Tâm lý sính hàng "Nhật bãi” của người tiêu dùng Việt khiến mặt hàng này trở nên hot. Tuy nhiên, ngoài việc phải mua đồ cũ với giá cao, các sản phẩm đã qua sử dụng này còn chứa nhiều rủi ro khi chất lượng khó được kiểm định.
Tâm lý sính hàng "Nhật bãi” của người tiêu dùng Việt Nam đang khiến cho mặt hàng này trở nên rất hot trong thời gian qua. Đặc biệt với sự phát triển của mạng internet, việc tiếp cận với loại sản phẩm hàng "Nhật bãi" này ngày càng dễ dàng.
Điều đó khiến không ít người sẵn sàng lựa chọn những đồ điện lạnh đã qua sử dụng nhập lậu từ Nhật về với giá tương đương hoặc thậm chí cao hơn, bất chấp việc chất lượng của sản phẩm rất... hên xui.
Bỏ tiền mua… rác?
Hàng "Nhật bãi" là những thiết bị điện tử, điện lạnh, sản phẩm công nghệ nội địa Nhật Bản không còn được sử dụng, trở thành rác thải phế liệu xuất khẩu sang các nước khác.
Ở Việt Nam, nhu cầu sử dụng đồ dùng hay hàng điện tử cũ của Nhật đã xuất hiện từ vài chục năm trước. Hiện nay, do internet phát triển, nên việc tiếp cận với loại sản phẩm này ngày càng dễ dàng. Việc rao bán tủ lạnh, nồi cơm, máy giặt, điều hòa... cũ của Nhật trở nên phổ biến.
Theo những người trong ngành, hàng "Nhật bãi", hay là hàng "bãi Nhật" là những món đồ dùng hoặc đồ gia dụng... đã qua sử dụng tại Nhật Bản, sau đó được nhập về Việt Nam dưới dạng đồ cũ. Tình trạng của những món hàng "Nhật bãi” này có thể vẫn sử dụng tốt, đã hỏng một phần hoặc hỏng hoàn toàn không thể sửa chữa.
Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Quang Thắng, phường Đống Đa, thành phố Vĩnh Yên - một trong những người rất ưa chuộng sản phẩm hàng "Nhật bãi" cho biết: "Nhiều người nghĩ hàng "Nhật bãi" sẽ có giá rất rẻ, nhưng nhiều món đồ lại có mức giá rất cao, có thể lên tới hàng chục triệu đồng.
Trên thị trường hàng nội địa Nhật cũ hiện nay, với số tiền từ 300 - 600 nghìn đồng là có thể sở hữu một chiếc quạt cũ có thương hiệu. Tuy nhiên, để sở hữu các mặt hàng như tủ lạnh, điều hòa, nồi cơm điện... người mua phải bỏ số tiền từ 8 - 10 triệu đồng, tùy thuộc vào độ mới, tên tuổi của hãng. Thậm chí, có những sản phẩm, người mua phải bỏ số tiền lớn hơn mới mua được".
Để nắm rõ hơn về thị trường này, trong vai một người có nhu cầu tìm máy điều hòa bãi một cục nóng dùng được cho 2 dàn lạnh. Người viết đã liên hệ với một trang website được quảng cáo “chuyên hàng "Nhật bãi", uy tín, chất lượng hàng đầu”.
Ngay lập tức nhận được rất nhiều những lời rao bán, quảng cáo hấp dẫn của người bán như điều hòa mát dịu, trẻ em dùng không bị viêm họng, điều hòa chạy bằng ga thân thiện với môi trường, hàng còn mới 95 - 99%, chất lượng tốt, cam kết hàng Nhật 100%…
Không khó để nhận thấy người bán sẽ dùng tất cả những từ hoa mĩ nhất để người mua sẵn sàng chi tiền cầm món đồ cũ về dùng với giá cả không rẻ chút nào.
Cẩn trọng khi mua hàng "Nhật bãi”
Một chiếc tủ lạnh có giá từ 10 - 20 triệu đồng, một chiếc máy giặt có giá từ 9 - 15 triệu đồng, máy lạnh thì 8 - 9 triệu đồng... Đó là những cái giá không hề rẻ cho những sản phẩm đã qua sử dụng và không còn chế độ bảo hành từ nhà sản xuất.
