Siết chặt chất lượng hàng hóa trên sàn thương mại điện tử

Việc phát triển mạnh mẽ của các website thương mại điện tử đã đem lại rất nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều này cũng khiến không ít khách hàng mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Theo Bộ Công Thương, hiện nay cơ chế hoạt động của các sàn thương mại điện tử chỉ nắm giữ khâu trung gian, bất cứ đơn vị bán hàng nào cũng có thể thuê tài nguyên, không gian online để kinh doanh. Vì vậy, nhiều đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để buôn bán hàng giả, hàng lậu trên các sàn thương mại điện tử.

Một số khác thì thường có trình độ và am hiểu nhất định về công nghệ thông tin nên lợi dụng để lẩn tránh cơ quan chức năng, xóa bỏ dấu vết giao dịch, ẩn danh trên mạng internet, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc xác minh thông tin, chứng cứ vi phạm để kịp thời xử lý.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội Trần Việt Hùng cho biết, qua tổng kết công tác kiểm tra, xử lý vi phạm những năm qua trong lĩnh vực thương mại điện tử, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội gặp một số khó khăn, vướng mắc như chủ thể tham gia bán, chào bán hàng hóa là hàng giả, hàng nhập lậu, hàng cấm chủ yếu là cá nhân hoặc một nhóm đối tượng (có nhiều trường hợp là học sinh, sinh viên đang theo học hoặc mới tốt nghiệp ra trường).

Các trang mạng, wesite thương mại điện tử thường sử dụng các hình ảnh của hàng thật, hàng chính hãng hoặc của các shop có uy tín để quảng cáo, chào bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với các cửa hàng, địa chỉ bán hàng chính hãng nhằm lôi kéo người tiêu dùng có nhu cầu mua sắm.

Cá biệt trên các trang mạng xã hội chào bán hàng cấm kinh doanh là các loại thuốc chưa được phép lưu hành, thuốc lá điếu, xì gà nhập lậu. Hàng hóa thường được nhập theo đường tiểu ngạch, xách tay hoặc không rõ nguồn gốc...Sau đó, khi người tiêu dùng đồng ý mua thì tiếp tục sử dụng các công cụ thanh toán trung gian không dùng tiền mặt (chuyển khoản, sử dụng thanh toán QR) hoặc dịch vụ giao nhận, vận chuyển và phát hàng hóa kèm thu tiền để giao hàng cho khách hàng nhưng thực tế hàng hóa bán là hàng giả, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Ngoài ra, còn có hiện tượng người nổi tiếng tiếp tay cho các đối tượng quảng bá những sản phẩm kém chất lượng trên các mạng xã hội theo hình thức livestream, bán hàng trực tiếp để thu hút người tiêu dùng, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng cần có sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan. Hằng năm, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội đều xây dựng, ban hành kế hoạch kiểm tra định kỳ, kế hoạch chuyên đề để tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử; chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tích cực phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử, các cơ quan công an, các cơ quan truyền thông, các tổ chức,cá nhân chủ sở hữu trang thông tin điện tử để tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về thương mại điện tử.

Đồng thời, thông qua đó tuyên truyền, khuyến cáo các doanh nghiệp, cá nhân không kinh doanh, chào bán hàng giả, hàng cấm trên mạng; kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng giả theo quy định của pháp luật.

Việt Anh

Bài liên quan

Cùng chuyên mục