Xu hướng nào dẫn đầu thương mại điện tử 2024?

Theo dự báo, năm 2024, doanh số thương mại điện tử (TMĐT) thế giới đạt 6.300 tỷ USD, tăng 9,4%. Tại Việt Nam, doanh thu và sản lượng bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến tiếp tục tăng mạnh, có thể đạt hơn 310.000 tỷ đồng, tăng trưởng 35%. Vậy, xu hướng nào sẽ dẫn đầu TMĐT 2024?

Thực tế ảo hay sự cải thiện của ngành logistics - sẽ góp phần tạo ra những xu hướng thương mại điện tử mới năm 2024

Thực tế ảo hay sự cải thiện của ngành logistics - sẽ góp phần tạo ra những xu hướng thương mại điện tử mới năm 2024

Doanh thu dự kiến tăng trưởng 35%

Có thể nói, TMĐT đã khẳng định là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong DN. Hoạt động TMĐT tiếp tục phát triển - trở thành kênh phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông trong và ngoài nước, hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả lượng lớn nông sản, thực phẩm cho người nông dân và DN, nhất là vào vụ thu hoạch. Cùng với đó, nhiều DN tăng trưởng đột phá nhờ ứng dụng TMĐT, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới tăng cao.

Năm 2023, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam ước đạt 20,5 tỷ USD, chiếm 8% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước, đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 25%/năm (tương ứng mức tăng 4 tỷ USD so 2022). Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong DN.

Các chuyên gia dự báo, năm 2024, TMĐT sẽ tăng vọt và mang đến cho DN cơ hội mới để tiếp cận, thu hút khách hàng. Các nền tảng mạnh xã hộ như Facebook, Instagram, TikTok… đã cung cấp trải nghiệm mua sắm liền mạch, cho phép người dùng mua hàng mà không cần rời khỏi ứng dụng.

Theo báo cáo do Metric (Nền tảng Số liệu TMĐT dành cho DN, thương hiệu và nhà bán lẻ) công bố mới đây, các gian hàng chính hãng từ Trung Quốc và Hàn Quốc ngày càng được quan tâm trên các sàn bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam. Nhưng vấn đề lớn nhất để TMĐT Việt Nam phát triển, chính là việc có được các giải pháp mạnh nhằm hạn chế được nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Thực tế, việc các sàn giao dịch TMĐT tổ chức ra chợ để mua bán, nhưng lại từ chối trách nhiệm đảm bảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ, khiến tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan, ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín của các thương hiệu kinh doanh chân chính nói riêng và toàn bộ nền kinh tế TMĐT nói chung. Nếu các sàn TMĐT vẫn không yêu cầu người bán công khai thông tin, công ty chuyển phát không phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc hàng hóa, thì việc phát triển TMĐT vẫn gặp nhiều khó khăn.

Một lý do khác cũng ảnh hưởng tới sự phát triển của TMĐT Việt Nam đó là tâm lý lên sàn TMĐT - chỉ để mua những sản phẩm giá rẻ vẫn còn “ăn sâu” trong không ít NTD Việt.

Phân tích của Metric cho thấy, các sàn TMĐT đang phát triển nhanh ở các ngành hàng giá trị sản phẩm thấp, phần lớn dưới 500.000 đồng. Trên 5 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam hiện nay (Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop và Sendo), các mặt hàng có giá trị trong khoảng 200.000 - 350.000 đồng, chiếm tỷ lệ 14% tổng doanh thu, chiếm thị phần cao nhất. Đứng ngay phía sau là các mặt hàng có bán - nằm trong khoảng từ 50.000 - 100.000 đồng, chiếm tỷ lệ 12% tổng doanh thu.

Định hướng thị trường TMĐT năm 2024, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số Lê Hoàng Oanh khẳng định, mục tiêu phát triển TMĐT, không chỉ dừng lại ở việc phát triển nhanh, mà phải tập trung ở yếu tố bền vững. Cùng với đó, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp lý, tăng cường quản lý hoạt động TMĐT để chống hàng giả, hàng nhái; thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, tăng cường bảo vệ môi trường; khắc phục hạn chế của hạ tầng TMĐT liên quan tới logistics, thanh toán…

Cục trưởng Lê Hoàng Oanh nhấn mạnh: “Bộ Công Thương sẽ tiếp tục ban hành các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số; triển khai cơ sở dữ liệu về công nghiệp và thương mại; xây dựng trục hợp đồng điện tử, nền tảng thương mại không giấy tờ; tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trên TMĐT, quy tắc ứng xử trên môi trường kinh doanh mạng và trên nền tảng TMĐT”.

