Gia Lai phát triển các sản phẩm sâm mang thương hiệu sản phẩm quốc gia

UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch số 545/KH-UBND về triển khai thực hiện chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Gia Lai phát triển các sản phẩm sâm mang thương hiệu sản phẩm quốc giaGia Lai phát triển các sản phẩm sâm mang thương hiệu sản phẩm quốc gia

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Gia Lai hình thành 2 trung tâm trồng khảo nghiệm, sản xuất giống cây sâm để cung cấp cây giống chất lượng cao, đảm bảo cung ứng trên 70% nhu cầu cây giống cho các tổ chức, cá nhân tham gia trồng sâm; diện tích sâm Ngọc Linh trồng dưới tán rừng sản xuất khoảng 800 ha, 100% diện tích trồng sâm Ngọc Linh được cấp mã vùng trồng và chỉ dẫn địa lý.

Hình thành thêm mới ít nhất 2 cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu tại các địa phương trọng điểm phát triển dược liệu của tỉnh và ít nhất 1 nhà máy sản xuất thuốc từ sâm Ngọc Linh đạt tiêu chuẩn GMP-WHO (thực hành sản xuất tốt).

Mục tiêu đến năm 2045, phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành hàng mang thương hiệu quốc gia, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho tỉnh.

Do đó, UBND tỉnh đề ra các nhóm nhiệm vụ như: Huyện Kbang rà soát, xác định cụ thể các khu vực; quy mô trồng Sâm Ngọc Linh trên địa bàn phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và điều kiện canh tác, đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đa dạng sinh học, đất đai và các quy định liên quan khác.

Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển bền vững Sâm Ngọc Linh trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng tiềm năng, năng lực đầu tư, quỹ đất, hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường và nhu cầu thị trường.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các cơ sở sơ chế, chế biến, nhà máy chế biến sâu gắn với vùng trồng nguyên liệu; xây dựng chuỗi liên kết giá trị sản phẩm Sâm Ngọc Linh; thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng Sâm Ngọc Linh, ưu tiên tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Về xây dựng và triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ: Áp dụng quy trình nuôi trồng và thu hái Sâm Ngọc Linh theo VietGAP, GlobalGAP; hướng dẫn thực hiện nuôi trồng và thu hái Sâm Ngọc Linh theo nguyên tắc GACP-WHO và thực hành sản xuất, chế biến Sâm Ngọc Linh theo tiêu chuẩn GMP-WHO nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, có khả năng cạnh tranh.

Về tổ chức sản xuất: Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với người dân đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, khai thác sâm Ngọc Linh gắn với sản xuất theo chuỗi, tạo giá trị gia tăng của sản phẩm, phát triển kinh tế cho người dân; phát triển các hình thức hợp tác trong trồng, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm sâm Ngọc Linh.

Xây dựng thương hiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh gắn với các chỉ dẫn địa lý; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, tuyên truyền, giới thiệu để người tiêu dùng có đủ thông tin về sản phẩm; tăng cường tìm hiểu thị trường xuất khẩu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; tổ chức hội chợ, hội nghị, hội thảo giới thiệu về các sản phẩm sâm Việt Nam. Phát triển hạ tầng vùng trồng sâm Việt Nam gắn với phát triển hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi.

Đồng thời, UBND tỉnh cũng đề ra các giải pháp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Yêu cầu, việc tổ chức thực hiện Chương trình đảm bảo phù hợp với Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 03/7/20219 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai (Khóa XV) về bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Quyết định số 295/QĐ-UBND ngày 13 tháng 5 năm 2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2030, định hướng đến năm 2030.

Ngoài ra, thường xuyên tổ chức kiểm tra, theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện Chương trình; thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện đạt chỉ tiêu đề ra.

Yến Linh

Bài liên quan

Cùng chuyên mục