PV: Thưa ông, những năm qua, đại dịch Covid-19 đã khiến không ít doanh nghiệp lao đao, sức mua của người tiêu dùng sụt giảm, VATAP đã có những phương án cụ thể nào để góp phần phục hồi nền kinh tế?
Chủ tịch VATAP Nguyễn Đăng Sinh: Trong thời gian giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19 bùng phát, một số doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhà sản xuất đã phải ngừng hoạt động, khiến nhiều mặt hàng tiêu dùng trở nên khan hiếm. Lợi dụng việc này, nhiều cơ sở đã làm hàng giả, kém chất lượng tung ra thị trường. Hàng hóa, sản phẩm giả này đã khiến người tiêu dùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tài chính.
Nắm bắt được thực tế trên, VATAP đã có ngay những hành động quyết liệt, cụ thể như: thông báo đến các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội về những mặt hàng, sản phẩm bị làm giả, kém chất lượng liên quan đến doanh nghiệp, để các doanh nghiệp, nhà sản xuất có phương án ứng phó kịp thời; khuyến cáo người tiêu dùng nâng cao cảnh giác, kiểm tra kỹ hàng hóa khi mua, đặc biệt là các loại hàng hóa được giao dịch mua bán qua các sàn thương mại điện tử hay các trang mạng bán hàng trực tuyến.
Cùng với đó, VATAP thường xuyên cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước tiến hành kiểm tra, thu giữ một lượng lớn hàng giả, hàng kém chất lượng. Những hành động cụ thể này đã góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng cũng như uy tín, thương hiệu của các doanh nghiệp.
Đặc biệt, VATAP đã tổ chức nhiều hội thảo, chương trình giao lưu giữa các doanh nghiệp với bộ, ban, ngành liên quan để tìm ra những phương án tối ưu, tháo gỡ khó khăn, giúp các doanh nghiệp nhanh chóng ổn định sản xuất trở lại, từng bước góp phần phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.
PV: Để tiếp tục bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và tôn vinh thương hiệu Việt, VATAP đã triển khai những phương án mới và thiết thực nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Đăng Sinh: Ngay từ đầu năm 2022, Hiệp hội đã tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề về chống hàng giả, hàng kém chất lượng liên quan đến lĩnh vực thuốc chữa bệnh, thực phẩm, thực phẩm chức năng. Có thể nói, đây là những vấn đề rất nhạy cảm, bởi nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng.
Từ nhận thức trên, VATAP đã nỗ lực kết nối với nhà sản xuất và các cơ quan chức năng, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, đặc biệt là Tạp chí Thương hiệu & Công luận (Cơ quan ngôn luận của VATAP) để đăng tải những thông tin trung thực về chất lượng của các loại hàng hóa, thực phẩm… giúp người tiêu dùng có những lựa chọn chính xác, yên tâm sử dụng; từ đó, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
VATAP cũng thường xuyên gửi đến các doanh nghiệp, nhà sản xuất là thành viên Hiệp hội cũng như doanh nghiệp ngoài Hiệp hội những thông tin mới nhất về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu… Với vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước, VATAP đã phát huy tối đa năng lực hiện có để hướng dẫn các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm các quy định về pháp lý, hoàn thiện quy trình sản xuất, quản trị doanh nghiệp…. từ đó, giúp các doanh nghiệp khẳng định thương hiệu của mình và nhanh chóng hội nhập vào chuỗi cung ứng chung của nền kinh tế.
Trong những tháng cuối năm 2022, VATAP sẽ phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ, Cục Xúc tiến thương mại tổ chức các khóa tập huấn cho doanh nghiệp với các chuyên đề về xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Hiệp hội cũng tiến hành các thủ tục pháp lý, tư vấn để các doanh nghiệp có đủ điều kiện được công nhận là Thương hiệu quốc gia. Các doanh nghiệp khi được Bộ Công thương lựa chọn, công nhận đạt chuẩn Thương hiệu quốc gia sẽ là một lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
PV: Trên cương vị Chủ tịch VATAP, ông đánh giá như thế nào về nhận thức, năng lực và phương pháp của các doanh nghiệp trong nước khi họ tham gia vào quá trình chuyển đổi số quốc gia. VATAP có chủ trương cụ thể nào hỗ trợ các doanh nghiệp để họ vững tin khi tham gia hội nhập nền kinh tế số, thưa ông?
Chủ tịch Nguyễn Đăng Sinh: Theo nhận định của cá nhân tôi, thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vẫn đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp. Việc các doanh nghiệp chậm trễ hoặc gặp khó khăn khi tham gia vào quá trình chuyển đổi số quốc gia có một phần nguyên nhân do chi phí cho quy trình số hóa dữ liệu, chuyển đổi số là khá lớn. Cùng với đó, đội ngũ nhân viên vận hành hệ thống thông tin dữ liệu của doanh nghiệp chưa được tập huấn, trang bị kỹ năng để hỗ trợ họ trong quá trình số hóa dữ liệu cho doanh nghiệp của mình.
Nắm bắt được thực tế trên, VATAP đã lên kế hoạch hỗ trợ, đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, từ đó giúp doanh nghiệp vững tin hội nhập vào nền kinh tế số quốc gia.
Một việc làm cụ thể sẽ được VATAP thực hiện ngay trong tháng 10 năm nay là tổ chức hội thảo khoa học về Chuyển đổi số - Kinh tế số cho doanh nghiệp là thành viên Hiệp hội và cả các doanh nghiệp ngoài Hiệp hội. Hội thảo dự kiến sẽ được tổ chức tại thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) với sự tham gia của nhiều Viện nghiên cứu chuyên ngành, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Chuyển đổi số và Kinh tế số.
VATAP tin tưởng rằng, sau khi tham dự hội thảo, các doanh nghiệp sẽ nắm bắt được những yếu tố quan trọng, thiết thực nhất về quy trình chuyển đổi số. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ đưa ra được định hướng, phương án chuyển đổi số thích hợp và hiệu quả cho doanh nghiệp của mình. VATAP cũng đã xây dựng nhiều phương án hỗ trợ doanh nghiệp thành viên, để từng bước doanh nghiệp khẳng định thương hiệu của mình trong nền kinh tế số quốc gia.
PV: Nhân dịp Kỷ niệm 10 năm ngày Thương hiệu và Công luận xuất bản ấn phẩm đầu tiên, Chủ tịch có chia sẻ gì cùng Ban Biên tập?
Chủ tịch VATAP Nguyễn Đăng Sinh: Nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày Tạp chí Thương hiệu và Công luận xuất bản ấn phẩm đầu tiên, tôi ghi nhận những nỗ lực của Ban Biên tập, cán bộ, phóng viên, biên tập viên Tạp chí.
Tạp chí luôn làm tốt vai trò là cơ quan ngôn luận của Hiệp hội, thể rõ vai trò tiên phong trên mặt trận thông tin, tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến lĩnh vực kinh tế. Cùng với đó, Tạp chí cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp làm tốt công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Sự phối hợp trên được thể hiện rõ nét qua việc Tạp chí thường xuyên chủ động cung cấp thông tin về hàng giả, hàng kém chất lượng cho các cơ quan chức năng, góp phần mang lại niềm tin cho người tiêu dùng.
Với tốc độ phát triển vượt bậc của chương trình chuyển đổi số quốc gia, cũng như để hội nhập nền kinh tế số toàn cầu, tôi mong muốn trong thời gian tới, Tạp chí TH&CL sẽ làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp thành viên Hiệp hội cũng như các doanh nghiệp khác nhanh chóng thích ứng và có những phương án tối ưu để tự tin hội nhập nền kinh tế số toàn cầu.