Phát triển chuỗi liên kết bền vững trong khu vực kinh tế tập thể

Việt Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ về tư duy sản xuất, hướng tới đa giá trị, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đồng thời mỗi ngành hàng phát triển các chuỗi giá trị là điều cần thiết. Trong đó, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã có vai trò quan trọng về liên kết, phát triển chuỗi liên kết một cách bền vững.

Nhận thức về liên kết chuỗi còn hạn chế

Phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác xã quốc gia với chủ đề 'Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm' diễn ra sáng 11/4/2024 tại Hà Nội, bà Cao Xuân Thu Vân- Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết, hiện nay cả nước có 31.764 HTX, trong đó 20.960 HTX nông nghiệp (tăng 250 HTX so với cuối năm 2023) và 10.804 HTX phi nông nghiệp (tăng 150 HTX so với cuối năm 2023); 133 liên hiệp HTX, trong đó có 100 liên hiệp HTX nông nghiệp và 33 liên hiệp HTX phi nông nghiệp; 120.983 tổ hợp tác, trong đó 76.456 tổ hợp tác nông nghiệp, 44.497 tổ hợp tác phi nông nghiệp.

Diễn đàn Hợp tác xã quốc gia với chủ đề 'Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm' có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái (giữa).Diễn đàn Hợp tác xã quốc gia với chủ đề 'Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm' có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái (giữa).

Đã có hơn 4.000 HTX tham gia sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị hàng hóa, chiếm gần 13% trong tổng số HTX cả nước và cũng có khoảng 30% trong tổng lượng sản phẩm OCOP trên cả nước là sản phẩm của HTX nông nghiệp. Khi tham gia chuỗi giá trị, chi phí sản xuất, kinh doanh của HTX giảm từ 5- 10%, doanh thu tăng thêm 15- 20%. Lợi nhuận cũng cao hơn từ 10- 12%, mang lại nhiều lợi ích cho các thành viên trong HTX.

“Hiệu quả của kinh tế tập thể, HTX chính là nền tảng vững chắc để xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị hàng hóa bền vững trên cả nước. Bởi những cá thể, hộ nông dân nhỏ lẻ ít có khả năng sản xuất đi hết các bước của một chuỗi giá trị, và lợi nhuận từ khâu sản xuất theo quy mô hộ cũng thấp hơn so với HTX. Chỉ có HTX mới có khả năng liên kết người dân và doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi giá trị, đem lại giá trị, lợi nhuận cao”- Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh.

Ở góc độ các HTX, ông Tạ Việt Hùng- Giám đốc HTX Đầu tư Nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì cho rằng, hiện các chuỗi liên kết sản xuất mới bước đầu hình thành nên sự liên kết chưa chặt chẽ, quá trình thực hiện còn lúng túng; khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Đại diện Hợp tác xã Tài Hoan chuyên chế biến tinh bột dong riềng và sản xuất miến dong, trụ sở chính tại Thôn Chè Cọ, xã Côn Minh, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn cho hay, khả năng nắm bắt thông tin thị trường, sử dụng, ứng dụng kết nối các kênh của HTX còn nhiều hạn chế, do trình độ cũng như năng lực thực tế nguồn nhân sự của HTX.

Với HTX Tân Tiến (tỉnh Lâm Đồng), ông Mai Văn Khẩn - Giám đốc HTX nhấn mạnh, HTX đã xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm khép kín, giúp thành viên giảm giá thành đầu vào, tăng giá trị sản phẩm với đầu ra ổn định, giảm chi phí từ quá trình sản xuất đến vận chuyển và tiêu thụ, đồng thời khách hàng sử dụng sản phẩm của HTX được an toàn cho sức khỏe.

Tuy nhiên, nhận thức của thành viên về sản xuất theo chuỗi liên kết còn hạn chế: tính liên kết giữa thành viên và HTX chưa chặt chẽ, một số hộ thành viên liên kết còn hạn chế, chưa thực sự tuân thủ những ràng buộc với HTX, vẫn còn tâm lý so sánh, bán hàng ra ngoài, phá vỡ hợp đồng liên kết khi thị trường lên cao vì việc áp dụng đúng quy trình sản xuất theo chuỗi đòi hỏi nhiều quy trình và công đoạn; tính cạnh tranh về giá cả với các mặt hàng sản xuất theo phương thức truyền thống, tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ còn nhiều, canh tác theo thói quen, do đó việc tuân thủ theo quy trình kỹ thuật đồng nhất còn gặp khó khăn. 

