Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương các sản phẩm OCOP của Hà Nội đạt từ 3 sao trở lên và một số gian hàng của các tỉnh, thành.
Tại sự kiện, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội cũng tổ chức trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương các sản phẩm OCOP để tôn vinh 191 chủ thể của 26 quận, huyện, thị xã có sản phẩm OCOP được UBND Thành phố chứng nhận năm 2022.
Sở cũng tổ chức trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP Thành phố từ 3 sao trở lên, với hàng nghìn dòng sản phẩm được trưng bày trong khuôn viên trên 1.500 m2 tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô để người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và du khách quốc tế nhận diện thương hiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương... thăm quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP.
Sau khi chứng nhận sản phẩm OCOP, Hà Nội luôn quan tâm, tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP giúp cho các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng, qua đó sản phẩm OCOP đã được người tiêu dùng nhận diện và tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, Thành phố đã khai trương đi vào hoạt động được 85 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, các chủ thể OCOP sau khi được công nhận đã không ngừng nâng cao về chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nghiên cứu thiết kế mẫu mã bao bì, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm. Nhiều sản phẩm đã xuất khẩu ra thị trường các nước trên Thế giới (Úc, Châu Âu, Nhật Bản), điển hình như: Sản phẩm của công ty Cổ phần thực phẩm Minh Dương; Công ty cổ phần xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm Việt Nam; Công ty Cổ phần Dược thảo Thiên Phúc…
Để sản phẩm OCOP tiếp tục khẳng định được thương hiệu và gắn sao trong tâm chí người tiêu dùng, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội yêu cầu các cơ quan, đơn vị từ Thành phố đến cơ sở tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chương trình OCOP. Tổ chức các sự kiện, hội chợ nhằm đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm OCOP sau khi được chứng nhận.
Bên cạnh đó đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát các sản phẩm OCOP để không ngừng nâng cao chất lượng, quy trình sản xuất đảm bảo an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường.
Đối với các chủ thể OCOP cần không ngừng đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại và công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử, làng nghề truyền thống của địa phương.
Việt Anh