Thời gian qua, hoạt động sở hữu trí tuệ ngày càng gắn kết và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phát triển tài sản trí tuệ ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia và các địa phương.
Theo số liệu từ Cục Sở hữu trí tuệ, năm 2023, số lượng đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp tăng khá cao (8,5%), trong đó đơn sáng chế tăng 10,6%, đơn kiểu dáng công nghiệp tăng 11,8%; kết quả xử lý đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp tăng 13,2% so với năm 2022.
Nhiều hoạt động thiết thực được triển khai
Ở Trung ương, công tác phát triển tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được Cục Sở hữu trí tuệ quan tâm, thúc đẩy triển khai. Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tích cực tham gia triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Kế hoạch phối hợp giữa Bộ KH&CN, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chương trình OCOP...
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Bến Lức Long An” cho sản phẩm chanh không hạt
Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã tích cực tham gia có ý kiến nhằm đề xuất cơ chế chính sách, giải pháp thúc đẩy công tác phát triển tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo các Nghị quyết của Đảng và kế hoạch thực hiện của Chính phủ; tham dự các buổi làm việc của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ với các địa phương về nội dung liên quan đến phát triển tài sản trí tuệ.
Trong năm 2023, Cục đã có văn bản tư vấn, hỗ trợ xây dựng, triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ cho nhiều địa phương. Cục cũng đã tham gia ý kiến nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, tổ chức triển khai các Chương trình KH&CN cấp quốc gia để bảo đảm tương thích với lĩnh vực sở hữu trí tuệ; phối hợp với Văn phòng OCOP quốc gia khảo sát nhu cầu đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài cho các sản phẩm OCOP.
Trong khuôn khổ Dự án TISC do WIPO (Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới) bảo trợ, đã có 2 lớp tập huấn về quản trị tài sản trí tuệ cho 46 học viên và 4 lớp tập huấn về tra cứu thông tin và thủ tục đăng ký sáng chế cho 270 học viên thuộc Mạng lưới TISC được tổ chức.
Triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, trong năm 2023, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục triển khai Chương trình theo kế hoạch được phê duyệt. Theo đó, đã tổ chức quản lý, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện 32 dự án thuộc Chương trình; hoàn thành xây dựng và trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho 24/26 dự án được đề xuất. Cục cũng đã hoàn thành việc tổ chức thẩm định 22 đề xuất dự án và đã thông qua 9 dự án và trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt cho triển khai trong năm 2024.
Ở địa phương, các Sở KH&CN luôn là một địa chỉ tin cậy để người nộp đơn, doanh nghiệp đề nghị giúp đỡ, tư vấn hướng dẫn, hỗ trợ về các thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp. 3 lớp tập huấn về sở hữu trí tuệ đã được tổ chức tại Hà Nội, TP. HCHM và Đà Nẵng, 150 lượt học viên tham dự.
Năm 2023, theo báo cáo đã có hơn 4.500 lượt cá nhân, tổ chức được các Sở KH&CN tư vấn, hướng dẫn về sở hữu công nghiệp, trong đó có 4.141 lượt về nhãn hiệu, 168 lượt về kiểu dáng công nghiệp, 172 lượt về sáng chế và hàng trăm lượt về các đối tượng khác sở hữu trí tuệ. Một số địa phương đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong công tác này như Bình Dương, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Gia Lai...
Đến nay, đã có 42 tỉnh, thành phố ban hành các cơ chế, chính sách phát triển tài sản trí tuệ dưới các hình thức khác nhau. Trong năm 2023, đã có 168 dự án được các địa phương triển khai thực hiện với 153 sản phẩm đặc thù địa phương được hỗ trợ bảo hộ, quản lý quyền sở hữu công nghiệp, 253 doanh nghiệp và 283 tổ chức tập thể được hỗ trợ, 146 lớp tập huấn về sở hữu trí tuệ được tổ chức với 10.935 lượt người tham dự.
Qua báo cáo của các địa phương cho thấy, hiện nhiều địa phương có nhu cầu tiếp tục được Cục Sở hữu trí tuệ hướng dẫn, hỗ trợ trong hoạt động đăng ký xác lập quyền trong và ngoài nước, quản lý và khai thác các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận dùng cho các đặc sản của địa phương; hỗ trợ địa phương được tham gia thực hiện các dự án trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động sở hữu trí tuệ
Theo đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, nhằm phát huy những kết quả nêu trên, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động sở hữu trí tuệ trong thời gian tới, một số nhiệm vụ cơ bản đã được Cục đề ra như sau:
Tổ chức triển khai có hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành; tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các Quy chế thẩm định đơn sở hữu công nghiệp theo hướng tối ưu hóa quy trình xử lý đơn.
Xây dựng và triển khai Kế hoạch xử lý đơn sở hữu công nghiệp nhằm thực hiện Nghị quyết số 100/2023/QH15 của Quốc hội, hướng đến năm 2027 đưa thời gian thẩm định đơn về đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sở hữu trí tuệ
Tăng cường công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Hoàn thành triển khai Dự án Hiện đại hóa Hệ thống công nghệ thông tin, Phần mềm dịch vụ công trực tuyến và phần mềm tra cứu phục vụ thẩm định đơn sở hữu công nghiệp; đẩy mạnh việc xây dựng Chính phủ điện tử; xây dựng lại cơ sở dữ liệu sở hữu công nghiệp.
Tăng cường quản lý nhà nước về công tác phát triển tài sản trí tuệ; tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trong Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030, Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 và Kế hoạch phối hợp hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài cùng các Chương trình quốc gia khác, ưu tiên việc xem xét hỗ trợ các địa phương, chương trình hợp tác giữa Bộ với các tỉnh, và hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho các doanh nghiệp.
Đổi mới cách thức tổ chức các hoạt động nghiên cứu, đào tạo và tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ…
Minh Anh