Tại Hội thảo “Cơ hội, thách thức ứng dụng Blockchain vào vận hành trong ngành Tài chính - Ngân hàng” tổ chức ngày 26/10 ở Hà Nội, các chuyên gia đã chia sẻ một số cách công nghệ Blockchain sẽ thay đổi tương lai của hệ thống ngân hàng.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng - nhận định: “Tiềm năng phát triển công nghệ Blockchain ở Việt Nam rất lớn dù đang gặp nhiều thách thức. Tuy nhiên, những thay đổi tích cực mà blockchain mang lại là không thể phủ nhận”.
Tài chính - ngân hàng là một trong những ngành chuyển mình mạnh mẽ nhất dưới tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với hàng loạt giải pháp mới được đưa ra hàng năm nhằm giải quyết những vấn đề trong hoạt động giao dịch, thanh toán, tài trợ thương mại, tín dụng và cho vay, chứng khoán và bảo hiểm… Trong số các công nghệ mới nổi, Blockchain được kỳ vọng sẽ cách mạng hóa ngành tài chính - ngân hàng một cách toàn diện ở nhiều dịch vụ.
Toàn cảnh Hội thảo.
Tại Hội thảo, đại diện các ngân hàng HSBC, Vietcombank, TPBank đã đem đến những tham luận về ứng dụng Blockchain vào hoạt động tài chính - ngân hàng, đặc biệt là trong giao dịch LC, chuyển tiền liên ngân hàng, chia sẻ bài học kinh nghiệm cùng lộ trình triển khai Blockchain trong hoạt động ngân hàng.
Các chuyên gia cũng chia sẻ một số cách công nghệ Blockchain sẽ thay đổi tương lai của hệ thống ngân hàng.
Blockchain cho phép các giao dịch ngang hàng nhanh hơn và đơn giản hơn, hiệu quả hơn cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng quốc tế. Nó giúp tăng cường bảo mật và giảm gian lận, bởi mạng lưới Blockchain được duy trì bởi hàng nghìn máy tính, có nghĩa là không có điểm trung tâm nào mà tin tặc có thể tấn công mạng và thay đổi dữ liệu mà không để lại bằng chứng.
Hơn thế nữa, Blockchain có khả năng giảm đáng kể chi phí dịch vụ ngân hàng và nâng cao chất lượng sản phẩm bởi một số tác vụ có thể được tự động hóa khi sử dụng Blockchain. Nhiều quy trình thủ công sẽ được loại bỏ dần, do đó giảm thiểu sai sót, nâng cao hiệu quả và giảm thiểu tác động của các mối đe dọa mạng.
Blockchain có thể giúp đẩy nhanh tiến trình cho vay ngang hàng bởi việc cho vay sẽ dần trở nên dễ dàng hơn vì các giao dịch được giải quyết ngay lập tức. Điều này có thể giúp tránh các vấn đề như chi tiêu gấp đôi và vỡ nợ. Blockchain cũng có thể giảm thời gian mở tài khoản ngân hàng từ vài ngày xuống còn vài phút.
Hoàn thiện chính sách pháp lý cho ứng dụng Blockchain vào hoạt động ngân hàng
Ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam - chia sẻ: “Buổi Hội thảo đánh dấu một bước tiến của Hiệp hội Blockchain Việt Nam trong những hoạt động thúc đẩy tham gia cố vấn, ứng dụng Blockchain vào ngành ngân hàng. Tôi mong rằng qua buổi Hội thảo, chúng ta có thể nhìn nhận những mặt tích cực và tiêu cực của công nghệ để có thể đưa Blockchain vào cuộc sống và giải quyết những bài toán của doanh nghiệp”.
Ứng dụng Blockchain vào tài chính - ngân hàng mang lại nhiều lợi thế như tối ưu hóa vốn, giảm chi phí hoạt động, cải thiện tính minh bạch và giúp gia tăng các giải pháp tài chính. Về bản chất, Blockchain là một “sổ cái” phân tán gồm các bản ghi hoặc cơ sở dữ liệu công khai được chia sẻ công khai giữa những người dùng khác nhau, tạo ra một bản ghi không thể thay đổi về các giao dịch của họ. Các giao dịch này được bảo mật bằng mật mã để đảm bảo chống các thao tác giả mạo.