Ngoài việc chất lượng của các sản phẩm này đều không được kiểm chứng, thì đây còn là mặt hàng bị cấm kinh doanh. Nghị định 69 của Chính phủ quy định rõ danh mục hàng hóa cấm xuất, nhập khẩu, trong đó, bao gồm hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng.
Quy định đã rõ ràng, nhưng hiện nay điều hòa, tủ lạnh và những sản phẩm nội địa Nhật vẫn được quảng cáo, rao bán rầm rộ trên mạng xã hội với nhiều mẫu mã, chất lượng khác nhau, giá thành cũng có sự chênh lệch rõ rệt, tất cả đều được giới thiệu là hàng "Nhật bãi" cùng sự cam kết chắc chắn từ người bán.
Dễ "1 tiền gà 3 tiền thóc"
Tâm lý sính hàng "Nhật bãi” của người tiêu dùng Việt Nam đang khiến cho mặt hàng này trở nên hot. Tuy nhiên, ngoài việc phải mua đồ cũ với giá cao, các sản phẩm đã qua sử dụng này còn chứa nhiều rủi ro khi chất lượng khó được kiểm định.
Vốn là một cựu du học sinh từ Nhật về, chị Nguyễn Thu Thủy, phường Tích Sơn, thành phố Vĩnh Yên chia sẻ: "Hàng "Nhật bãi" từ lâu đã nổi tiếng với độ bền của sản phẩm, tuổi thọ cao, chất lượng tốt, khiến người tiêu dùng không cần tốn thêm nhiều chi phí sửa chữa, bảo dưỡng.
Tuy nhiên, không phải món đồ nào cũng có chất lượng và độ bền như vậy, bởi đây là những sản phẩm đã qua sử dụng, nên rất khó để đảm bảo đó là đồ tốt và không có hỏng hóc gì sau đó.
Hầu hết đồ bãi bên Nhật đều qua sử dụng từ 3-5 năm. Khi chuyển về Việt Nam, chúng đều được sang sửa, sơn mới để phục vụ những tín đồ hàng Nhật. Vì vậy, việc mua đồ nội địa Nhật cũ giống như việc may rủi, hên xui, ai may thì mua được hàng tốt".
Bỏ ra gần chục triệu đồng mua về chiếc máy điều hòa cũ được giới thiệu là hàng "Nhật bãi" với lời quảng cáo chắc nịch của người bán: Sản phẩm này mua về còn phải sử dụng thêm cả chục năm nữa mới chịu hỏng, hình thức bên ngoài tuy có xước xát trong quá trình vận chuyển nhưng đảm bảo hàng zin 100%.
Tuy nhiên, chỉ sau hơn 2 tháng sử dụng, anh Nguyễn Văn Lưu, xã Thanh Vân, huyện Tam Dương đã gặp rắc rối khi chiếc điều khiển của máy điều hòa bỗng nhiên bị hỏng.
“Mua chiếc điều hòa mất hơn 8 triệu đồng, giờ tìm hỏi mua chiếc điều khiển người bán phát giá 3,5 triệu đồng, gần bằng nửa cái máy khiến tôi rất khó xử, mua cũng dở mà bỏ thì không xong” - anh Lưu chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Chung, một người chuyên sửa chữa điều hòa tại phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên cho rằng, khi có ý định mua điều hòa hàng "Nhật bãi", mọi người nên cân nhắc thật kỹ, tìm hiểu kỹ thị trường và chọn những cơ sở bán điều hòa cũ uy tín để không bị “mang con bỏ chợ”.
Hàng "Nhật bãi" là những mặt hàng rất khó để mua linh kiện thay thế khi bị hư hỏng, vì vậy, người mua nên tìm đến cửa hàng chuyên bán và có chế độ bảo hành tốt. Để tránh "1 tiền gà 3 tiền thóc", người tiêu dùng nên thông minh chọn mặt gửi tiền khi mua hàng điện tử "Nhật bãi".
Theo Báo Vĩnh Phúc