Kon Tum: Tìm giải pháp phát huy các lò giết mổ gia súc tập trung

Trên địa bàn một số huyện, thành phố trong tỉnh, mặc dù đã được quan tâm đầu tư xây dựng lò giết mổ tập trung, nhưng hoạt động chưa thực sự hiệu quả, gây lãng phí. Trong khi đó, tình trạng giết mổ tại nhà, ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống của người dân trong khu vực vẫn diễn ra phổ biến.

Theo Chi cục Thú y tỉnh, toàn tỉnh hiện có 6 huyện, thành phố đã xây dựng được cơ sở giết mổ tập trung là huyện Sa Thầy, Ngọc Hồi, Đăk Glei, Đăk Hà, Đăk Tô và thành phố Kon Tum.

Tuy nhiên, đến nay, mới có 5 cơ sở được đưa vào hoạt động (thành phố Kon Tum chưa đưa vào hoạt động). Mỗi cơ sở giết mổ được đầu tư xây dựng với số vốn lên đến cả chục tỷ đồng. Hầu hết các cơ sở giết mổ tập trung chủ yếu được các huyện giao cho trung tâm môi trường và dịch vụ đô thị huyện quản lý, vận hành.

Trong quá trình vận hành, một số cơ sở hoạt động kém hiệu quả, chưa hoạt động hết công suất thiết kế.

Nguyên nhân do một số hộ dân chưa chấp hành nghiêm túc việc đưa gia súc vào giết mổ ở lò giết mổ tập trung, vẫn lén lút giết mổ ở nhà mà điển hình là ở huyện Ngọc Hồi, Đăk Glei, Đăk Hà. Một số hạng mục tại lò giết mổ tập trung của huyện Đăk Hà, Đăk Tô xuống cấp chưa được sửa chữa, gây khó khăn cho hoạt động giết mổ.

Đây cũng là cái cớ để một số hộ dân vin vào mà không thực hiện đưa gia súc vào lò giết mổ tập trung.

 

Lò giết mổ của thành phố vẫn chưa đưa vào sử dụng (Ảnh: HN)

Theo Phòng Kinh tế thành phố Kon Tum, quá trình triển khai vận hành hoạt động lò giết mổ gia súc, gia cầm gặp một số khó khăn. Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về quản lý lò giết mổ tập trung trên địa bàn nên khó khăn trong việc xác định cơ chế hoạt động.

Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Quản lý sử dụng tài sản công và Nghị định 151/2017 của Chính phủ, thì lò giết mổ tập trung được Nhà nước đầu tư xây dựng phải giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng và vận hành.

Tuy nhiên, nếu áp dụng thì giá cho thuê mặt bằng quá cao (phải tính giá trị tài sản, với giá trị đất vào để tính đơn giá cho thuê), vì vậy, chưa được sự thống nhất, đồng thuận của các hộ kinh doanh giết mổ.

Cũng vì các lý do trên nên đến nay, thành phố Kon Tum vẫn chưa thể đưa lò giết mổ tập trung vào hoạt động. Vì thế, hiện tại, các hộ dân trên địa bàn vẫn tổ chức giết mổ tại nhà và điều đó ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống của người dân trong khu vực.

Trước tình hình đó, mới đây, UBND thành phố Kon Tum có văn bản yêu cầu đẩy nhanh tiến độ đưa lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung vào hoạt động; yêu cầu Phòng Kinh tế thành phố phối hợp với đơn vị liên quan trước mắt bàn giao Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp quản lý vận hành lò giết mổ tập trung, sau đó tổ chức đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, đơn vị đủ năng lực quản lý để giao quản lý điều hành và nộp thuế cho Nhà nước theo quy định.

Nhằm làm tốt công tác kiểm soát giết mổ đảm bảo thịt gia súc, gia cầm đưa ra thị trường tiêu thụ an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và phát huy hiệu quả các lò giết mổ tập trung, các huyện, thành phố cần tiếp tục chỉ đạo chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác vận động, di dời các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vào các lò giết mổ tập trung.

Song song đó, sửa chữa, nâng cấp các hạng mục công trình bị xuống cấp ở lò giết mổ tập trung của các huyện, đảm bảo về tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động giết mổ.

Th. Hương

Bài liên quan

Cùng chuyên mục