Quảng Trị: Từng bước xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị đã có những bước tiến đáng kể, cả về số lượng và chất lượng. Nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Có thể nói, Quảng Trị đang từng bước xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thu hoạch lúa ở huyện Cam Lộ  (Ảnh: L.A)

 Hiệu quả tích cực từ mô hình cánh đồng lớn

Với những ưu điểm như giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, ổn định đầu ra sản phẩm…xã Thanh An, huyện Cam Lộ đã đẩy mạnh thực hiện tích tụ, tập trung đất đai theo hướng cánh đồng lớn nhằm tạo ra những vùng lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, thuận lợi để đưa cơ giới hóa vào sản xuất.

Đến nay, trong tổng số 1.270 ha diện tích sản xuất lúa hằng năm đã có 187 ha xây dựng cánh đồng lớn, sử dụng cùng một giống lúa, gieo cấy cùng thời điểm để hạn chế sâu bệnh hại và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình canh tác.

Chủ tịch UBND xã Thanh An Trần Văn Nam cho biết, ưu điểm của việc thực hiện mô hình cánh đồng lớn là góp phần dịch chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang áp dụng máy móc hiện đại. Đồng ruộng được đầu tư đồng bộ, đường giao thông, hệ thống thủy lợi…được chú trọng tạo thuận lợi trong sản xuất cho nông dân. Đến nay, toàn xã đã có trên 80% diện tích sử dụng các giống lúa chất lượng cao. Liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất tập trung với quy mô từ 10-20 ha.

Nhằm từng bước hình thành nền sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, có trình độ thâm canh cao, hợp tác và liên kết bền vững, HĐND huyện Cam Lộ đã ban hành Nghị quyết 28/NQ-HĐND về nâng cao hiệu quả sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của địa phương giai đoạn 2016-2020. Sau hơn 5 năm thực hiện, đến nay toàn huyện có 1.000 ha cánh đồng lớn, hơn 95% diện tích sử dụng các loại giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao.

Ứng dụng máy bay không người lái vào chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa (Ảnh: L.A)

Tại huyện Triệu Phong, nếu như năm 2016 toàn huyện chỉ có 4 cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích khoảng 200 ha tại 4 HTX thì đến nay, huyện đã chuyển đổi và triển khai sản xuất cánh đồng lớn ở 48 HTX với tổng diện tích trên 1.645 ha. Các HTX chú trọng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất; tăng cường thâm canh, đưa vào sản xuất những giống có năng suất, chất lượng cao; đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu sản xuất…

Điển hình như mô hình sản xuất lúa hữu cơ, lúa canh tác tự nhiên của HTX nông sản sạch Triệu Phong với tổng diện tích 45 ha với yêu cầu phải liền vùng, liền thửa, sử dụng cùng một giống lúa, cùng một quy trình chăm sóc.

Qua hơn 5 năm triển khai cho thấy năng suất lúa bình quân đạt trên 52 tạ/ha, giá bán cao gấp 2 lần so với lúa canh tác thông thường. Đặc biệt, sản phẩm gạo sạch Triệu Phong đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao được Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận chất lượng TQC chứng nhận đạt Tiêu chuẩn Nông nghiệp hữu cơ Quốc gia TCVN 11041- 2:2017.

Trong thời gian tới, huyện Triệu Phong tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng cánh đồng lớn theo hướng khai thác tối đa lợi thế từng vùng, phấn đấu hằng năm mỗi xã xây dựng mới 1-2 cánh đồng lớn chất lượng cao, có liên kết sản xuất.

Việc cơ giới hóa nhiều khâu sản xuất vừa giúp bảo vệ sức khỏe nông dân, vừa đảm bảo tiến độ, năng suất lao động. Việc tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm, áp dụng cơ giới hóa đã từng bước hạn chế được những bất lợi của thời tiết, tranh thủ được thời vụ, giải quyết được tình trạng thiếu lao động sản xuất nông nghiệp, giảm giá thành, chi phí đầu tư và nâng cao hiệu quả sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội so với sản xuất nhỏ lẻ, manh mún trước đây.

Bình quân các mô hình cánh đồng lớn đã giúp giảm chi phí từ 1,5-1,7 triệu đồng/ha, tăng hiệu quả lên 1,2-1,5 lần so với sản xuất đại trà.

Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại

Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị cùng các giải pháp phù hợp, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu tích cực, tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp năm 2021 đạt 3,02%.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được đầu tư đồng bộ, đặc biệt là hệ thống thủy lợi cơ bản đảm bảo tưới tiêu cho diện tích đất lúa 2 vụ.

Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất đã có bước phát triển mới với các giải pháp nhà màng, nhà lưới, tưới tiết kiệm, công nghệ thủy canh, máy bay phun thuốc không người lái...đã góp phần tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.

Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng quy trình sản xuất cải tiến như hồ tiêu chỉ dẫn địa lý, hồ tiêu hữu cơ, cà phê 4C, lúa hữu cơ, rau-củ-quả VietGAP, dược liệu an toàn sinh học... giúp nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm các mặt hàng nông sản.

Đặc biệt, với những thành tựu số của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành nông nghiệp đã tích cực phối hợp với các địa phương đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào quản lý điều hành công việc và triển khai các mô hình sản xuất trên địa bàn, biến bất lợi thành lợi thế phát triển, chuyển từ nền nông nghiệp số lượng sang chất lượng trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây, công nghệ cảm biến, tự động hóa, công nghệ sinh học...

Cùng với đó, thực hiện quảng bá sản phẩm, tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử, bước đầu đã thay đổi công tác quản lý, giám sát sản xuất, kinh doanh nông sản, tạo ra những sản phẩm có chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích.

Một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã trở thành hàng hóa trong nước và xuất khẩu, góp phần quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Điển hình như mô hình ứng dụng quy trình công nghệ cao, internet vạn vật (IoT) vào sản xuất hoa lan đại hồ điệp, hoa lily, dâu tây, cà chua siêu ngọt, dưa lưới đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Toàn tỉnh đã có hơn 2.500 ha lúa ứng dụng máy bay không người lái (Drone) vào chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, hơn 320 sản phẩm nông sản của tỉnh đã được niêm yết giao dịch trên các sàn thương mại điện tử như voso,vn, Postmart…

Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cho biết, để tiếp tục thực hiện cơ cấu lại, phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại, bền vững, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển trong từng lĩnh vực, ưu tiên các sản phẩm có lợi thế, sản phẩm chủ lực gắn với đổi mới hình thức sản xuất theo hướng kinh tế trang trại, gia trại, HTX; tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy hợp tác, liên kết trong sản xuất-chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cho các ngành hàng chủ lực của tỉnh; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường.

Từng bước xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch, hình thành các điểm du lịch nông nghiệp trải nghiệm. Qua đó, tạo hướng phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.

H. Thủy (Nguồn: http://www.baoquangtri.vn/)

Bài liên quan

Cùng chuyên mục