Các đối tượng sử dụng các tài khoản ngân hàng do mua – bán, thuê trên mạng để thực hiện giao dịch chuyển tiền do lừa đảo mà có.
Cảnh báo mua bán tài khoản ngân hàng trên mạng
Vừa qua, Công an thành phố Hà Nội đã đưa ra lời cảnh báo về tình trạng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Thủ đoạn của các đối tượng thường là đăng tải thông tin trên các diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội về việc thuê, mua tài khoản ngân hàng hoặc tiếp cận với những người lao động có thu nhập thấp, người thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc sinh viên các trường cao đẳng, đại học, nhờ thuê mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền công với giá từ 500.000 - 1 triệu đồng.Cảnh bảo lừa đảo qua mua bán tài khoản ngân hàng
Sau khi mở tài khoản, chủ tài khoản phải bàn giao thông tin đăng nhập Internet Banking, sim điện thoại đăng ký tài khoản, thẻ ngân hàng… cho đối tượng. Đối tượng sẽ sử dụng các tài khoản ngân hàng này vào các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân cần hết sức lưu ý và cẩn trọng trong việc quản lý thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng của mình, tránh việc tiếp tay cho tội phạm hoặc liên đới đến các hành vi vi phạm pháp luật. Cần có những biện pháp đảm bảo an toàn thông tin cá nhân, không chia sẻ thông tin cá nhân hoặc thông tin tài khoản ngân hàng với người lạ trên không gian mạng; nói không với mọi lời đề nghị "cho thuê" hoặc "bán" tài khoản ngân hàng để hưởng lợi ích tài chính.
Nếu phát hiện bất kỳ hoạt động mua, bán tài khoản ngân hàng nào, công dân cần báo ngay với cơ quan công an để xử lý, giải quyết; đồng thời tìm hiểu về các rủi ro và hậu quả pháp lý liên quan đến việc "cho thuê" và "bán" tài khoản ngân hàng để tránh trở thành nạn nhân của tội phạm. Trong nhiều trường hợp, chủ tài khoản có thể bị coi là đồng phạm với đối tượng hoặc sẽ bị xử lý về “Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng” quy định tại Điều 291 Bộ Luật Hình Sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
"Người dân cần giữ bí mật thông tin cá nhân bằng cách không chia sẻ thông tin cá nhân hoặc thông tin tài khoản ngân hàng với người lạ trên không gian mạng" - Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo. Bên cạnh đó cảnh giác với lời đề nghị hấp dẫn, và nói không với mọi lời đề nghị “cho thuê” hoặc “bán” tài khoản ngân hàng để hưởng lợi ích tài chính.
Nếu phát hiện được bất kỳ hoạt động mua, bán tài khoản ngân hàng nào, công dân cần báo ngay lập tức với cơ quan công an để xử lý, giải quyết. Ngoài ra, người dân cần tăng cường việc cập nhật thông tin, cảnh báo từ cơ quan chức năng, đồng thời tìm hiểu về các rủi ro và hậu quả pháp lý liên quan đến việc “cho thuê” và “bán” tài khoản ngân hàng để tránh trở thành nạn nhân của tội phạm.
Bán hàng cộng tác viên online người phụ nữ bị lừa hàng trăm triệu
Theo Công an TP Hà Nội, vào ngày 06/4/2024, Cộng an huyện Đan Phượng tiếp nhận tin trình báo của chị H (SN 1997; trú tại: Đan Phượng, Hà Nội) về việc chị H có nhận được lời mời làm cộng tác viên online, chỉ cần làm nhiệm vụ tương tác sẽ được tiền hoa hồng. Chị H đã thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng và chuyển gần 200 triệu đồng để làm nhiệm vụ nhưng không rút được tiền ra. Phát hiện mình bị lừa, chị đã đến cơ quan Công an trình báo.
Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp, thông qua nhiều nguồn khác nhau, để kiểm chứng tính chính xác. Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Thiên Anh