Tiến sĩ Trần Quý - Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam - chia sẻ bên lề Hội thảo.
Rõ ràng, công nghệ Blockchain đang dần tiến vào ngành dịch vụ tài chính - ngân hàng. Từ chuyển tiền đến giao dịch chứng khoán hay thanh toán xuyên biên giới, công nghệ Blockchain đang sẵn sàng tạo ra tác động lớn đến cách thức thực hiện các giao dịch quốc tế và tài sản kỹ thuật số được bảo mật.
Theo thống kê của ReportLinker, Blockchain toàn cầu trong thị trường dịch vụ tài chính và ngân hàng dự kiến sẽ tăng từ 1,17 tỷ USD vào năm 2021 lên 1,89 tỷ USD trong năm 2022 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 61,9%.
Dù Bắc Mỹ đang là khu vực lớn nhất trong thị trường tài chính - ngân hàng Blockchain năm 2021 nhưng Châu Á - Thái Bình Dương cũng được kỳ vọng sẽ là khu vực phát triển nhanh nhất trong thời gian dự báo.
Trên thế giới, các công ty lớn đang ứng dụng Blockchain vào hoạt động tài chính - ngân hàng gồm: Amazon Web Services, Microsoft, IBM, Intel, JPMorgan, ConsenSys, R3, Oracle…
Hiệp hội Blockchain Việt Nam và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam ký kết hợp tác chiến lược.
Nhìn chung, công nghệ blockchain sẽ hỗ trợ ngân hàng mang lại trải nghiệm khách hàng tốt hơn và giúp các tổ chức ngân hàng truyền thống cạnh tranh với các công ty khởi nghiệp fintech. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa các ứng dụng của công nghệ Blockchain, trước tiên các ngân hàng cần phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết để vận hành các ứng dụng phù hợp. Đồng thời, cần rất nhiều ngân hàng - tổ chức tài chính tham gia ứng dụng công nghệ Blockchain, nhằm sớm thúc đẩy hành lang pháp lý cũng như các chính sách cho phép thí điểm các giải pháp tại Việt Nam và lan rộng ra quốc tế.
Đánh giá về Hội thảo, Tiến sĩ Trần Quý - Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam - cho rằng, đây là một Hội thảo có ý nghĩa lớn, thể hiện đa chiều các vấn đề về ứng dụng công nghệ Blockchain vào kinh tế số, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng, giúp các nhà quản lý cũng như các ngân hàng có góc nhìn chính xác và tích cực hơn.
Hội thảo này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tăng cường sự tham gia của các Bộ, ban, ngành, các cơ quan chủ quản trong phát triển và ứng dụng công nghệ Blockchain vào kinh tế số; thu thập các cơ hội, thách thức và đề xuất các giải pháp để nghiên cứu, xem xét hướng tới hoàn thiện chính sách pháp lý, xây dựng thể chế cho công nghệ Blockchain và giúp các ngân hàng - tổ chức tài chính tại Việt Nam tận dụng thời cơ để phát triển mạnh mẽ, bền vững.
Trong khuôn khổ Hội thảo, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã ký kết hợp tác để nối dài hoạt động nghiên cứu, cố vấn về các ứng dụng Blockchain trong ngành tài chính và góp phần tuyên truyền, quảng bá thông tin đúng đắn về Blockchain; đề xuất các khuyến nghị cho cơ quan Chính phủ. Đồng thời, hai Hiệp hội sẽ cùng nhau tham vấn để hoàn chỉnh khung chính sách pháp lý cho lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam; mở rộng quan hệ với các tổ chức, cộng đồng công nghệ Blockchain trên thế giới; chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực để nghiên cứu, phát triển nguồn nhân lực cho nền kinh tế số.
Việt Anh