Sản phẩm của các HTX trưng bày quảng bá tại Diễn đàn Hợp tác xã quốc giaSản phẩm của các HTX trưng bày quảng bá tại Diễn đàn Hợp tác xã quốc gia

Cần chính sách cụ thể hỗ trợ phát triển liên kết chuỗi

Theo các chuyên gia, Việt Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ về tư duy sản xuất, hướng tới đa giá trị, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đồng thời mỗi ngành hàng phát triển các chuỗi giá trị là điều cần thiết. Trong đó, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã có vai trò quan trọng về liên kết, phát triển chuỗi liên kết một cách bền vững.

Thời gian qua, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ phát triển liên kết theo chuỗi giá trị giúp cho nhiều nơi và lĩnh vực đã hình thành nhiều chuỗi giá trị đồng bộ từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, theo các hình thức liên kết khác nhau và đem lại lợi ích cho hàng chục ngàn hộ nông dân. Tuy nhiên sự phát triển của chuỗi nông nghiệp và nhiều ngành khác chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển trong cơ chế thị trường cạnh tranh; chưa khai thác hết tiềm năng trong liên kết. Chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chưa phát triển, giá thành sản xuất còn cao.

Trao đổi tại Diễn đàn, các đại biểu cho rằng, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các HTX và bà con nông dân tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; gắn kết chặt chẽ hơn việc liên kết giữa doanh nghiệp và HTX theo ký kết hợp đồng. Ưu tiên đầu tư cho hoạt động chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch để nâng cao chất lượng sản phẩm. Xây dựng một số mô hình điểm, mang tính đột phá để nhân rộng. Đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng các mô hình HTX, tổ hợp tác liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản hàng hóa theo chuỗi giá trị cao...

Đứng chân ở tỉnh Bắc Kạn rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm 50%, để giúp bà con phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo bền vững, bà Nguyễn Thị Hoan- Giám đốc HTX Tài Hoan bày tỏ mong muốn được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam để bổ sung thêm vốn lưu động, hỗ trợ giống, vật tư phân bón để các thành viên, các hộ dân liên kết mở rộng diện tích tăng sản lượng sản phẩm, tăng thêm thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân vùng đồng bào khó khăn.

Giám đốc HTX Đầu tư Nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì- ông Tạ Việt Hùng thì kiến nghị: Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các HTX và bà con nông dân tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; gắn kết chặt chẽ hơn việc liên kết giữa doanh nghiệp và HTX theo ký kết hợp đồng. Ưu tiên đầu tư cho hoạt động chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch để nâng cao chất lượng sản phẩm. Xây dựng một số mô hình điểm, mang tính đột phá để nhân rộng.

"Đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng các mô hình HTX, tổ hợp tác liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản hàng hóa theo chuỗi giá trị cao. Đặc biệt, cần có chính sách cụ thể hỗ trợ các HTX, tổ HTX duy trì phát triển làng nghề, phát huy giá trị tryền thống bản sắc dân tộc"- ông Tạ Việt Hùng nêu rõ. 

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, tập trung vào phân tích thực trạng phát triển của khu vực kinh tế tập thể, HTX, mức độ HTX tham gia chuỗi giá trị, trong đó phân tích những gì đã làm được, chưa làm được; tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; phân tích cơ hội, thách thức và nhu cầu hỗ trợ để các HTX tham gia phát triển bền vững chuỗi giá trị thời gian tới; đồng thời đề xuất những giải pháp đột phá để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thu hút nguồn lực xã hội; tăng cường liên kết giữa các thành viên tham gia kinh tế tập thể, tham gia phát triển bền vững chuỗi giá trị; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.

Lê Kim Liên/vietq

 

Bài liên quan

Cùng chuyên mục