Mặc dù, chỉ được cơ quan chức năng cấp phép là Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) với công dụng hỗ trợ nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng gan. Thế nhưng, trên nền tảng Internet sản phẩm TPBVSK Lifamax của Công ty CP Dược phẩm FAMAX lại đang được được quảng cáo như “thần dược”, có tác dụng “điều trị” các bệnh về gan.
Công ty CP Dược phẩm FAMAX quảng cáo "thổi phồng" công dụng TPBVSK Lifamax?
Dược phẩm Famax vi phạm quảng cáo?
Những năm gần đây, thị trường thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) có những bước tiến rất đáng kể. Thế nhưng, đánh vào thị hiếu khách hàng, nhiều sản phẩm TPBVSK bất chấp quy định pháp luật quảng cáo như thuốc chữa bệnh nhằm mục đích vụ lợi, khiến khách hàng như rơi vào ma trận, không biết thật giả. Thậm chí, nhiều người hiểu lầm thực phẩm bảo vệ sức khỏe chính là thuốc chữa bệnh.
Để chấn chỉnh tình trạng quảng cáo sai sự thật về công dụng của TPBVSK, cơ quan chức năng đã tiến hành thanh, kiểm tra và xử lý nhiều đơn vị, buộc tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đưa ra nhiều giải pháp xử lý vi phạm quảng cáo TPBVSK và thông tin tới dư luận.
Tuy nhiên, hành vi vi phạm ngày một tinh vi hơn. Điển hình, một số tổ chức, cá nhân có hành vi quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm; dùng hình ảnh bác sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng hoặc logo các đài truyền hình để lồng ghép nội dung quảng cáo trái phép, lừa dối người tiêu dùng về công dụng của thực phẩm bảo vệ sức khỏe...
Thời gian qua, thông qua đường dây nóng, toà soạn Thương hiệu và Công luận liên tục nhận được phản ánh về sản phẩm TPBVSK Lifamax do Công ty Cổ phần Dược phẩm Famax (Dược phẩm Famax) quảng cáo trên mạng xã hội có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi giới thiệu, quảng cáo sai công dụng gây hiểu nhầm là thuốc chữa bệnh.
Cụ thể, tại trang https://lifamax.vn/, sản phẩm Lifamax được giới thiệu là giải pháp thải độc gan hiệu quả; là sản phẩm cứu tinh cho người bị viêm gan, gan nhiễm mỡ, men gan cao, xơ gan, suy gan. Cũng theo giới thiệu, TPBVSK Lifamax có các thành phần là “thần dược” trong giải độc là Silymarin và Glutathione có hàm lượng cao bậc nhất lần lượt là 140mg – 150mg rất an toàn, không tăng cân, không tích nước, phù nề, không ảnh hưởng đến dạ dày; Hiệu quả thần tốc trong việc giải độc gan, giảm các bệnh lý về gan; Hiệu quả cho các tình trạng men gan cao, gan nhiễm mỡ, giúp cơ thể hồi phục, tăng sức đề kháng.
TPBVSK Lifamax đang được quảng cáo bằng các từ ngữ không đúng theo quy định của Luật Quảng cáo?
Ghi nhận của PV cũng cho thấy, trên website https://lifamax.vn/ và địa chỉ fanpage có tên "Lifamax - Giải độc mát gan chính hãng", sản phẩm Lifamax đang được đơn vị phân phối sản phẩm quảng cáo bằng những "mỹ từ" có cánh như: Lifamax thuộc Dược phẩm Famax là giải độc gan đầu tiên tại Việt Nam được FDA chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu và lưu hành sản phẩm tại Mỹ. Được Bộ Y Tế cùng các chuyên gia, Bác sĩ đầu ngành về tiêu hoá khuyên dùng như TS.BS Dương Xuân Nhương, Trưởng Khoa nội Tiêu hóa bệnh viện Quân Y 103 chứng nhận hiệu quả. Nhiều khách hàng và người nổi tiếng tin dùng như BLV Tạ Biên Cương.
