Vì sao TPBank “ồ ạt” mua lại trước hạn 6 lô trái phiếu giá trị 5.650 tỷ đồng?

Theo đại diện TPBank, tùy theo nhu cầu sử dụng vốn, lãi suất thị trường tại thời điểm được phép bán - mua lại mà nhà đầu tư hoặc TPBank có thể xem xét việc tiếp tục duy trì hay mua - bán lại trước hạn.

“Ồ ạt” mua lại trái phiếu TPBank

Những ngày qua, thông tin Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank) “ồ ạt” mua lại 6 lô trái phiếu với tổng giá trị 5.650 tỷ đồng được nhà đầu tư quan tâm.

Cụ thể, tháng 4/2022, TPBank mua lại trước hạn toàn bộ lô trái phiếu mã TPBANKBOND_A4_160420_3Y_2, phát hành ngày 16/4/2020, đáo hạn ngày 16/4/2023, giá trị 800 tỷ đồng.

Đến tháng 5/2022, TPBank mua lại trước hạn toàn bộ lô trái phiếu mã TPBL2124001, ngày phát hành 5/5/2021, đáo hạn ngày 5/5/2024, giá trị 1.000 tỷ đồng.

Tháng 6/2022, TPBank liên tiếp mua lại trước hạn toàn bộ 3 lô trái phiếu, gồm: mã TPBL2124007, phát hành ngày 23/6/2021, ngày đáo hạn 23/6/2024, giá trị 1.000 tỷ đồng; mã TPBL2124008, phát hành ngày 28/6/2021, đáo hạn ngày 28/6/2024, giá trị 1.000 tỷ đồng; mã TPBL2124009 phát hành ngày 29/6/2021, đáo hạn ngày 29/6/2024, giá trị 1.100 tỷ đồng.

Gần đây nhất, TPBank đã mua lại toàn bộ 750 tỷ đồng trái phiếu trước hạn thuộc lô trái phiếu TPBL2124015, ngày phát hành 29/9/2021, ngày đáo hạn 29/9/2024.

Như vậy, từ tháng 4-9/2022, TPBank đã mua lại trước hạn 6 lô trái phiếu với tổng giá trị 5.650 tỷ đồng. Cả 6 lô trái phiếu này đều có kỳ hạn 3 năm, được phát hành với mục đích phát triển hoạt động kinh doanh của TPBank với lãi suất chủ yếu 3%/năm. Trái phiếu của TPBank là loại trái phiếu không chuyển đổi, không phải là nợ thứ cấp, không có đảm bảo bằng tài sản và không kèm theo chứng quyền.

Một số chuyên gia cho rằng, việc các doanh nghiệp phát hành mua lại trái phiếu trước hạn có một phần nguyên nhân đến từ việc Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 153 về chào bán trái phiếu riêng lẻ có hiệu lực vào 16/9/2022 đã bổ sung một nội dung quan trọng liên quan đến vấn đề này.

Nghị định 65 có quy định doanh nghiệp bắt buộc phải mua lại trái phiếu trước hạn khi vi phạm phương án phát hành (trong đó có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, trước và sau khi phát hành trái phiếu, doanh nghiệp phải công bố thông tin về khả năng đảm bảo thanh toán, báo cáo kiểm toán tình hình tài chính và kiểm toán tình hình sử dụng vốn theo mục đích phát hành công bố. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã tăng cường mua lại nhằm giảm áp lực đáo hạn và giải quyết các lô trái phiếu có thể gặp bất lợi bởi quy định mới.

Tuy nhiên, đại diện TPBank cho biết, việc mua bán, chuyển nhượng, mua lại trước hạn trái phiếu do TPBank phát hành được TPBank thực hiện theo thỏa thuận tại cáo bạch phát hành trái phiếu ngay trước khi phát hành.

Theo đó, “nhà đầu tư có thể bán lại trước hạn” hoặc “TPBank có thể mua lại trước hạn” đều đã được công bố rõ ràng từ đầu. Tùy theo nhu cầu sử dụng vốn, lãi suất thị trường tại thời điểm được phép bán - mua lại mà nhà đầu tư hoặc TPBank có thể xem xét việc tiếp tục duy trì hay mua - bán lại trước hạn.

“Việc này hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ thị trường” - đại diện TPBank khẳng định.

“Dồn dập” phát hành thêm 10 lô trái phiếu giá trị 6.400 tỷ đồng

Song song với việc mua lại trước hạn 6 lô trái phiếu giá trị 5.650 tỷ đồng, TPBank lại “dồn dập” phát hành thêm 10 lô trái phiếu khác cùng có thời hạn 3 năm với tổng giá trị gần 6.400 tỷ đồng.

Cụ thể, từ 23-26/5, TPBank đã phát hành lần lượt 8 lô trái phiếu TPBL2225001, TPBL2225002, TPBL2225003, TPBL2225004, TPBL2225005, TPBL2225006, TPBL2225007, TPBL2225008 có tổng giá trị gần 5.000 tỷ đồng.

Ngày 21/7, TPBank tiếp tục phát hành lô trái phiếu TPBL2225009 có giá trị 1.100 tỷ đồng; ngày 8/9, phát hành lô trái phiếu TPBL2225010 với giá trị 300 tỷ đồng.

Nói về việc liên tiếp phát hành 10 lô trái phiếu này, đại diện TPBank cho hay, các lô trái phiếu được phát hành với mục đích phát triển hoạt động kinh doanh của TPBank với lãi suất chủ yếu 3%/năm.

Theo thống kê, TPBank hiện đang còn lưu hành 76 lô trái phiếu với tổng giá trị hơn 26.000 tỷ đồng. Các lô trái phiếu này được phát hành từ năm 2017 đến nay, có kỳ hạn từ 3-10 năm tùy lô. Lô thấp nhất có giá trị một tỷ đồng và cao nhất có giá trị tới 1.500 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022 của TPBank cho thấy, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2022 của TPBank đạt 5.926 tỷ đồng, tăng gần 35% so với cùng kỳ và thực hiện 72% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Hồi tháng 9/2022, TPBank được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s Investors Service (Moody’s) nâng xếp hạng tín nhiệm lên mức Ba3, triển vọng ổn định. Đây là mức xếp hạng cao của Moody’s và chỉ có một vài ngân hàng tại Việt Nam được nâng xếp hạng trong đợt đánh giá này.

Theo tìm hiểu, TPBank còn là cổ đông lớn nhất của Chứng khoán Tiên Phong (TPS - Mã: ORS), tỷ lệ sở hữu cổ phần chiếm 9,01% vốn điều lệ. Với đà rơi của cổ phiếu ORS từ đầu năm đến nay, giá trị cổ phần của TPBank tại TPS đã “bốc hơi” hơn 200 tỷ đồng.

Cũng trong tháng 9/2022, TPS bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 250 triệu đồng vì những vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Hồng Anh

Bài liên quan

Cùng chuyên mục