Xu hướng nào tiên phong?

Năm 2024, tiếp tục được dự báo sẽ là quãng thời gian bùng nổ của thị trường TMĐT. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc cơ hội tăng trưởng dành cho tất cả DN.

Nếu như giai đoạn 2016 - 2018, bất kỳ DN nào chuyển hướng lên sàn, cũng dễ dàng có được lợi nhuận thì vài năm trở lại đây, khi các sàn mua sắm trực tuyến điều chỉnh luật chơi và người chơi cũng sành sỏi hơn, thì những DN trụ lại, đều “chơi” có chiến lược bài bản, rõ ràng.

Về những xu hướng phát triển TMĐT 2024, báo cáo Metric cho biết, đầu tiên đó là xu hướng “DTC - direct to consumer (trực tiếp đến người tiêu dùng) - tiếp tục phổ biến hơn”. Theo đó, thay vì sử dụng các nhà phân phối, giờ đây DN sản xuất sẽ bán hàng trực tiếp tới tay người tiêu dùng trên các sàn TMĐT. Điều này, cho phép nhà sản xuất kiểm soát toàn diện quy trình hoạt động như sản xuất, marketing và bán hàng. Đồng thời, chi phí trung gian giảm tới mức tối đa, giúp biên lợi nhuận cao hơn.

Chẳng hạn, nếu áp dụng mô hình B2B2C (business to business to customer), họ sẽ phải bỏ ra từ 35 - 40% chi phí trên giá thành sản phẩm dành cho các đại lý. Trường hợp bán trực tiếp trên sàn TMĐT, họ sẽ chỉ tốn mức phí thấp hơn rất nhiều (chưa đến 10%). Với số tiền dư ra đó, họ có thể trừ trực tiếp vào giá bán, hoặc đầu tư cho tính năng sản phẩm. 

“Việc các nhà sản xuất mở rộng thị trường kinh doanh sang nền tảng TMĐT, dự báo cuộc chiến về giá sẽ tiếp tục khốc liệt trong năm 2024”, báo cáo Metric nhấn mạnh.

Một xu hướng khác đó là trí tuệ nhân tạo, học máy và phân tích dữ liệu lớn tiếp tục lên ngôi. Những công nghệ này, giúp thương hiệu gia tăng doanh thu và thị phần, dựa trên số liệu phân tích xác thực, đặc biệt trong các giai đoạn khó khăn của thị trường. Người quản lý DN sẽ hiểu rõ hơn những gì người tiêu dùng muốn, chuyển biến của thị trường. Từ đó, tạo ra cơ hội giúp DN có bước đi chắc chắn, giảm thiểu rủi ro và ra quyết định nhanh hơn đối thủ.

Tiếp đến là xu hướng “Tiêu dùng bền vững” - xu hướng tiêu dùng có trách nhiệm không bỏ qua TMĐT. Người tiêu dùng có cảm tình và ưu tiên sử dụng các sản phẩm của thương hiệu, thể hiện trách nhiệm với môi trường và xã hộI, thay vì chỉ mức giá thấp hoặc được giảm giá sâu.

Thậm chí, họ sẵn sàng trả thêm tiền cho các DN thực hiện tốt trách nhiệm này. Ở chiều ngược lại, người dùng có xu hướng từ chối sử dụng sản phẩm, nếu DN có liên quan tới các hoạt động tiêu cực tới môi trường, hoặc có các hành vi không chuẩn mực trong quản lý (ví dụ phân biệt đối xử hoặc trả lương không công bằng, sử dụng lao động vị thành niên...).

Một số tiêu chí DN có thể tập trung trong năm 2024 như tạo thêm sản phẩm thân thiện môi trường, sử dụng vật liệu đóng gói bền vững, tìm nguồn sản phẩm từ nhà cung cấp có đạo đức...

“Thời gian sử dụng điện thoại di động của Baby Boomers đã tăng từ 37 phút/ngày, lên 2,5 giờ/ngày trong năm 2023. Thời lượng sử dụng mạng xã hội cũng tăng 68%, lên gần 90 phút mỗi ngày”, theo ông Andy Childs, Giám đốc chiến lược của Meta…

Phan Chinh

Bài liên quan

Cùng chuyên mục