Các công ty lớn như Google, Facebook, Microsoft… đã đầu tư bài bản vào trí tuệ nhân tạo (AI) từ lâu để tạo ra các nền tảng và hệ sinh thái. Đó có thể là cơ hội tốt khi chúng ta tận dụng sức sáng tạo của người Việt để “đứng trên vai người khổng lồ”.
Kể từ khi ra mắt hồi cuối tháng 11/2022, ChatGPT - chatbot được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI) do OpenAI phát triển - đã trở thành một hiện tượng thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của người dùng trên khắp thế giới. Khối lượng tri thức mà nó mang đến cho người dùng là minh chứng rõ nét về khả năng không giới hạn của AI.
PV Tạp chí Thương hiệu và Công luận đã có cuộc trao đổi với ông Lê Công Thành - chuyên gia trí tuệ nhân tạo, Chủ tịch Công ty InfoRe Technology - xung quanh chatbox đang “làm mưa làm gió” này, cũng như những lợi ích mà AI mang lại cho con người, cho xã hội.
“Mùa đông AI” qua đi - “Mùa xuân AI” đang đến
Một nhà khoa học Trung Quốc đã so sánh sự ra đời của ChatGPT trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo với “cú đáp đầu tiên trên mặt trăng” của loài người vào năm 1969 bởi khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên vượt trội. Từ góc độ của một chuyên gia, ông đánh giá thế nào về ưu và nhược điểm của chatbot này?
Bản thân tôi là một người đã theo ngành xử lý ngôn ngữ tự nhiên và học máy nhiều năm cũng có cảm nhận như vậy. ChatGPT giống như một kỳ quan của thế giới mới đối với tôi.
Chuyên gia trí tuệ nhân tạo Lê Công Thành thuyết trình tại một buổi hội thảo.
ChatGPT được hình thành dựa trên mô hình GPT-3 với công nghệ transformer đột phá trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (mới được các nhà khoa học của Google trình làng vào cuối năm 2017), khối dữ liệu khổng lồ do OpenAI và nhiều tổ chức dày công thu thập trên internet cùng với sức mạnh tính toán của các siêu máy tính hiện đại đã đào tạo. So sánh chất lượng đầu ra cực kỳ tinh sạch của ChatGPT với các mô hình xử lý ngôn ngữ tự nhiên trước đây, theo tôi, gọi ChatGPT là một kỳ quan cũng không hề thậm xưng.
Tuy nhiên, ChatGPT vẫn chỉ là một công cụ phần mềm. Tri thức mà hệ thống này mã hóa được chưa phân bố đồng đều ở các ngôn ngữ khác nhau do giới hạn về dữ liệu huấn luyện và độ phức tạp của mô hình AI. Có thể thấy chất lượng nội dung ở tiếng Anh tốt hơn nhiều so với tiếng Việt.
Hệ thống này tuy đưa ra được các câu trả lời thông minh, rất giống con người nhưng không có tri giác và vẫn bị giới hạn ở các nguồn dữ liệu trước năm 2021. Nó cũng mới chỉ là phiên bản thế hệ thứ 3 của hệ thống phần mềm GPT mà thôi. Tuy còn nhiều thiếu sót nhưng những điểm mạnh của ChatGPT đã đủ để thay đổi hầu hết các ngành nghề liên quan tới sản xuất và sáng tạo nội dung có trên thế giới.
Một AI phát triển đủ thông minh có đủ khả năng thống lĩnh thị trường, đe dọa hay thậm chí là thay thế nguồn nhân lực truyền thống không, thưa ông?
ChatGPT có thể coi là một dạng AI đủ thông minh, nhưng trước đó đã có nhiều dạng AI thông minh khác “thống lĩnh thị trường”. Tiêu biểu là AI xếp hạng trên máy tìm kiếm của Google hoặc AI phân phối nội dung trên mạng xã hội - mạng quảng cáo Facebook. Tuy vậy, các dạng AI này không thực sự “lộ mặt” với đại chúng nên khó nhận thấy.
Các dạng AI hiện tại đều chưa có tri giác nên chúng ta cần nhìn nhận chúng như các dạng công cụ mới. Khi các công cụ mới xuất hiện, thường sẽ có những người không thích nghi kịp, không thạo sử dụng chúng và gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, các công cụ mới cũng thường sinh ra các thế hệ người lao động mới, thạo sử dụng công cụ và có thể cung cấp các giải pháp mới cho xã hội. Chúng ta có thể nhìn những người biết dùng Google, biết chạy quảng cáo Facebook để thấy rõ điều này.
