Dầu thô WTI chạm mốc 80 USD/thùng, thị trường kim loại “đỏ lửa”

Lực bán tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong ngày hôm qua. Tuy nhiên, mức tăng của mặt hàng dầu thô đã giúp chỉ số MXV-Index đóng cửa hôm qua chỉ giảm 0,27% xuống 2.330 điểm.

Đáng chú ý, giá trị giao dịch toàn Sở tăng vọt 47% so với ngày trước đó, đạt gần 4.600 tỷ đồng.

Giá dầu tăng trở lại

Chốt ngày giao dịch 27/7, giá dầu WTI tăng 1,66%, chạm mốc 80 USD/thùng sau hơn 3 tháng dao động dưới ngưỡng này. Dầu Brent đóng cửa với mức giá 83,79 USD/thùng, tăng 1,49%.

MXV cho biết, lực mua tiếp tục được thúc đẩy đối với mặt hàng dầu thô trong ngày hôm qua khi các dữ liệu kinh tế của Mỹ cho thấy tín hiệu tích cực, bất chấp bối cảnh lãi suất liên tục tăng cao, giúp gia tăng triển vọng tiêu thụ trong khi nguồn cung có dấu hiệu thu hẹp.

Tâm điểm của thị trường hướng về dữ liệu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý II, với mức tăng tích cực 2,4% so với quý đầu năm, đánh bại dự báo tăng 1,8%. Điều này xuất phát từ khả năng phục hồi của thị trường lao động, hỗ trợ chi tiêu của người tiêu dùng, trong khi các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào thiết bị, từ đó gia tăng khả năng ngăn chặn một cuộc suy thoái kinh tế.

Bên cạnh đó, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát yêu thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đạt mức 2,6% trong Quý II/2023, hạ nhiệt nhanh so với mức tăng trưởng 4,1% của Quý I/2023.

Các dữ liệu trên đã củng cố niềm tin của các nhà đầu tư đối với kịch bản “hạ cánh mềm”, với viễn cảnh lạm phát hạ nhiệt, trong khi không kéo theo một cuộc suy thoái. Điều này đã thúc đẩy lực mua trên thị trường dầu thô, nhất là khi thị trường dầu vẫn đang đối diện với tình hình thiếu nguồn cung.

Trong khi đó, xét về mặt cung cầu, theo khảo sát từ Bloomberg và Reuters, Saudi Arabia dự kiến sẽ kéo dài việc cắt giảm nguồn cung tự nguyện 1 triệu thùng/ngày sang tháng 9 trong một động thái tìm cách hỗ trợ giá dầu phục hồi.

Các chuyên gia hàng hóa tại Ngân hàng Standard Chartered đã dự đoán rằng thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ ghi nhận mức thâm hụt nguồn cung 2,81 triệu thùng/ngày trong tháng 8, thâm hụt 2,43 triệu thùng/ngày vào tháng 9 và hơn 2 triệu thùng/ngày vào tháng 11 và tháng 12.

Đơn vị này cũng dự đoán rằng tồn kho toàn cầu sẽ giảm 310 triệu thùng vào cuối năm 2023 và 94 triệu thùng nữa trong quý đầu tiên của năm 2024, do đó đẩy giá dầu lên cao hơn.

Ngoài ra, công ty dầu khí nhà nước Brazil Petrobras cho biết sản lượng dầu thô quý II giảm 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái xuống mức 2,10 triệu thùng/ngày, chủ yếu đến từ hoạt động bảo trì, bên cạnh sự suy giảm tự nhiên của các mỏ dầu trưởng thành. Brazil là quốc giá xuất khẩu dầu lớn thứ 8 trên thế giới.

Nhìn chung, tăng trưởng GDP tích cực của Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới trong bối cảnh nguồn cung dần thu hẹp đã kích thích lực mua trên thị trường. Tuy nhiên, giá dầu cũng đã gặp một số áp lực bán chốt lời tại vùng giá 80 USD/thùng đối với dầu WTI và 84 USD/thùng đối với giá dầu Brent vào cuối phiên.

Thị trường kim loại gặp sức ép

Đóng cửa hôm qua, sắc đỏ áp đảo bảng giá thị trường kim loại. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạch kim dẫn dắt đà suy yếu với mức giảm 2,78% xuống 945 USD/ounce, đánh dấu mức giảm mạnh nhất trong vòng hơn 2 tháng. Giá bạc chốt phiên tại mức 24,36 USD/ounce sau khi giảm 2,41%, ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong hơn 1 tháng. Giá của cả 2 mặt hàng đều xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tuần.

Theo MXV, kỳ vọng Mỹ có thể đạt được kịch bản “hạ cánh mềm” đã hỗ trợ đồng USD bật tăng mạnh, với chỉ số Dollar Index tăng 0,88% lên 101,77 điểm, mức cao nhất trong vòng hơn 2 tuần.

Do đó, giá bạc và bạch kim phải chịu sức ép bởi đồng USD mạnh lên khiến chi phí đầu tư trở nên đắt đỏ hơn, trong khi vai trò trú ẩn bị thất thế trước tín hiệu tích cực của nền kinh tế Mỹ.

Đáng chú ý, trên thị trường kim loại cơ bản, giá quặng sắt giảm mạnh 3,04% xuống 111,44 USD/tấn, mức thấp nhất trong vòng 2 tuần.

Vào hôm qua, Arcelor Mittal, nhà sản xuất thép lớn thứ hai thế giới hạ dự báo nhu cầu thép toàn cầu (ngoại trừ Trung Quốc) chỉ tăng 1 - 2% trong năm nay, thấp hơn so với mức dự báo trước đó là 2 - 3%. Trong bối cảnh tiêu thụ quặng sắt vẫn còn yếu kém, nguồn cung được dự báo sẽ ổn định và tăng cao trong trung hạn, đã khiến cho giá sắt chịu áp lực bán mạnh trong phiên hôm qua.

Mới đây, Fortescue Metals Group, tập đoàn khai thác quặng sắt lớn thứ tư thế giới, báo cáo họ đã vận chuyển 192 triệu tấn quặng sắt trong năm tài chính 2022 - 2023, tăng 2% so với năm tài chính 2021 - 2022. Ngoài ra, Fortescue cho biết họ dự kiến sẽ vận chuyển khoảng 192 - 197 triệu tấn quặng sắt trong năm 2023 - 2024.

Trước đó, 3 tập đoàn khai thác quặng sắt hàng đầu thế giới là Rio Tinto, Vale SA và BHP Group cũng đều đưa ra dự báo nguồn cung quặng sắt sẽ tăng mạnh.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá thép xây dựng trong nước đi ngang sau lần điều chỉnh giảm thứ 14 liên tiếp vào ngày 21/7 vừa qua. Theo đó, giá thép dao động quanh mốc 14 triệu đồng/tấn, vùng giá thấp nhất kể từ cuối năm 2020.

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

Bài liên quan

Cùng chuyên mục