Kế hoạch phát triển kinh tế số và xã hội số ngành ngân hàng bao gồm các nhiệm vụ cụ thể như phát triển thanh toán số theo hướng phổ cập tài chính toàn diện.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Quyết định số 1887/QĐ-NHNN phê duyệt “Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2022-2025”.
Kế hoạch nhằm tổ chức triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ của ngành Ngân hàng được giao tại Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2022-2025.
Theo đó, kế hoạch triển khai chuyển lược kinh tế số của ngành ngân hàng bao gồm 8 nhiệm vụ cụ thể.
Một là, phát triển thanh toán số theo hướng phổ cập tài chính toàn diện, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Tổ chức triển khai Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Hai là, hoàn thiện thể chế, rà soát xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật trong ngành Ngân hàng phù hợp với yêu cầu của phát triển kinh tế số, xã hội số; chú trọng xây dựng các chính sách để nâng tỷ lệ hoạt động trực tuyến chiếm tối thiểu 50% các hoạt động của ngành Ngân hàng; triển khai các nhiệm vụ thuộc nhóm nhiệm vụ “Xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng”.
Ba là, phát triển, sử dụng nền tảng số, xây dựng, tổ chức triển khai kế hoạch của ngành Ngân hàng thúc đẩy sử dụng các nền tảng số quốc gia; xác định các nền tảng số của ngành Ngân hàng và xây dựng kế hoạch cụ thể để phát triển và thúc đẩy sử dụng các nền tảng số của ngành Ngân hàng.
Bốn là, phát triển dữ liệu số, tiếp tục hoàn thiện nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp của NHNN nhằm lưu trữ tập trung, tổng hợp, phân tích, xử lý dữ liệu về phát triển kinh tế - xã hội từ các nguồn khác nhau; kết nối liên thông, mở chia sẻ dữ liệu, từ đó tạo ra thông tin mới, dịch vụ dữ liệu mới phục vụ Chính phủ số; đẩy mạnh công tác số hóa, xay dựng cơ sở dữ liệu để phục vụ hoạt động quản lý, điều hành tiền tệ - ngân hàng của NHNN.
Năm là, đảm bảo an toàn thông tin và an ninh mạng, đảm bảo yêu cầu an toàn thông tin mạng mặc định ngay từ khâu thiết kế, xây dựng khi phát triển các hạ tầng số, nền tảng số; phát triển nền tảng và tổ chức triển khai dịch vụ an toàn thông tin mạng theo mô hình bảo vệ 4 lớp.
Sáu là, phát triển kỹ năng số, công dân số, văn hóa số: Tổ chức triển khai Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” ban hành tại Quyết định 1033/QĐ-NHNN.
Bảy là, phát triển doanh nghiệp số: Xây dựng và ban hành Chương trình xác định Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đối số doanh nghiệp và Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số của ngành Ngân hàng để triển khai Quyết định số 1970/QĐ-BTTTT ngày 13/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Đề án xác định Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số; Sử dụng Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp để làm thước đo chuyển đổi số của các TCTD. Định kỳ tổ chức khảo sát đánh giá mức độ chuyển đổi số của các TCTD.
Tám là, một số nhiệm vụ, giải pháp khác như: Hợp tác với doanh nghiệp nền tảng số trong việc nghiên cứu, phát triển các nền tảng số xuất sắc, chất lượng cao; triển khai các chương trình truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người dân trong sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng trên nền tảng số; hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế số, xã hội số…
Duy Khánh