên năm nay thông quan ở cửa khẩu Kim Thành (ngày 24/5) đến hết ngày 1/6, chỉ tính riêng mặt hàng quả vải tươi, đã có khoảng 8.300 tấn đã được xuất khẩu qua cửa khẩu Kim Thành, trị giá trên 4,5 triệu USD.
Thời điểm hiện nay, mỗi ngày có khoảng 170 xe nông sản được xuất khẩu thì số xe chở vải tươi chiếm khoảng một nửa tương ứng trọng lượng khoảng 1.000 tấn. Với việc cửa khẩu thông suốt và cách điều hành như thế như hiện nay, vào chính vụ cửa khẩu Kim Thành có thể đáp ứng 4.000 - 5.000 tấn vải tươi sẽ được thông quan trong mỗi ngày.
Đưa vải thiều vào danh mục ưu tiên
Với địa thế của tỉnh Bắc Giang giáp với Lạng Sơn, nên phần lớn trái vải từ tỉnh này xuất khẩu sang Trung Quốc là đi theo các cửa khẩu ở tỉnh Lạng Sơn.
Tại Cửa khẩu Tân Thanh (cửa khẩu có sản lượng vải quả tươi xuất khẩu lớn nhất khu vực phía Bắc), phương án hỗ trợ thủ tục thông quan cho các lô hàng quả vải tươi đã được xây dựng và triển khai.
Theo đó, lực lượng Biên phòng bố trí cán bộ trực, phân luồng riêng cho các xe vải thiều của Bắc Giang, Hải Dương góp phần đảm bảo cho các lô hàng quả vải tươi xuất khẩu nhanh hơn. Hiện mặt hàng vải thiều quả tươi được cơ quan hải quan đưa vào danh mục mặt hàng ưu tiên, nên thời gian làm thủ tục cho một xe hàng chỉ 5-10 phút.
Xe chở trái vải đi qua cửa khẩu Kim Thành
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh, Cửa khẩu Tân Thanh đã tiến hành phân luồng riêng cho mặt hàng vải thiều và bố trí một khu vực dành riêng cho các phương tiện chở vải thiều tập kết chờ làm thủ tục. Đồng thời, phân công bố trí cán bộ trực từ 7h - 19h, bất kì lúc nào doanh nghiệp xuất khẩu vải đưa hàng lên cửa khẩu thì đều được thông quan ngay để tạo điều kiện giải phóng mặt hàng này nhanh nhất, tránh trường hợp trời nắng nóng dễ gây hư hỏng đối với loại mặt hàng này.
Ông Đinh Trung Kiên, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý cửa khẩu Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn, cho biết để đảm bảo phòng chống dịch Covid-19, các phương tiện chở hàng xuất khẩu trước khi vào tỉnh Lạng Sơn đã được phun khử khuẩn tại chốt kiểm dịch đoạn huyện Hữu Lũng và khi lên đến cửa khẩu sẽ tiếp tục được thực hiện phun khử khuẩn khu vực buồng lái.
"Chúng tôi cũng có đội ngũ lái xe chuyên trách để hỗ trợ đưa vải từ cửa khẩu qua biên giới", ông Kiên cho biết thêm.
Áp dụng công nghệ để rút ngắn thời gian thông quan
Tại thành phố Móng Cái, từ ngày 1/5/2021, Trung Quốc đã cho phép hàng hoa quả (gồm có các loại: thanh long, nhãn, vải, mít, dưa hấu, chôm chôm, măng cụt, chuối… với 40 loại) thông quan qua Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái - Đông Hưng tại cầu Bắc Luân II theo hình thức mậu dịch thông thường, xuất khẩu chính ngạch. Nhờ vậy, hoạt động xuất khẩu nông sản nói chung, trái cây nói riêng sang Trung Quốc được đẩy mạnh qua cửa khẩu này.
Thời điểm này lượng hàng hóa nông, lâm thủy hải sản xuất nhập khẩu qua cửa khẩu đường bộ thuận lợi hơn so với vận tải đường biển.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Chi cục Hải quan thành phố Móng Cái đã chủ động các phương án để đảm bảo vừa chống dịch hiệu quả, vừa tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu, thông thương hàng hóa.
Tại các khu vực, điểm xuất hàng hóa, lực lượng hải quan duy trì, bố trí cán bộ trực 24/7 ngày để giải quyết thủ tục hải quan cho người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, địa phương cũng đã bố trí riêng khu vực nghỉ tạm thời cho lái xe, phụ xe đến từ các tỉnh có dịch Covid-19, nhất là hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang; tuyệt đối không bố trí ở chung với các lái xe đến từ các tỉnh, thành phố chưa có dịch.
Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái đã áp dụng công nghệ thông tin góp phần cải thiện rõ rệt năng lực thông quan hàng hóa, rút ngắn thời gian làm tờ khai trên các phương tiện và hướng dẫn các quy định kê khai hàng hóa qua hình thức trực tuyến.
Hầu hết các đơn vị xuất khẩu đã làm thủ tục khai trước hoặc khai từ xa, nên khi tới cửa khẩu, mỗi tờ khai chỉ mất 2-3 phút để làm thủ tục ở cửa khẩu. Đối với luồng xanh và luồng vàng thì chỉ cần xuất trình hàng hóa và tờ khai.
Theo vneconomy