Các xu hướng thị trường bán hàng năm 2024: Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt

Xu hướng thị trường đòi hỏi các doanh nghiệp phải không ngừng phân tích, nhanh chóng nắm bắt xu thế, khai thác thế mạnh, hạn chế mặt yếu, đánh giá đúng môi trường kinh doanh. Từ đó, đề ra và thực hiện những chiến lược kinh doanh hàng năm đúng đắn đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững của doanh nghiệp.

Cho đến thời điểm này, đã có khá nhiều chuyên gia dự báo về phát triển thị trường và người tiêu dùng Việt năm 2024 – một năm đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang đối mặt khó khăn và xu hướng cắt giảm chi tiêu toàn cầu cùng tình hình xung đột quốc tế căng thẳng, leo thang. Nhưng cũng là một năm để doanh nghiệp nhìn nhận, đánh giá và nắm bắt cơ hội trong thời điểm Chính phủ chỉ đạo tập trung thực hiện kinh tế số, chuyển đổi số Quốc gia.

Những hiểu biết sâu sắc nào sẽ ảnh hưởng đến quyết định của doanh nghiệp trong cắt giảm ngân sách hay tiếp tục đầu tư vào các chiến dịch marketing nhưng vẫn đảm bảo được các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Sau đây là một số xu hướng thị trường chủ yếu của năm 2024, được các chuyên gia trong và ngoài nước khuyến cáo các doanh nghiệp Việt cần quan tâm.Ảnh minh họaẢnh minh họa

1. Xu hướng bán hàng trực tuyến là số 1, bất kể bán gì

Mua sắm trực tuyến (Tiếng Anh: Online shopping) là quá trình người tiêu dùng trực tiếp mua hàng hóa, dịch vụ từ một người bán trong thời gian xác định thông qua Internet mà không có một dịch vụ trung gian nào. Mua sắm trực tuyến cũng là một tiến trình dùng để liệt kê hàng hóa và dịch vụ cùng với hình ảnh kèm theo được hiển thị từ xa thông qua các phương tiện điện tử.

Việt Nam là quốc gia được đánh giá có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á về mua sắm trực tuyến. Dự báo doanh thu và sản lượng bán bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến tiếp tục tăng có thể đạt hơn 310 nghìn tỷ đồng vào năm 2024, tăng trưởng 35% so với năm 2023.

Có đến 81% người Việt Nam khi được hỏi cho biết họ xem việc mua sắm trực tuyến là một thói quen không thể thiếu mỗi ngày, cũng như tỷ lệ người mua sắm trực tuyến ít nhất 1 lần mỗi tuần đạt mức 59%. Đặc biệt, có 85% người tiêu dùng cho biết họ đang chi tiêu nhiều hơn cho việc mua hàng trực tuyến. Có 66% người tiêu dùng cho biết họ luôn tìm kiếm những ưu đãi tốt nhất khi mua sắm để tiết kiệm chi phí sinh hoạt cho gia đình. Trong khi đó, 34% còn lại sẵn sàng mua các mặt hàng bất kể có giảm giá hay không trong lần mua hàng trực tuyến gần đây nhất.

Theo kết quả khảo sát của PwC, thì nhiều người tiêu dùng không ngần ngại thay đổi hành vi mua sắm. Hơn 1/3 (37%) người tiêu dùng nói sẽ đến các cửa hàng khác nhau để mua hàng hoặc chuyển sang mua sắm trực tuyến. Gần 1/3 (29%) người mua sắm trực tuyến cho biết, sẽ chuyển sang tìm sản phẩm ở cửa hàng bán lẻ và 40% sẽ sử dụng các trang web so sánh để kiểm tra sản phẩm.

Rất nhiều dự báo đã chỉ ra rằng xu hướng bán hàng trực tuyến sẽ tiếp tục giữ vị trí số 1 được ưa chuộng trên thế giới trong thời gian tới và thị trường Việt cũng không ngoại lệ. Điều này đến từ chính sự “bùng nổ” của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng công nghệ, mạng lưới Internet. Có chăng, dịch bệnh COVID – 19 hai năm trước đây chỉ đơn thuần là đòn đẩy tốc độ “phủ sóng” của xu hướng bán hàng này ở nhiều quốc gia mà thôi. Thêm vào đó, hình thức bán hàng này còn mang đến rất nhiều lợi ích không chỉ riêng đối với người tiêu dùng mà ngay cả với các cá nhân, doanh nghiệp cũng mở ra nhiều cơ hội đầu tư, phát triển cho mình.

