Hoàn thiện khung pháp lý trong hoạt động “livestream bán hàng”

Theo ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định: "Khi thực hiện livestream bán hàng trên mạng, tức là hoạt động này đã phát sinh doanh thu và thu nhập thì phải chịu sự điều chỉnh của các luật thuế, sắc thuế cũng như chịu sự quản lý giám sát của cơ quan thuế"...

Livestream là một từ tiếng Anh có nghĩa là “phát sóng trực tiếp” dưới dạng video những gì đang xảy ra ngay tại thời điểm đó (gương mặt, cảnh vật, sự kiện…) qua hệ thống mạng internet và mọi tương tác đều diễn ra một cách trực tiếp. Bất cứ người nào có khả năng sử dụng internet trên thế giới đều có thể tương tác với người đang thực hiện livestream.

Livestream bán hàng là hoạt động kinh doanh trong đó chủ thể kinh doanh tự mình hoặc thông qua người thứ ba phát video trên các nền tảng trực tuyến trong thời gian thực để giới thiệu, quảng cáo và bán hàng hóa, dịch vụ cho người xem livestream. So với hình thức bán hàng trực tiếp và thương mại điện tử truyền thống, livestream bán hàng mang lại nhiều lợi ích hơn cho cả người bán và người mua như giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, gia tăng niềm tin của khách hàng...Hình ảnh livestream chốt đơn lên đến 75 tỷHình ảnh livestream chốt đơn lên đến 75 tỷ

Nhiều dự báo đã cho thấy, livestream không chỉ là một xu hướng bán hàng trực tuyến mà sẽ sớm trở thành một ngành công nghiệp quy mô lớn tại Việt Nam như đã và đang diễn ra tại Trung Quốc. Tuy có tiềm năng phát triển to lớn, nhưng hành lang pháp lý liên quan đến vấn đề này chưa thực sự đầy đủ đã khiến việc quản lý hoạt động livestream bán hàng gặp nhiều khó khăn. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết cần phải thiết lập một hành lang pháp lý phù hợp để quản lý hoạt động livestream bán hàng.

Ở Trung Quốc, từ cuối năm 2020, chính quyền đã thắt chặt kiểm soát các nền tảng livestream trong bối cảnh tăng cường kiểm duyệt trực tuyến và kiềm chế các gã khổng lồ công nghệ bằng việc: kiểm soát nội dung, cấm thanh thiếu niên thực hiện giao dịch mua hàng, giới hạn tổng chi tiêu của bất kỳ người dùng nào, đồng thời thắt chặt các quy tắc về livestream trên sàn thương mại điện tử - một trong những hình thức mua sắm trực tuyến phát triển nhanh nhất ở đây.

Ngoài ra, đối với nội dung yêu cầu kiến thức như lĩnh vực y tế, tài chính và giáo dục, người phát livestream phải có trình độ chuyên môn và đăng ký trước với nền tảng. Những người cố tình vi phạm có thể bị khóa tài khoản và bị đưa vào danh sách cảnh báo, nặng hơn là danh sách đen và không thể tiếp tục livestream được nữa…

Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc quản lý các nền tảng livestream xuyên biên giới. Không giống Trung Quốc, nơi các doanh nghiệp nước ngoài không được phép kinh doanh nền tảng livestream và mọi truy cập từ Trung Quốc tới các nền tảng bên ngoài đều bị chặn bởi hệ thống tường lửa, thì ở Việt Nam, các nền tảng livestream đa phần đều thuộc doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới lại chưa tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam , các nền tảng livestream này đều có tên miền quốc tế, đặt máy chủ ở nước ngoài, cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, điều đó gây khó khăn cho công tác quản lý, xử lý các hành vi vi phạm khi livestream trên các nền tảng này. Các nền tảng này không yêu cầu người dùng phải xác minh danh tính khi đăng ký tài khoản và khi phát livestream. Do đó, khi phát hiện vi phạm thường khó xử lý hành chính vì khó xác định được nhân thân chủ thể vi phạm.

