Tăng cường xúc tiến thương mại cho sản phẩm nông sản, đặc biệt là sản phẩm OCOP thông qua các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương... sẽ góp phần đưa sản phẩm OCOP trở thành một thương hiệu mạnh được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế quan tâm sử dụng.
Hà Nội và các tỉnh, thành trên cả nước đều đã có nhiều sản phẩm được gắn sao OCOP, chẳng hạn TP. Hà Nội đã có 1.649 sản phẩm OCOP được gắn từ 3 sao trở lên, nhưng thời gian qua những sản phẩm này không được nhiều người tiêu dùng biết đến do thiếu sự kết nối sản xuất với hệ thống bán lẻ nên thị trường tiêu thụ khá hạn hẹp.
Tăng cường xúc tiến đưa nông sản tới người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Theo Sở Công thương Hà Nội, hiện Thành phố đang dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP của 426 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh đã được đánh giá và phân hạng. Trong đó, Thành phố đã phát triển khoảng 80 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên các quận, huyện, thị xã để quảng bá, giới thiệu đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng, khách du lịch đến với Thủ đô. Đây đều là những điểm uy tín, không chỉ để tiêu thụ sản phẩm OCOP Hà Nội mà còn kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP từ 25 tỉnh, thành phố khác.
Để giúp người dân Thủ đô tiếp cận với nhiều đặc sản vùng miền, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm, thời gian qua, Sở Công Thương đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội (HPA), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức nhiều hoạt động kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp giữa Hà Nội và các tỉnh, thành.
Đặc biệt, trong năm 2022, nhiều chương trình như Hội chợ hàng Việt, Hội chợ kết nối nông sản thực phẩm an toàn, Lễ hội trái cây; Festival nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội năm 2022 trên địa bàn một số huyện ngoại thành; Hội chợ xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP Hà Nội năm 2022; Hội chợ Đặc sản vùng miền 2022…đã diễn ra góp phần quảng bá sản phẩm nông sản đến người dân và du khách.
Để giúp người dân Thủ đô tiếp cận với nhiều đặc sản vùng miền, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm, thời gian qua, Sở Công Thương đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội (HPA), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức nhiều hoạt động kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp giữa Hà Nội và các tỉnh, thành.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội không chỉ phát huy hiệu quả các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn thành phố mà còn đẩy mạnh phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn giữa Hà Nội và các tỉnh, thành trong cả nước.
Đến nay, Hà Nội và các tỉnh, thành phố liên kết đã xây dựng được 786 chuỗi (chiếm 48% tổng số chuỗi trên cả nước) với 670 điểm bán hàng. Hiện các chuỗi này đang được vận hành hiệu quả, bảo đảm cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân Thủ đô.
Trong thời gian tới, TP. Hà Nội cũng sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển xây dựng thương hiệu; xây dựng quy hoạch, phát triển và liên kết vùng nguyên liệu bền vững; phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch; đa dạng hóa nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa; phát triển và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế...
Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp về kích cầu nội địa; triển khai có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong lĩnh vực Công Thương theo phân công, phân cấp quản lý; tăng cường các hoạt động kết nối, giao thương, liên kết vùng... giúp người tiêu dùng Thủ đô cũng nhu du khách có nhiều lựa chọn đa dạng trong tiêu dùng với các sản phẩm an toàn, chất lượng, giá cả hợp lý.
Việt Anh