Liên đoàn Thương mại và Công nghệ Việt Nam đề nghị bổ sung cách xác định chủ sở hữu và tiêu chí xác định đối tượng thuộc diện kiểm tra là hàng hoá lưu thông bằng phương thức thương mại điện tử.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có một số góp ý đối với Dự thảo Thông tư Quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường thay thế Thông tư số 26/2012TT-BKHCN và Thông tư số 12/2017/TT-BKHCN.
VCCI bổ sung tiêu chí hàng hóa thuộc diện kiểm tra trên sàn thương mại điện tử.
Bổ sung cách xác định chủ sở hữu hàng hoá và tiêu chí xác định đối tượng thuộc diện kiểm tra
Theo VCCI, trên thực tế, hàng hoá được giao dịch qua các sàn thương mại điện tử thường là hàng hoá đã được bao gói đầy đủ, bao gồm cả các biện pháp chống sốc, chống va chạm. Trường hợp kiểm tra các sản phẩm này sẽ yêu cầu phải mở các bao gói, trong trường hợp hoạt động kiểm tra làm ảnh hưởng đến sản phẩm thì trách nhiệm khắc phục hay bao gói lại chưa được quy định cụ thể. Phản ánh của doanh nghiệp cho thấy đây là bất cập mà chưa có hướng giải quyết do thiếu quy định của pháp luật.
Về phương thức kiểm tra (Điều 5, dự thảo Thông tư), VCCI nhận định, quy định hiện tại chưa rõ kế hoạch kiểm tra đối với hàng hoá giao dịch trên sàn thương mại điện tử sẽ được phân loại theo mặt hàng hay theo sàn hay theo người bán?
Nếu một sàn có đơn vị vận chuyển riêng thì có kiểm tra theo chuyến hàng hay tiêu chí nào. Quy định chung chung như hiện tại sẽ dẫn đến khả năng có thể kiểm tra tất cả, nếu trong trường hợp kiểm tra hàng hoá trên đường vận chuyển một xe vận chuyển có thể phải kiểm tra hết toàn bộ, hoặc nếu chỉ kiểm tra một mặt hàng nhưng cũng sẽ gây ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng của tất cả các mặt hàng còn lại.
Cũng theo VCCI, định nghĩa về chủ sở hữu hàng hoá đối với hàng hoá đang trên đường vận chuyển, được mua bán thông qua sàn thương mại điện tử được xác định như thế nào? Việc này liên quan trực tiếp đến nghĩa vụ của người vận chuyển, làm căn cứ để tiến hành việc kiểm tra đúng pháp luật và cho phép người vận chuyển có quyền từ chối phối hợp việc kiểm tra một cách minh bạch hơn.
Từ các phân tích trên, VCCI đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung cách xác định chủ sở hữu hàng hoá và tiêu chí xác định đối tượng thuộc diện kiểm tra là hàng hoá được lưu thông bằng phương thức thương mại điện tử; bổ sung vào nội dung của mẫu Biên bản kiểm tra các quy định về trách nhiệm của chủ sở hữu hàng hoá, người vận chuyển, cán bộ thuộc đoàn kiểm tra đối với hàng hoá sau kiểm tra nếu không phát hiện vi phạm nhưng có xảy ra thiệt hại phát sinh từ hoạt động kiểm tra Nhà nước về chất lượng.
Bổ sung quy định về công khai kế hoạch kiểm tra
Về căn cứ kiểm tra đột xuất về chất lượng hàng hoá (Điều 5 Dự thảo), một trong những căn cứ kiểm tra đột xuất về chất lượng hàng hóa hiện hành là: “Theo yêu cầu quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá” (điểm a, Khoản 2, Điều 5).
Tuy nhiên, cũng theo VCCI, quy định này chưa đủ rõ ràng (không rõ về phạm vi của “yêu cầu quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa” là như thế nào? Hoặc phạm vi này là quá rộng và có thể kiểm tra doanh nghiệp bất kì lúc nào vì bất kì lý do nào liên quan đến kiểm tra chất lượng hàng hóa) và có thể dễ bị lạm dụng để tiến hành kiểm tra và ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của doanh nghiệp.
Từ đó, VCCI đề nghị ban soạn thảo xem xét quy định các căn cứ cụ thể, rõ ràng về việc kiểm tra đột xuất chất lượng hàng hóa theo yêu cầu của cơ quan quản lý, nếu không thể quy định rõ ràng hơn, đề nghị bỏ quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 5 dự thảo Thông tư, các căn cứ còn lại quy định tại khoản 2, Điều 5 đã bảo đảm phản ánh đầy đủ, hợp lý các căn cứ để kiểm tra đột xuất chất lượng hàng hóa.
Việt Anh