Theo đó, sản phẩm này được BLV Tạ Biên Cương quảng cáo với rất nhiều công dụng thần kỳ cùng cam kết cứ “uống là khỏi”; Giải độc gan Lifamax là giải pháp được các chuyên gia, Bác sĩ khuyên dùng; Lifamax thuộc Dược phẩm Famax hiệu quả cho người bị men gan cao, gan nhiễm mỡ, người thường xuyên uống rượu bia và người có các bệnh lý về gan. Thành phần của Lifamax gồm những hoạt chất tốt cho gan như Silymarin, Glutathione, Cao Actiso, Vitamin B2, Vitamin C,… giúp giải độc gan, chống oxy hóa các gốc tự do gây hại, tăng sức đề kháng, phục hồi chức năng gan, tái tạo tế bào mới.
Cùng với đó, sản phẩm này cũng được mô tả là sản phẩm với bảng công thức đơn giản nhưng tập trung các thành phần chủ chốt, là giải pháp hiệu quả, an toàn cho người tiêu dùng với những công dụng sau: Hạ men gan, gan nhiễm mỡ, hỗ trợ các vấn đề viêm gan B, viêm gan C, xơ gan, suy gan; Hạn chế say nguội mệt mỏi sau nhậu, phục hồi chức năng gan; Nâng cao hệ miễn dịch, ngăn chặn virus xâm nhập; Giúp cơ thể hấp thu nhanh hơn, khỏe khoắn, tràn đầy năng lượng; Giải độc gan, thanh lọc cơ thể, giảm mụn nhọt, mề đay; Làm sáng da, hạn chế hình thành hắc tố da, giảm nám, sạm da.
Giới thiệu là sản phẩm hiệu quả thần tốc, trong khi đây chỉ là thực phẩm hỗ trợ
Cũng tại trang website https://lifamax.vn/, Dược phẩm Famax còn khẳng định TPBVSK Lifamax có hiệu quả thần tốc và cam kết: “Sau khoảng 7-10 ngày các tổn thương trên da như mẩn ngứa, mụn nhọt, vàng da sẽ giảm hẳn, biến mất; Sau 2-4 tuần các chỉ số men gan mỡ gan giảm dần, cơ thể hồi phục, thể trạng khỏe khoắn; Sau liệu trình các vấn đề, bệnh lý về gan sẽ được cải thiện rõ rệt, phục hồi được chức năng gan, tái tạo tế bào và hệ miễn dịch tăng cao”.
Những khẳng định và cam kết khỏi bệnh của sản phẩm Lifamax
Ngoài các lời quảng cáo đường mật nêu trên từ nhân vật nổi tiếng là BLV Tạ Biên Cương, trên các bài viết quảng cáo sản phẩm Lifamax còn sử dụng hình ảnh, video với sự xuất hiện của của TS. BS Dương Xuân Nhương, Trưởng Khoa nội Tiêu hóa, Bệnh viện Quân Y 103; Bác sĩ Phạm Minh Hiếu; Dược sĩ Thanh Nhàn,... Trong các bài viết theo lời quảng cáo của các y, bác sỹ nói trên đều khuyên người bị viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ, suy gan… sử dụng Lifamax.
Đặc biệt, hình ảnh TS. BS Dương Xuân Nhương, Trưởng Khoa nội Tiêu hóa, Bệnh viện Quân Y 103 luôn được Dược phẩm Famax được sử dụng để quảng cáo cho sản phẩm TPBVSK Lifamax lặp đi lặp lại rất nhiều lần.
Sử dụng hình ảnh TS. BS Dương Xuân Nhương, Trưởng khoa nội Tiêu hóa Bệnh viện Quân Y 103 để quảng cáo sản phẩm
Tuy nhiên, theo tìm hiểu, sản phẩm Lifamax được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp giấy phép công bố Thực phẩm bảo vệ sức khỏe số 2516/2023/ĐKSP ngày 15/03/2023 cho Công ty Cổ phần Dược phẩm FAMAX (MST: 0110037059) có địa chỉ tại số 16/122, ngõ 509 Vũ Tông Phan, Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội do ông Phạm Xuân Hoàng đại diện pháp luật. Sản phẩm TPBVSK Lifamax có công dụng Hỗ trợ giải độc gan, mát gan, bảo vệ gan; Hỗ trợ giảm các triệu chứng mụn nhọt, vàng da, mệt mỏi do chức năng gan kém.
Ở một khía cạnh khác, theo tra cứu từ kênh thông tin tên miền: https://whois.inet.vn thì website: https://lifamax.vn được đăng ký chủ sở hữu là Công ty Cổ phần Dược phẩm FAMAX từ ngày 26/12/2022 đến ngày 26/12/2025 quản lý tại nhà đăng ký Công ty TNHH phần mềm Nhân Hòa.
