HoSE lưu ý khả năng cổ phiếu của Vietnam Airlines bị hủy niêm yết

HoSE cho biết, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines có thể bị hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục lỗ sau thuế của công ty mẹ hoặc vốn chủ sở hữu âm.

Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) vừa có thông báo gửi Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) để lưu ý về khả năng hủy niêm yết với cổ phiếu của doanh nghiệp này.

Cụ thể, lý do được phía HoSE đưa ra là theo báo cáo hợp nhất soát xét bán niên 2022, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ là 5.167 tỷ đồng. Ngoài ra, số lỗ lũy kế chưa phân phối đến ngày 20/6/2022 của doanh nghiệp này là gần 29.000 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm 4.897 tỷ đồng.

Cổ phiếu của Vietnam Airlines đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết.Cổ phiếu của Vietnam Airlines đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết.

Theo Nghị định 155/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán năm 2019, cổ phiếu của công ty đại chúng sẽ bị hủy bỏ niêm yết khi kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

Với quy định kể trên, HoSE lưu ý Vietnam Airlines về khả năng cổ phiếu HVN có thể bị hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ và/hoặc vốn chủ sở hữu báo số âm.

Trước đó, ngày 1/6/2022, HoSE từng ban hành quyết định về việc giữ nguyên diện kiểm soát đối với cổ phiếu HVN do vốn chủ sở hữu âm 2.160 tỷ đồng, căn cứ báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính kiểm toán 2 năm gần nhất (2020, 2021) là số âm, thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát.

Về tình hình kinh doanh, trong nửa đầu năm 2022, Vietnam Airlines đã ghi nhận doanh thu doanh thu thuần 29.943 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với nửa đầu năm 2021. Tuy nhiên, công ty lại lỗ sau thuế 5.237 tỷ đồng, giảm đến 39% so với cùng kỳ năm trước.

Theo giải trình từ công ty, lỗ sau thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm giảm chủ yếu do năm 2021 ghi nhận giảm lỗ của Công ty mẹ và các Công ty con như Skypec, Vaeco, Viags… đều kinh doanh có lãi.

Ngoài ra, trong Báo cáo soát xét mới đây, các kiểm toán viên của Deloitte Việt Nam nhấn mạnh: “Tại ngày 30/6, khoản nợ ngắn hạn của hãng hàng không đã vượt quá tài sản ngắn hạn, với số tiền là 36.425 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 4.897 tỷ đồng. Các khoản phải trả quá hạn là 14.858 tỷ đồng. Trong kỳ hoạt động 6 tháng kết thúc cùng ngày, công ty có kết quả kinh doanh hợp nhất lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền là 5.237 tỷ đồng.

Vì vậy, khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Việt Nam và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê. Những điều kiện này, cùng các vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty”.

Bên cạnh đó, kiểm toán viên còn lưu ý, Vietnam Airlines vẫn áp dụng tính và ghi nhận chi phí khấu hao và chi phí phân bổ tiền sửa chữa bảo dưỡng của các máy bay và động cơ cho kỳ hoạt động 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2022 theo hướng dẫn kế toán riêng mà các cơ quan có thẩm quyền đã phê duyệt áp dụng cho các năm 2021 và 2020.

Hồng Anh

Bài liên quan

Cùng chuyên mục