Công cụ sẽ không thay thế con người còn người mới thay thế người cũ, tre già măng mọc là chuyện của muôn đời. Vì thế, theo tôi, các lực lượng lao động nên mừng nhiều hơn lo.
Chúng ta đã bàn nhiều về ChatGPT như một “cú hích” lớn với ngành trí tuệ nhân tạo. Vậy, thực tế, trí tuệ nhân tạo đã phát triển như thế nào và giúp ích gì cho con người hiện nay?
Trí tuệ nhân tạo (AI) đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong vài thập kỷ qua, với nhiều đột phá trong các lĩnh vực như thị giác máy tính, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, xử lý âm thanh và người máy. Tuy nhiên, để có những thành công gần đây, AI cũng đã trải qua một loạt thăng trầm, với những giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng, sau đó là những giai đoạn chậm lại do bị cắt giảm giảm nguồn tài trợ. Những sự phát triển chậm lại này thường được gọi là “Mùa đông AI”.
“Mùa đông AI” là giai đoạn giảm sự quan tâm, giảm tài trợ và đầu tư vào nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo. Trong “Mùa đông AI”, nhiều nhà nghiên cứu AI rời bỏ lĩnh vực này vì các công ty và tổ chức ít muốn đầu tư vào các dự án AI mới.
“Mùa đông AI” đầu tiên xảy ra vào cuối những năm 1970, đầu những năm 1980 và “Mùa đông AI” gần đây nhất bắt đầu vào cuối những năm 2010. Tuy nhiên, “Mùa đông AI” lần này nay ngắn hơn so với những mùa đông trước và lĩnh vực AI đã hồi phục mạnh mẽ kể từ sự ra mắt đại chúng của công nghệ học sâu (deep learning) vào năm 2012.
Bất chấp những thất bại mà AI đã trải qua trong quá khứ, lĩnh vực này vẫn là một trong những lĩnh vực khoa học và công nghệ máy tính phát triển nhanh chóng, thú vị nhất. Những tiến bộ đạt được trong vài thập kỷ qua đã dẫn đến các đột phá trong nhiều lĩnh vực con như xử lý âm thanh, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và thị giác máy tính, đồng thời cho phép phát triển các công nghệ mới như ô tô tự lái, trợ lý ảo thông minh, người máy, phần mềm thế hệ 2..., cũng như nâng tầm nhiều ngành khoa học khác.
AI đang lại một lần nữa đang nhận được nhiều sự quan tâm, đầu tư với những phát kiến mạnh mẽ, đáng kinh ngạc khiến nhiều chuyên gia tin rằng chúng ta đang trên đường lên đỉnh của một “Mùa xuân AI”.
“Mùa xuân AI” là giai đoạn gia tăng đầu tư, xuất hiện nhiều thành tựu vượt bậc và xã hội cũng dành các mối quan tâm đặc biệt đến trí tuệ nhân tạo. “Mùa xuân AI” được đặc trưng bởi sự thay đổi cả về chất và về lượng của những đột phá trong nghiên cứu, trong phát triển công nghệ AI mới và thương mại hóa các ứng dụng AI.
Một yếu tố quan trọng góp phần vào “Mùa xuân AI” sắp tới là sự đầu tư ngày càng tăng vào nghiên cứu và phát triển AI. Các công ty, chính phủ và tổ chức trên khắp thế giới đang đầu tư hàng tỷ đô la vào nghiên cứu, phát triển AI với mục tiêu thúc đẩy lĩnh vực này, thúc đẩy phát triển các ứng dụng AI và đổi mới sáng tạo.
“Mùa xuân AI” sắp tới đang được hỗ trợ lớn bởi sự sẵn có ngày càng tăng của dữ liệu lớn và sức mạnh tính toán, với sự phát triển của Internet di động, Internet vạn vật (IoT) và sự phổ biến rộng khắp của các thiết bị được kết nối, một lượng lớn dữ liệu đang được tạo ra mỗi ngày.
AI là một chặng đường quan trọng trong sự tiến hoá của nhân loại. Khác với các công nghệ nhất thời khác có tính bong bóng cao và chỉ xuất hiện, tồn tại trong vài thời điểm theo sự dẫn dắt của thị trường, AI bền bỉ và sống động, dù thịnh hay suy vẫn luôn tiến lên phía trước để ngày càng đưa nhân loại đến gần hơn với công bằng, tiến bộ.
Cơ hội để người Việt “đứng trên vai người khổng lồ”
Một số công ty lớn như Google, Facebook, Microsoft… đã đầu tư bài bản vào AI từ rất lâu để tạo ra các nền tảng và hệ sinh thái nhưng chưa đi vào các domain cụ thể. Ông lý giải việc này như thế nào? Đây có phải là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tìm ra cách thức riêng để phát triển AI cho thị trường trong nước?