2. Hình thức bán hàng kết hợp đa kênh

Bán hàng đa kênh hay Omnichannel là hình thức cung cấp dịch vụ mua sắm cho khách hàng trên nhiều kênh khác nhau, chẳng hạn như: website và các mạng xã hội phổ biến. Với mô hình này, các dữ liệu của khách hàng sẽ được quản lý tập trung để xây dựng trải nghiệm nhất quán, tạo thành một hành trình mua hàng xuyên suốt, không bị gián đoạn cho khách hàng.

Theo Báo cáo thường niên năm 2024  của Sapo, đơn vị này đã tổ chức khảo sát khoảng 15.000 nhà bán hàng đã mở rộng kênh bán (29,37%) lên các kênh mạng xã hội như Facebook, Zalo (27,07%); tiếp sau đó là các sàn Thương mại điện tử (21,96%) và TikTok Shop (20,66%). Trong ngành FnB: Các chủ nhà hàng, quán cafe lại phần lớn lựa chọn việc đa dạng hoá mặt hàng kinh doanh (40,9%). Kênh bán hàng được lựa chọn mở rộng nhiều nhất là kênh Mạng xã hội (33,3%). Với 3 App đặt món phổ biến hiện nay, các đáp viên lựa chọn mở rộng kinh doanh lần lượt là Shopee Food (23,6%), GrabFood (12,4%) và Go Food (6,7%)…

Đối mặt với sự biến đổi nhanh chóng của thị trường và thói quen mua sắm của người tiêu dùng, bán hàng đa kênh không chỉ là một xu hướng mà còn là một chiến lược quan trọng để doanh nghiệp giữ chân và tạo ra giá trị cho khách hàng. Thói quen mua sắm đang phát triển và một giải pháp tích hợp kết nối nhiều kênh với nhau, hợp lý hóa các hoạt động trước và sau bán hàng được coi là có thể giúp các doanh nghiệp Việt tìm thấy thành công.

3. Coi trọng E - Logistics và giao hàng nhanh

Với thương mại điện tử và yêu cầu giao hàng nhanh chóng, các doanh nghiệp bán lẻ thường phải đối mặt với áp lực giao hàng trong thời gian ngắn. Điều này đòi hỏi quy trình vận chuyển phải chính xác, nhanh chóng và hiệu quả để đảm bảo hàng hóa được đưa đến tay người tiêu dùng kịp thời.

Tại Việt Nam, các sàn thương mại điện tử hàng đầu và các nhà bán lẻ nói chung cũng rất nỗ lực để đáp ứng nhu cầu này. Tiki đi tiên phong với dịch vụ TikiNOW, giao hàng trong vòng 2 giờ chỉ giá dịch vụ chỉ 29.000 đồng; Lazada cũng triển khai giao hàng hỏa tốc trong ngày; Shopee trong vòng 4 giờ , Sendo 3 giờ… Các dịch vụ giao hàng trong ngày hầu hết đều có mức phí khá ưu đãi hoặc miễn phí trong một số trường hợp.

Liên quan tới dịch vụ giao hàng trong bán lẻ hàng hóa trực tuyến Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, sản lượng bưu phẩm gửi qua dịch vụ chuyển phát đã tăng 47% trong năm 2020. Các doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu đều tăng trưởng lượng đơn từ 30-60%. VECOM cũng cho biết, quy mô thương mại điện tử đã tăng trưởng bình quân 30% mỗi năm, giai đoạn 2016-2019 từ 4 tỷ USD lên 11,5 tỷ USD năm 2019. Đà tăng sẽ duy trì ở mức 29% trong giai đoạn 2020-2025, vươn lên 52 tỷ USD vào năm 2025. Là ngành hậu cần của thương mại điện tử (E-commerce), triển vọng E-Logistics gắn với tốc độ tăng trưởng của thị trường E-commerce. Ước tính chi phí vận chuyển chiếm tầm 10% doanh thu của doanh nghiệp. Quy mô vật lý của thị trường E-Logistics cũng trị giá hàng tỷ đô.

