Kích cầu nông sản sạch tại thị trường Hà Nội

Kết nối cung-cầu hàng hóa; hợp tác thương mại với các tỉnh, thành phố; phiên chợ nông sản... là những hoạt động hiệu quả được Sở Công thương Hà Nội tổ chức nhằm kết nối tiêu thụ hàng hóa, nông sản giúp nông dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống thời gian vừa qua.

Nhằm đẩy mạnh khai thác sản phẩm thế mạnh của các địa phương, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô. Những năm qua, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại. Điều này thể hiện rõ ở việc Hà Nội đã triển khai công tác liên kết cung – cầu tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh, TP giúp các doanh nghiệp của Hà Nội thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, trao đổi hàng hóa hai chiều.Ảnh minh họaẢnh minh họa

Mục tiêu hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa được Hà Nội triển khai thông qua nhiều chương trình, hoạt động, như: Kết nối cung-cầu hàng hóa, hội chợ thương mại, hội chợ du lịch, kích cầu tiêu thụ sản phẩm vùng, miền... Các hoạt động này đều góp phần tạo thuận lợi cho hàng nội địa, nông sản Việt khẳng định chỗ đứng trên thị trường.

Trong đó, các phiên chợ nông sản là bước đi tích cực, sáng tạọ với mục đích hỗ trợ nhà nông kết nối với DN, nhà phân phối, đưa sản phẩm nông nghiệp tiếp cận gần hơn với nhu cầu của người tiêu dùng trên phạm vi rộng. Để thực hiện mục đích đó, ban tổ chức phiên chợ chủ động liên hệ với các DN, nhà phân phối, chủ siêu thị... để chung tay tiêu thụ nông sản. Song, vấn đề quan trọng là sản phẩm phải bảo đảm sạch, an toàn, đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, thời gian qua, Hà Nội cùng với 30 tỉnh, thành phố triển khai nhiều hoạt động kết nối cung- cầu hàng hóa phục vụ thị trường Thủ đô. Cụ thể, hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Trị, Bắc Kạn, Tây Ninh, Hải Dương… làm việc trực tiếp với hệ thống phân phối Hà Nội để giới thiệu, kết nối sản phẩm đặc sản, đặc trưng.

Bên cạnh đó, tổ chức trên 40 hoạt động giao thương, hội chợ, tuần hàng tại Hà Nội và các tỉnh tổ chức qua đó giới thiệu 3.000 sản phẩm của 30 tỉnh, thành đến hệ thống phân phối Hà Nội. Thông qua những hoạt động này, riêng năm 2023 TP Hà Nội đã hỗ trợ các tỉnh, thành tiêu thụ trên 500.000 tấn sản phẩm hàng Việt…

Năm 2024, TP Hà Nội cũng chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội chủ trì, phối hợp Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước theo Chương trình Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP; hỗ trợ các tỉnh, TP tổ chức kết nối cung cầu hàng hóa, tiếp cận, đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối trong nước và nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn TP.

Có khá nhiều DN đã phát triển liên kết chăn nuôi theo mô hình 3 bên, gồm: Trang trại-nhà cung ứng con giống, thức ăn chăn nuôi-DN bao tiêu sản phẩm. Chuỗi mặt hàng rau, củ, quả cũng áp dụng tiêu chuẩn chất lượng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP trong suốt quá trình trồng, chăm bón, thu hoạch. Song, công tác kiểm tra, kiểm soát đòi hỏi phải được cơ quan chức năng duy trì đều đặn, thường xuyên nhằm phát hiện sớm, ngăn chặn nông dân, nhà sản xuất buông lỏng quy trình. Các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh kiểm tra sản phẩm tận gốc, tại nguồn, chỉ những sản phẩm đạt chứng nhận an toàn mới được phép lưu thông, kinh doanh. Trong đó, các mặt hàng nông sản đạt tiêu chuẩn cần được ưu tiên tiêu thụ tại những thị trường lớn.

Đồng thời, yêu cầu cập nhật yêu cầu về sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, trung tâm thương mại để thông tin tới các đơn vị sản xuất, cung ứng hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn để dễ dàng đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối hiện đại…

Thủy Nguyễn

Bài liên quan

Cùng chuyên mục