Việc các doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới đã đầu tư rất sớm vào AI, thậm chí có các công ty “AI first” (được lập ra để làm AI) cho thấy tầm nhìn rất xa của các xã hội và các nền kinh tế tiến bộ. AI đã giúp cho các doanh nghiệp này phát triển lên cỡ “khổng lồ”, cung cấp được dịch vụ, sản phẩm cho hàng tỷ người trên toàn cầu và thậm chí “độc bá” trong các lĩnh vực của họ. Để làm được AI, các doanh nghiệp này đã khơi thông nguồn dữ liệu lớn và phát triển các công nghệ lõi từ rất lâu, thậm chí từ trước lúc Việt Nam có internet.
Đây có lẽ không phải là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam vì nếu bây giờ chúng ta mới nhìn ra tầm quan trọng của dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo thì có thể đã tương đối muộn. Hiện nay, thế giới đã bước sang giai đoạn phát triển đỉnh cao của AI. Chúng ta sẽ cần phải nỗ lực rất nhiều để gia nhập cuộc đua công nghệ này khi mà điều kiện phát triển và trình độ, kinh nghiệm của người Việt Nam trong lĩnh vực này còn khá hạn chế.
Tuy nhiên, cũng có thể có những cơ hội tốt. Ta có thể tận dụng sức sáng tạo của người Việt để “đứng trên vai người khổng lồ”, ứng dụng các công nghệ AI hiện đại vào các lĩnh vực sáng tạo và chuyển đổi số để sớm bắt kịp các quốc gia tiên tiến, theo cách Việt Nam đã làm với viễn thông và internet di động. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ cần nhiều sự cổ vũ và hậu thuẫn của cả xã hội để làm được điều này.
Việt Nam đang phát triển trí tuệ nhân tạo như thế nào, thưa ông?
Các nhà nghiên cứu AI người Việt đã được tiếp cận AI từ lâu, nhất là với những người được đi du học. Tuy nhiên trước đây, do giới hạn điều kiện phát triển và hạn chế về mặt ứng dụng, các nhóm nghiên cứu AI ở Việt Nam thường chỉ phân bố trong các trường đại học và đạt được các kết quả hạn chế trong một số lĩnh vực phổ biến như xử lý ngôn ngữ tự nhiên, xử lý ảnh, xử lý giọng nói…
Một số người Việt sống và làm việc ở nước ngoài trong các doanh nghiệp lớn có điều kiện làm các bài toán AI hiện đại, có những cá nhân gây tiếng vang trên thế giới như Tiến sĩ Lê Viết Quốc, nhưng đó có lẽ là các thành tựu có nguồn gốc Việt mà thôi.
Trong nước, vài năm trở lại đây có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng AI, tuy nhiên, đa phần vẫn chỉ làm các bài toán đơn giản, phổ biến xoay quanh nhận dạng hình ảnh, giọng nói, chưa đạt đến tầm của thế giới nhưng cũng đã tạo được nhiều tác động với thị trường chuyển đổi số trong nước.
Vậy đâu là các yếu tố để phát triển AI tại Việt Nam? Làm sao để AI Việt Nam có thể cạnh tranh với AI thế giới ngay trong thị trường nội địa?
Việt Nam đang trong một cuộc vận động chuyển đổi số toàn quốc. Dân số của Việt Nam lớn, độ phủ của internet và thiết bị thông minh cao. Điều này giúp lượng dữ liệu số sinh ra mỗi ngày ở Việt Nam là rất lớn, tạo ra nguồn tài nguyên để phát triển AI.
Người Việt được đào tạo nhiều về toán học ở trường phổ thông, nhờ thế tiếp cận các kiến thức phát triển AI hiện đại không quá khó khăn. Trào lưu học và tự học AI của các bạn trẻ hiện nay tương đối mạnh mẽ, đó cũng là một điều kiện tốt.
Ngoài ra, xã hội Việt Nam đón nhận sự đổi mới rất nhanh, rất mạnh và luôn hướng về tương lai, cũng là một dạng tài nguyên mềm của xã hội Việt Nam. Ta có thể nhìn vào ảnh hưởng của ChatGPT đối với xã hội chỉ từ sau Tết đến nay để thấy điều này. Người Việt đang có hiệu suất lao động thấp, thu nhập đầu người không cao, việc ứng dụng AI nhờ thế sẽ dễ dàng được nhiều người đón nhận, vì các công cụ AI sẽ giúp người Việt đạt được những tầm cao mới.
Tôi rất kỳ vọng vào tương lai của AI ở Việt Nam!
Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Duy Khánh