Thời gian vừa qua, giới bán hàng thông qua kênh công nghệ đứng ngồi không yên với một phiên livestream bán hàng đạt doanh thu 75 tỷ đồng của một kênh TikTok. Kênh TikTok này tổ chức livestream bán hàng trực tuyến kéo dài 13 tiếng đồng hồ. Tài khoản này bán được gần 100 sản phẩm đến từ 50 thương hiệu thuộc các ngành hàng như mỹ phẩm, đồ gia dụng, trang sức, điện tử…

Chỉ nhìn về con số doanh thu, nhiều người sẽ trầm trồ về mức độ kết nối, tương tác, nhưng không thể biết là rất nhiều đơn hàng ảo, tự đặt hàng hay các đơn hàng đặt rồi huỷ... Dù doanh thu thực tế có thể thấp hơn, nhưng việc công bố doanh thu "khủng", ít nhất các nhà bán hàng đã đạt được mục đích là "khoe" thành tích, khẳng định thương hiệu cá nhân để tiếp tục phục vụ cho việc bán hàng thời gian tới.

Livestream bán hàng là hình thức, công cụ kinh doanh của doanh nghiệp lẫn cá nhân và sẽ còn phát triển mạnh hơn theo công nghệ số. Việc áp dụng các hình thức này sẽ giúp người bán hàng nhiều hơn, thúc đẩy thị trường tiêu dùng. Tuy nhiên, điều này đặt ra vấn đề quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh qua mạng. Nếu các cá nhân bán hàng qua mạng có thu nhập khủng không nộp thuế thì không công bằng với cá nhân, hộ kinh doanh lẫn người làm công ăn lương phải đóng đủ thuế thu nhập cá nhân.

Chị Phan Ánh N (Ba Vì, TP. Hà Nội), chủ shop bán hàng quần áo và cũng là người thường xuyên livestream bán hàng cho nhiều chủ shop cho rằng, họ quay video, clip ngắn hay dài, livestream hay bài PR, làm event đều có hợp đồng. Khi đã có hợp đồng, hai bên sẽ thỏa thuận mức thuế 10% GTGT và thuế TNCN ai phải đóng? Thường thì doanh nghiệp sẽ phải đóng, vì khoản này được hạch toán vào chi phí doanh nghiệp.

Rõ ràng việc đóng thuế khi phát sinh thu nhập bằng các hình thức này thì họ đã đóng thuế rồi. Trên thực tế, khi hợp tác với doanh nghiệp, nhãn hàng để giới thiệu sản phẩm trên trang cá nhân đều chung một quan điểm là có phát sinh thu nhập thì phải làm nghĩa vụ thuế. Thế nhưng thu thuế sẽ dựa trên những điều khoản nào để có cơ sở áp dụng. Còn chưa có luật định khung thì công dân được phép làm bất cứ thứ gì khi pháp luật không cấm.

“Làm được việc này thực sự không hề đơn giản. Cần phải có lộ trình cụ thể, nếu không phải là thu nhập cá nhân thì cần có quy định ra sao, mức như thế nào. Chúng tôi không phản đối đề xuất này nhưng phải làm thế nào cho phù hợp, để các cá nhân có những hoạt động này tâm phục khẩu phục”. Chị N chia sẻ thêm.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài Chính cho biết: “Đối với hoạt động thương mại điện tử nói chung hay hoạt động livestream bán hàng trên mạng nói riêng, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) hiện đang thực hiện quản lý và giám sát theo hai sắc thuế”.

Nếu là cá nhân thực hiện hoạt động thương mại điện tử hay livestream bán hàng, có phát sinh doanh thu và phát sinh thu nhập thì sẽ phải chịu thuế đối với thu nhập của bản thân mình điều chỉnh bởi Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Đối với trường hợp các hộ kinh doanh gia đình thực hiện các hoạt động thương mại điện tử hay livestream bán hàng và có phát sinh doanh thu thì thực hiện quản lý và thu thuế theo quy định liên quan đến quản lý đối với hộ kinh doanh. Nếu hộ khoán thì nằm trong mức khoán thu thuế, nếu hộ có kê khai thì thực hiện theo hoạt động kê khai về thuế.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, đây cũng là hoạt động trong quá trình phát triển của công nghệ thông tin và thương mại điện tử nên gần đây có sự phát triển. Cơ quan thuế truyền thông rất nhiều đến tất cả những đối tượng tham gia hoạt động này để họ hiểu rõ các quy định về thuế và tự giác tiến hành kê khai và nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các cơ quan thuế cũng tiến hành giám sát và kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh này của các cá nhân và hộ kinh doanh.

"Thời gian tới, cơ quan thuế sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, livestream để không xảy ra tình trạng phải truy thu, xử lý sau này", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.

                                                                                                                                                 Thiên Anh

Bài liên quan

Cùng chuyên mục