Phú Yên: Nâng cao trách nhiệm toàn dân trong bảo đảm an toàn thực phẩm

Tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Vì vậy, công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý của các cấp, ngành, cũng như ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng cần được phát huy mạnh mẽ hơn nữa.

Theo Cục Quản lý thị trường, thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn tình còn phổ biến, có nhiều cơ sở kinh doanh mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Lực lượng quản lý thị trường liên tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cả trên môi trường mạng và truyền thống. Qua đó, phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm.

Phú Yên: Nâng cao trách nhiệm toàn dân trong bảo đảm an toàn thực phẩmPhú Yên: Nâng cao trách nhiệm toàn dân trong bảo đảm an toàn thực phẩm

Liên quan đến vi phạm về an toàn thực phẩm, trong đợt triển khai hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, toàn tỉnh đã thành lập 120 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm tuyến tỉnh, huyện, xã; tổ chức kiểm tra tại 2.062 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Kết quả có 1.993 cơ sở đạt yêu cầu, 14 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm; trong đó có 13 cơ sở bị xử lý, phạt tiền hơn 30 triệu đồng.

Theo đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, công tác quản lý an toàn thực phẩm của tuyến huyện, xã, phường, thị trấn chưa thật sự vào cuộc mạnh mẽ, việc xử lý các vi phạm ở một số địa phương chưa kiên quyết, hầu như không xử phạt vi phạm hành chính, mà chỉ là nhắc nhở, yêu cầu cơ sở khắc phục tại chỗ...

Phú Yên đang trên đà phát triển, hạ tầng cơ sở thương mại, dịch vụ được đầu tư để phục vụ nhu cầu người dân. Đặc biệt trong thời gian qua, lượng khách du lịch các tỉnh đến Phú Yên tham quan ngày một tăng, do đó, hoạt động kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống cũng trở nên sôi động hơn.

Đi đôi với sự phát triển đó thì vấn đề an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, rất cần sự quan tâm của toàn xã hội. Du lịch, dịch vụ, thương mại của tỉnh phát triển rõ rệt. Trong dịp Lễ 30/4, 1/5 vừa qua, lưu lượng người, phương tiện lưu thông trên khắp các tuyến đường ở TP. Tuy Hòa tăng mạnh. Các quán ăn uống cũng chật kín người.

Để bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, du khách, thì an toàn thực phẩm là vấn đề cần được các cấp chính quyền, cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống… chú trọng nhiều hơn.

Lãnh đạo Sở Y tế cho biết, công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm luôn được các sở, ban ngành, địa phương quan tâm, tăng cường với nhiều hình thức. Hoạt động kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm cũng có hiệu quả, tập trung vào những sản phẩm có nguy cơ cao về mất an toàn thực phẩm.

Các đoàn kiểm tra đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý những hành vi vi phạm. Các cơ sở được kiểm tra, đã nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn thực phẩm và chấp hành tốt việc khắc phục những hành vi vi phạm, sau khi đoàn kiểm tra kiến nghị. 

Tuy nhiên, vấn đề an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít bất cập, xuất phát từ việc còn tồn tại số lượng rất lớn hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, manh mún, chưa có nhiều sản phẩm được áp dụng công nghệ cao trong sản xuất.

Theo đại diện Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, an toàn thực phẩm là vấn đề quan trọng, tác động trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Sắp tới, Hội tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn kiến thức pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và các đối tượng có liên quan.

Đồng thời, truyền tải rộng rãi những thông điệp về an toàn thực phẩm với mong muốn người tiêu dùng nắm bắt quyền, nghĩa vụ và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình trong tiêu dùng hàng hóa, thực phẩm an toàn. 

Hương Thủy

Bài liên quan

Cùng chuyên mục