4. Lợi nhuận từ các định dạng bán hàng hiện đại

Livestream trên thị trường bán lẻ được dự đoán tiếp tục đứng vững trong năm 2024 và tương lai. Với các điểm mạnh nổi bật của mình như tăng độ tương tác vô cùng lớn với khách hàng với chi phí hầu như bằng không; khai thác lợi ích tối đa từ tâm lí khách hàng đều muốn xem sản phẩm một cách chân thật, chi tiết nhất; tính chủ động cao cho người bán hàng… không có gì lạ khi ngày càng nhiều các nhà bán lẻ đủ mọi quy mô và thành phần đang và sẽ đưa việc livestream trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Instagram…vào kế hoạch bán hàng của mình như một phần tất yếu để tăng doanh thu.

Ứng dụng thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) là một chiến lược khác mà các nhà bán lẻ đang sử dụng để giúp khách hàng trải nghiệm sản phẩm trước khi thêm vào giỏ hàng của họ và công nghệ VR có thể là một cách hiệu quả để cải thiện trải nghiệm thử tổng thể trước khi mua. Những lợi thế của công nghệ AR như hình ảnh 3D, trình diễn sản phẩm và dùng thử ảo… giúp giảm đáng kể tỷ lệ trả hàng cho các nhà bán lẻ và có thể làm tăng cao tỉ lệ quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Công nghệ đang cách mạng hóa trải nghiệm của khách hàng và không ít nhà bán lẻ sẽ đầu tư nhiều hơn vào VR và AR để tăng trải nghiệm phong phú hơn cho khách hàng năm 2022.

Dự báo thị trường đồ cũ, đặc biệt là kinh doanh các mặt hàng xa xỉ second-hand, trên các kênh trực tuyến và ngoại tuyến sẽ tăng trưởng gấp đôi trong vòng 5 năm tới. Ngoài giá cả thấp hơn, khía cạnh bền vững của bán lẻ hàng hóa đã qua sử dụng (được coi là một trong các hình thức kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực bán lẻ) là động lực chính của sự lên ngôi này.

5. Ngành bán lẻ và nền kinh tế tuần hoàn

Nếu mô hình kinh tế truyền thống chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất và loại bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến việc tạo ra một lượng phế thải khổng lồ thì các doanh nghiệp Việt hiện nay đang chuyển hướng sang mô hình kinh tế tuần hoàn chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải. Việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để phát triển bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế - xã hội, môi trường, mà còn để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ở Việt Nam, kinh tế tuần hoàn xuất hiện từ cách đây 20 năm với những định danh khác, đó là mô hình VAT (Vườn – Ao – Chuồng), một mô hình chúng ta áp dụng khá thành công. Ngoài ra, các khái niệm “khu công nghiệp sinh thái – ecological industrial zone”, “sản xuất sạch hơn – Cleaner production”, “Không phát thải – zero emission”, tái chế, tái sử dụng, tái sản xuất – một phần của KTTH – cũng được đề cập nhiều…

Một nghiên cứu sơ bộ của Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam gần đây về thị trường bán lẻ của một số nước trên thế giới đã cho thấy mối liên hệ gắn bó giữa nền kinh tế tuần hoàn với các hoạt động bán lẻ muôn màu sắc và vai trò của các nhà bán lẻ trong việc định hình, khuyến khích và phát triển nền kinh tế tuần hoàn, mang lại những cơ hội lớn cho phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Kinh tế tuần hoàn bước đầu đang được thực hiện khá linh hoạt trong các lĩnh vực bán lẻ khác nhau như thời trang (Thời trang tuần hoàn thay thế cho Thời trang nhanh); bán lẻ sản phẩm điện và điện tử; bán lẻ đồ nội thất; mua bán đồ cũ; lĩnh vực nhà hàng và quán ăn…

                                                                                                                                   Thiên Anh

Bài liên quan

Cùng chuyên mục