Sơn La: Nhiều mô hình phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả

Thời gian qua, lãnh đạo các ban ngành tỉnh Sơn La đã triển khai đồng bộ cũng như tuyên truyền để người dân áp dụng các cách làm hay trong các việc xây dựng mô hình nông thôn mới nhằm đem lại lợi ích cho người dân.

Mô hình nuôi gà đẻ trứng của gia đình bà Trần Thị YếnMô hình nuôi gà đẻ trứng của gia đình bà Trần Thị YếnThực hiện phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, các cấp lãnh đạo và chính quyền địa phương trong tỉnh Sơn La đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt trong đó tập trung phát hiện và tuyên truyền các mô hình tốt, cách làm hay, để người dân hiểu rõ hơn về vai trò, lợi ích thiết thực của việc xây dựng nông thôn mới, từ đó nhằm huy động tối đa sự tham gia đóng góp cả về trí tuệ, công sức và nguồn lực của người dân.

Bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên có 120 hộ với 468 nhân khẩu, đồng bào dân tộc Kinh, Thái, Mường, Dao cùng sinh sống. Bằng sự nỗ lực của các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương, cán bộ và người dân, bản Nghĩa Hưng đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng bản nông thôn mới kiểu mẫu, gồm: Nhà ở dân cư; hệ thống điện; thu nhập; hộ nghèo; hệ thống chính trị và an ninh; chấp hành quy ước; hương ước và quy định của các tổ chức; vườn hộ và công trình chăn nuôi; hàng rào cổng ngõ; đường giao thông; nhà văn hóa và hoạt động văn hóa; vệ sinh môi trường.

Đến tháng 3/2023, Bản Nghĩa Hưng được công nhận bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về tổ chức sản xuất và kinh tế nông thôn. 

Để đạt được thành tích đó, phải kể đến hộ ông Nguyễn Văn Tiến với mô hình chăn nuôi bò 3B, bò ta và một số vật nuôi khác. Hay như mô hình nuôi lợn từ 50 - 200 con điển hình như hộ anh Khanh Tường, hộ anh dũng Hường, hộ bà Đặng Thị Lưu và nhiều hộ khác, cho thu nhập bình quân từ 200-250 triệu đồng/năm.

Về mô hình trồng cây ăn quả có múi điển hình như hộ gia đình Nguyễn Văn Sử trồng 1,6 ha quýt ngọt, cho thu nhập mỗi năm từ 600 - 800 triệu đồng.

Để đạt được nhưng thành công ấy, Bản Nghĩa Hưng đã triển khai thực hiện chương trình trồng cây ăn quả trên đất dốc và áp dụng công nghệ khoa học vào sản xuất. Sản phẩm quýt ngọt của HTX trồng cây ăn quả bản Nghĩa Hưng được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Ở bản Hôm, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, người dân biết đến gia đình ông Lò Minh Văn với mô hình nuôi lợn quy mô lớn. Tổng diện tích quy mô chuồng trại là 3.000m2, nuôi lợn nái sinh sản 70 con và nuôi trung bình 500 con. Thu nhập từ 3 đến 4 tỷ/1 năm. Tống diện tích đất hơn 3ha, phân lợn và nước thải bể bioga dùng để bón cây cà phê và cây ăn quả.

"Yếu tố để thành công là quy mô lớn so với hộ thông thường và phân lợn được dùng cho nông nghiệp. Gia đình ông mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó, gia đình ông đã áp dụng mô hình sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hóa; đi đầu trong việc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất thực phẩm sạch gắn với bảo vệ môi trường nông thôn. Gia đình ông 5 năm đạt danh hiệu hộ gia đình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh", ông Lò Minh Văn cho biết.

Một điển hình trong chăn nuôi giỏi khác là bà Trần Thị Yến, bản Thống Nhất, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã với mô hình nuôi gà đẻ trứng. Với quy mô ban đầu 5.000 con, sau đó nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật, cùng với sự quan tâm, hướng dẫn kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn, cán bộ thú y, gia đình đã nâng tổng quy mô chăn nuôi lên 5.000 con với sự sinh trưởng, phát triển và tỷ lệ đẻ trứng ổn định đạt 80%, thu hoạch bán trứng thu trên 4.500 quả/ngày với tổng thu nhập khoảng 3.600.000 đồng/ngày, bình quân một tháng thu khoảng 100 triệu đồng.

Mô hình kinh tế vườn của gia đình ông Lò Văn NhờMô hình kinh tế vườn của gia đình ông Lò Văn Nhờ (Ảnh: Ban TĐKT tỉnh Sơn La)

Còn trong phát triển kinh tế vườn, ông Lò Văn Nhờ, bản Pặt, xã Mường Chùm, huyện Mường La là một trong những điển hình về trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong quá trình sản xuất, trồng cây ăn quả, hộ gia đình không ngừng học hỏi kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật, cải tạo giống cây trồng tăng năng suất, chất lượng cây ăn quả.

Bên cạnh đó, ông Nhờ còn phối hợp với các hộ gia đình, hợp tác xã trên địa bàn tìm đầu ra cho sản phẩm; đầu tư máy móc, trang thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho gia đình mỗi năm hơn 240 triệu đồng. Mô hình trồng cây ăn quả chủ lực là cam Vinh, diện tích 0,5 ha; sản lượng ước đạt 3 tấn, thu nhập 45 triệu đồng/năm từ cam; trồng cỏ voi chăn nuôi đại gia súc, tổng đàn bò 7 con. Kết hợp làm nông nghiệp ruộng lúa nước 1 ha, trồng cây ngô ngọt phục vụ cho nhà máy chế biến DOVECO, nuôi gà, vịt, ngan, … ủ phân chuồng phục vụ bón phân kết hợp cho cây trồng.

Ngoài ra, ông Nhờ cũng giúp đỡ 03 hộ gia đình hộ nghèo trong bản về vốn, hướng dẫn kỹ thuật chuyển đổi cơ cấu cây trồng để các hộ gia đình có thêm thu nhập và thoát nghèo. Đồng thời vận động nhân dân đóng góp mua nguyên vật liệu, hiến đất làm đường bê tông nông thôn; đóng góp ngày công lao động để làm đường giao thông, xây lò đốt rác, làm hệ thống đèn chiếu sáng tại các đường ngõ trong bản.

Ngoài những hộ gia đình nêu trên, trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương cũng còn đó nhiều nữa những mô hình, điển hình với những cách làm hay và hiệu quả trong phong trào phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của đồng bào các dân tộc ở Sơn La, góp phần làm giàu cho quê hương và đóng góp quan trọng để tỉnh Sơn La sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng Nông thôn mới.

Phi Yến

Bài liên quan

Cùng chuyên mục