Sau 3 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP, triển khai từ Trung ương tới địa phương), đến nay, tỉnh Nghệ An đã có 249 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên, trên các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, chế biến, thực phẩm, nông nghiệp…
Trong số các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, 1 sản phẩm có tiềm năng đạt cấp quốc gia 5 sao và 4 sản phẩm được nâng hạng, đứng thứ 3 cả nước (sau Hà Nội và Quảng Ninh) và được bình chọn là một trong 10 kết quả nổi bật năm 2021 của tỉnh.
Nghệ An tham gia Hội chợ OCOP Quảng Ninh 2021
Những con số... biết nói
Có thể nêu ra hàng loạt sản phẩm OCOP ở Nghệ An đã được biết đến, tiêu thụ trên thị trường rộng khắp trong và ngoài tỉnh.
Trong đó, điển hình như: Cam Vinh; gà đồi Thanh Chương; dược liệu Pù Mát; lạc Diễn Châu; trà túi lọc Giảo cổ Lam, Công ty CP Dược liệu Pù Mát; trà túi lọc dây thìa canh, Công ty CP Dược liệu Pù Mát; nước mắm hạ thổ, Công ty CP Thủy sản Vạn Phần Diễn Châu; tảo xoắn Spirulina michio, Công ty CP khoa học xanh Hidumi Pharma; sản phẩm đậu tương lên men Nattokinaza, Công ty CP khoa học xanh Hidumi Pharma...
Cùng với đó, nhiều đơn vị là HTX có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP: Khăn trải bàn, HTX làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến; chè Gay Cao Sơn, HTX chè Gay Cao Sơn; trà xanh Minh Sáng, HTX Minh Sáng; muối ăn liền, trà lá sen, HTX Sen Quê Bác; tinh bột nghệ Hoàng Mai, HTX dịch vụ NNTH Đồng Tâm…
Lãnh đạo tỉnh cho biết, có được kết quả trên đó là địa phương đã đúc rút ra những bài học kinh nghiệm. Theo đó, sự lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là vai trò của người đứng đầu các cấp quyết liệt, thường xuyên, liên tục, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm của các DN, HTX, hộ dân vượt lên để trở thành nhà sản xuất, kinh doanh có uy tín và thương hiệu trên thị trường - chính là nhân tố, động lực thúc đẩy Chương trình OCOP phát triển và ngược lại.
Bên cạnh việc thực hiện các chính sách theo quy định chung của Nhà nước, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết 25/2020/NQ- HĐND ngày 13/12/2020 quy định một số chính sách hỗ trợ và thưởng thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, bao gồm 4 chính sách chính:
Một là, hỗ trợ 50% tổng chi phí mua sắm máy móc, thiết bị, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất sản phẩm OCOP, nhưng không quá 500 triệu đồng/cơ sở sản xuất, kinh doanh và chỉ hỗ trợ 1 lần cho cả giai đoạn (2021 - 2025).
Hai là, hỗ trợ 50% tổng chi phí xây dựng, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị bảo quản, trang trí điểm cho đơn vị thực hiện việc giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP, nhưng không quá 300 triệu đồng/điểm giới thiệu và bán hàng sản phẩm OCOP và chỉ hỗ trợ 1 điểm cho mỗi huyện, thị xã, tối đa 2 điểm cho TP. Vinh trong giai đoạn 2021 – 2025.
Ba là, hỗ trợ 50% tổng chi phí thiết kế, mua bao bì thương phẩm, mua nhãn hàng hóa, nhưng không quá 50 triệu đồng/sản phẩm và được hỗ trợ cho mỗi lần nâng hạng sao.
Bốn là, khen thưởng cho mỗi sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên.
“Chìa khóa” mang lại thành công
Công ty CP Dược liệu Pù Mát (huyện Con Cuông) hiện có 7 sản phẩm trà dược liệu đạt “4 sao” OCOP.
Để các sản phẩm OCOP của đơn vị khẳng định được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, tạo được sự tin tưởng của người tiêu dùng, theo Giám đốc Công ty CP Dược liệu Pù Mát,Phan Xuân Diện:
“Sản phẩm OCOP, bắt buộc phải áp dụng khoa học và công nghệ vào chuỗi sản xuất để nâng cao chất lượng, mẫu mã và giảm sức lao động.
Chính vì vậy, những năm qua, nhờ ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nên 7 sản phẩm đạt “4 sao” OCOP cấp tỉnh luôn đảm bảo chất lượng, mẫu mã, bao bì ngày càng đẹp hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng”.
Để nâng hạng sao OCOP cho sản phẩm nấm sò, Công ty CP Sinh học An Hà (huyện Tân Kỳ), đã không ngừng hiện đại hóa công nghệ từ máy trộn nguyên liệu, máy đóng bịch, hấp bịch… nhằm giảm sức lao động, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất; hầu hết công đoạn từ khâu xử lý nguyên liệu, đóng, hấp nấm đến quy trình chăm sóc... đều áp dụng khoa học và công nghệ trong điều kiện có thể. Nhờ đó, một trong những sản phẩm nấm sò của DN đã đạt “3 sao” OCOP cấp tỉnh năm 2021.
Thực tế, nhằm nâng cao giá trị sản xuất, khẳng định thương hiệu, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm OCOP trên thị trường, nhiều chủ thể kinh tế đã chú trọng đầu tư ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh và chế biến.
Đặc biệt, có không ít chủ thể kinh tế ở khu vực miền núi đã và đang quan tâm thực hiện việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và chế biến sản phẩm, qua đó góp phần nâng tầm các sản phẩm OCOP trên thị trường.
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Thực hiện chiến lược xây dựng vùng nguyên liệu, chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật và công nghệ, khắc phục những “nút thắt”, nhược điểm (tem nhãn, bao bì, mã số, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm...) – sẽ là các kết quả nổi bật về ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.
Những năm qua, Nghệ An đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm khuyến khích DN, HTX, các chủ thể đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm OCOP thông qua những cơ chế, chính sách hỗ trợ về đầu tư, đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối giữa “các nhà”, hỗ trợ vốn vay xây dựng nhà xưởng.
Đồng thời, Nghệ An tiến hành khảo sát, đánh giá nhu cầu ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật và công nghệ để tư vấn, hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP tại các địa phương; phối hợp với các địa phương tích cực hướng dẫn DN, tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, ghi nhãn hàng hóa, mẫu mã bao bì sản phẩm, đăng ký mã số, mã vạch..., góp phần khẳng định tên tuổi, nhãn hiệu của sản phẩm trên thị trường.
Có thể nói, khoa học và công nghệ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, chất lượng, mẫu mã sản phẩm ngày càng được nâng cao. Vì lẽ đó, các sở, ban, ngành của tỉnh đã tích cực – chủ động hỗ trợ, chuyển giao khoa học và công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinhh doanh, trồng trọt, chế biến, đóng gói sản phẩm.
Tuy nhiên, đạt được “sao” OCOP đã khó, nâng cao chất lượng còn khó hơn. Vì vậy, các DN, tổ chức, cá nhân - chủ thể của sản phẩm OCOP cần xác định rõ khâu quan trọng hàng đầu đó là không ngừng đổi mới công nghệ trên các dây chuyền sản xuất, từ đó mẫu mã, bao bì sẽ được đổi mới, chất lượng sản phẩm được nâng cao, tạo nên sức cạnh tranh trên thị trường.
Sương Thu