Công ty Cổ phần Dược phẩm Famax là chủ sở hữu website https://lifamax.vn/
Để có cái nhìn khách quan về sự việc, phóng viên Thương hiệu và Công luận đã liên hệ với Công ty Cổ phần Dược phẩm Famax. Tuy nhiên, sau nhiều ngày vẫn không nhận được phản hồi từ đơn vị này.
Đề nghị, Cục An toàn thực phẩm cần sớm vào cuộc kiểm tra, xác minh, rà soát để có những cảnh báo cho người tiêu dùng cũng như xử lý nghiêm những vi phạm trong quảng cáo TPCN của Công ty Cổ phần Dược phẩm Famax (nếu có) để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Những quy định về cấm quảng cáo gian dối, sai công dụng
Hoạt động quảng cáo là những tuyên bố, những cam kết của các doanh nghiệp với người tiêu dùng. Nhà quảng cáo hiện nay thông thường chú trọng nhiều hơn đến hình thức. Mâu thuẫn giữa quảng cáo và thực tế vẫn luôn là một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều sản phẩm bị suy giảm trên thị trường.Sản phẩm được quảng cáo có chứa thành phần thần dược giải độc
Những mâu thuẫn giữa quảng cáo và thực tế trên là do tiến hành các hoạt động quảng cáo không trung thực. Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Quảng cáo sai sự thật về một trong các nội dung số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, xuất xứ hàng hóa, chủng loại, bao bì, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của hàng hoá, dịch vụ”.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1, Điều 2 Luật Quảng cáo 2012 sửa đổi, bổ sung 2018 thì quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân.
Có thể hiểu, hành vi quảng cáo sai sự thật là hành vi do một cá nhân hay do tổ chức thực hiện hoạt động quảng cáo nhưng nội dung của quảng cáo lại không đúng với sự thật và việc đó có khả năng gây ảnh hưởng đến cá nhân hoặc tổ chức khác.
Ngoài ra, theo quy định tại điểm a, khoản 5, Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018 thì hành vi đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác bị xem là hành vi lôi kéo khách hàng bất chính thuộc vào nhóm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Từ quy định được nêu trên, ta có thể thấy nếu hành vi quảng cáo đó đưa ra thông tin gian dối (sai sự thật) nhằm mục đích chính là để các doanh nghiệp có thể thu hút khách hàng thuộc vào nhóm các hành vi bị cấm mà Luật cạnh tranh điều chỉnh.
Bản chất của các quy định trên đều là những quy định cụ thể về hành vi đưa thông tin truyền tải những thông tin không trung thực, sai sự thật về một loại hàng hóa, dịch vụ đến khách hàng. Nguyên tắc cơ bản của hoạt động thương mại nói riêng và giao dịch dân sự nói chung là nguyên tắc trung thực. Việc các thương nhân đưa ra những thông tin sai lệch, không đúng sự thật về chất lượng, số lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, xuất xứ hàng hóa, chủng loại, bao bì, phương thực phục vụ, thời hạn bảo hành của hàng hóa, dịch vụ dù dưới bất kỳ hình thức nào đều đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc trung thực trong hoạt động quảng cáo.
Hình ảnh TS. BS Dương Xuân Nhương, Trưởng Khoa nội Tiêu hóa, Bệnh viện Quân Y 103 được Dược phẩm Famax sử dụng để quảng cáo cho sản phẩm TPBVSK Lifamax lặp đi lặp lại rất nhiều lần.
Quảng cáo gian dối có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo quy định tại Điều 11 của Luật Quảng cáo 2012 sửa đổi, bổ sung 2018 quy định, rằng: Tổ chức có hành vi vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, mức phạt tiền đối với hành vi quảng cáo sai sự thật là mức phạt tiền đối với cá nhân theo quy định tại khoản 2, Điều 3 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP của Chính Phủ. Đối với trường hợp tổ chức có hành vi quảng cáo sai sự thật thì mức phạt tiền gấp 2 lần so với cá nhân cũng theo quy định tại khoản 2, Điều 3 nghị định này.
Ngoài xử phạt hành chính theo quy định trên, hành vi quảng cáo gian dối còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 197 Bộ luật hình sự 2015:
”Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Thiên Anh